Nguyên nhân hàng trăm công nhân đình công, theo tìm hiểu của PV là do gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, Công ty này đã thông báo cắt giảm một số khoản phụ cấp áp dụng trong tháng 5/2020. Sau khi cắt giảm, công nhân chỉ được hưởng phụ cấp như: Xăng xe 200 nghìn đồng (trước đây là 350 nghìn đồng); tay nghề 100 nghìn đồng (trước đây chia theo các bậc A 400 nghìn đồng; B 300 nghìn đồng; C 200 nghìn đồng); chuyên cần 100 nghìn đồng (trước đây là 300 nghìn đồng). 

Không đồng ý với thông báo này của chủ daonh nghiệp, toàn bộ công nhân ngừng việc trong sáng 9/6 để kiến nghị công ty giữ nguyên các khoản phụ cấp như trước. Ngoài ra, công nhân cũng yêu cầu daonh nghiệp xem xét, tăng mức hỗ trợ tiền ăn ca (hiện nay là 14,5 nghìn đồng); công đoàn quan tâm chăm lo đời sống người lao động vào các dịp lễ, tết.

Lãnh đạo công ty làm việc với cơ quan chức năng đại phường nhằm tìm giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp và người lao động. Ảnh BBG

Lãnh đạo công ty làm việc với cơ quan chức năng đại phường nhằm tìm giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp và người lao động. Ảnh BBG

Liên quan đến việc này, bà Trần Thị Như Mai, Giám đốc Công ty cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch đã khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn,  nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Riêng trong tháng 5, công nhân chỉ đi làm 16 ngày công, sản xuất được hơn 5 nghìn sản phẩm, trị giá khoảng 100 triệu đồng, hiện chưa bán được. Trong khi đó, Công ty phải chi tiền điện, thuê mặt bằng, đóng BHXH cho người lao động số tiền lên đến 670 triệu đồng.

“Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng chi trả đầy đủ và đúng hẹn hằng tháng tiền lương, các khoản phụ cấp cho người lao động. Công ty mong muốn người lao động chia sẻ khó khăn với daonh nghiệp vào thời điểm này. Còn nếu công nhân không chấp nhận với thông báo cắt giảm trên, phía Công ty đồng ý giữ nguyên chế độ trong tháng 5”, bà Mai nói 

Cùng theo bà Mai, từ ngày 1/6, doanh nghiệp điều chỉnh các khoản phúc lợi hằng tháng với mỗi công nhân gồm: Tiền xăng xe 250 nghìn đồng; tay nghề, áp dụng theo các bậc A 300 nghìn đồng, B 200 nghìn đồng, C 100 nghìn đồng. 

“Trong 2 ngày tới, công nhân không trở lại làm việc thì daonh nghiệp sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, giải quyết đầy đủ các quyền lợi liên quan với người lao động”, bà Mai nhấn mạnh.

Rõ ràng đại dịch trong thời gian vừa qua đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có những doanh nghiệp đã phải giải thể, phá sản.. Khó khăn của doanh nghiệp đồng nghĩa với những khó khăn của người lao động. Nhưng với những gì bà Mai chia sẻ cho thấy, doanh nghiệp cũng đã rất cố gắng và hướng tới người lao động một cách tốt nhất.

Sự đình công sẽ chỉ khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Thiết nghĩ, mỗi cán bộ công nhân hãy cố gắng cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch, sự đoàn kết, chung tay lúc này cũng chính là sức mạnh để doanh nghiệp và người lao động hướng tới ổn định và phát triển hơn trong thời gian tới.