>> Sức mạnh của nữ doanh nhân

Không chỉ được vinh danh là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, mà ngay trong dịch bệnh, khủng hoảng chính trị trên thế giới, doanh nhân Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, vẫn miệt mài lèo lái con thuyền doanh nghiệp trụ vững trước sóng bão.

Chính vì thế, tại lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, một lần nữa người nữ thuyền trưởng Ninh Thị Ty - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm lại được xướng tên. Phần thưởng cao quý này là minh chứng cho sức mạnh người nữ doanh nhân vừa có tài vừa có đức trong thời đại mới.

Không vì “sóng cả mà ngã tay chèo”

Dịch bệnh kéo dài suốt trong năm 2020, 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực. Dệt may là ngành phải chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19: nguồn cung bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng sản xuất, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản,.... Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh so với trước khi đại dịch xảy ra.

Nhìn lại quãng đường đầy thử thách vừa qua, bà Ninh Thị Ty chia sẻ, đây là khó khăn chung của ngành dệt may, khi nhu cầu hàng dệt may trên thế giới giảm, đặc biệt giảm mạnh tại một số thị trường truyền thống lớn.

Do đó, để doanh nghiệp đứng vững, người lao động không mất việc làm, ngoài việc phải bươn chải làm khẩu trang, quần áo y tế và tham gia chung tay ủng hộ Nhà nước phòng, chống dịch bệnh, Hồ Gươm đẩy mạnh sản xuất quần áo cho thị trường nội địa, tìm kiếm mở thêm thị trường Nga.

 Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm là một trong 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm là một trong 60 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

>> Nữ doanh nhân tạo đột phá, dẫn bước thành công

Nhưng mọi việc đều không suôn sẻ trong thời điểm ấy. Khi bắt tay vào làm chuyến hàng đầu tiên sang thị trường Nga thì cũng là lúc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu nổ ra. “Nhiều bạn hàng, đối tác khuyên tôi nên dừng lại vì lo ngại không thanh toán được”, bà Ty cho biết.

Tuy nhiên, sau 2 đêm trăn trở, phân tích nên hay không. Nữ doanh nhân đã đặt đưa ra hai lý do để tiếp tục đơn hàng. Một là, không thể ngay lập tức dừng được vì Tập đoàn bỏ ra hàng chục triệu USD để nhập về hơn 40 container nguyên liệu phục vụ đơn hàng này.

Hai là, đối tác Nga họ đã tin tưởng đặt hàng và mình cũng đã tìm hiểu khá kỹ về đối tác. Hơn nữa, khi đối tác gặp khó khăn, mình đồng hành giúp họ, đây sẽ là cơ hội làm ăn của tập đoàn với đối tác Nga sau này”, bà Ty tâm sự. Từ những phân tích cứng rắn, bà đã thuyết phục được các cán bộ chủ chốt quyết tâm hoàn thành đơn hàng.

Tuy nhiên, khó khăn lại tiếp tục thử thách bà. Khi hàng đã xuất nhưng không thể gửi được chứng từ qua LC cho khách hàng. Một lần nữa, nữ doanh nhân lại phải “cân não”.

“Cuối cùng tôi đành phải chấp nhận “thả hổ về rừng”- thả chứng từ, đồng ý cho đối tác Nga nhận lô hàng trị giá 1,7 triệu USD không qua ngân hàng vừa với hy vọng đối tác không lừa mình. Thật may, điều tôi nghĩ là đúng. Đối tác Nga cũng rất giữ chữ “tín”, đến bây giờ đã thanh toán hết đơn hàng”, bà Ty kể lại, ánh mắt vẫn còn rạng rỡ niềm tin.

Không chỉ dệt may, tía tô cũng không xuất khẩu được. Trớ trêu, thời kỳ đầu dịch bệnh, bên Nhật chưa bùng phát thì giá cước vận tải hàng không rất cao, khiến Tập đoàn không thể xuất khẩu sang Nhật nên buộc phải nhổ bỏ.

Khi giá cước ổn định, đối tác Nhật lại hối thúc giao hàng, Tập đoàn lại trồng. Sau gần bốn tháng đến lúc thu hoạch thì ở Nhật Bản lại bị đóng cửa do Covid bùng phát mạnh, đối tác không nhận hàng nữa. Cứ như vậy, Tập đoàn trồng rồi lại nhổ… tới 3 lần, tổng số tiền lỗ lên tới 6 tỷ đồng.

 Bà Ninh Thị Ty và các doanh nhân khác chụp ảnh cùng thủ tướng Phạm Minh chính tại chương trình Tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Bà Ninh Thị Ty và các doanh nhân khác chụp ảnh cùng thủ tướng Phạm Minh chính tại chương trình Tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022.

Lợi nhuận đứng sau đạo đức kinh doanh

Điều đáng ngưỡng mộ ở người nữ thuyền trưởng này, khi nông trường Lào Cai (gần 600ha) và nông trường Hà Giang (gần 300ha) có nguy cơ bên bờ vực phá sản do dịch bệnh, bà đã quyết định mua mỗi nông trường 70% cổ phần. Đồng thời thu mua 6.000 tấn xoài và dứa không tiêu thụ được của người nông dân để chế biến, sấy khô xuất khẩu sang thị trường Nga và Trung Quốc.

“Điều tôi tự hào không phải là lợi nhuận mà là đã giúp được người dân không phải đứng nhìn thành quả của mình bị đổ xuống sông xuống biển, giúp họ có được thu nhập xứng đáng với sức lao động đã bỏ ra”, bà Ty kể với ánh mắt bừng sáng.

Có lẽ đạo đức kinh doanh luôn ẩn chứa trong con người của bà, để đến khi có cơ hội là bùng lên. Bà quan niệm, 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam: tạo giá trị cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình đều thực sự cần có với doanh nghiệp hiện nay.
Quy tắc nào cũng quan trọng để xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin bạn hàng, người lao động… Bà tâm đắc, xây dựng lòng tin với khách hàng luôn luôn được Tập đoàn vun đắp. Bởi là hàng thời trang, ngoài chất lượng sản phẩm thì tiến độ giao hàng cực kỳ quan trọng. Đây cũng chính là con đường đi kiên định để phát triển bền vững của Hồ Gươm.

Ngoài ra, bảo vệ môi trường cũng là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Tập đoàn trong chiến lược kinh doanh. Trong ngành may, rác thải từ vải vụn rất lớn nên phải được xử lý triệt để bằng hệ thống lò hơi của Hàn Quốc.

Lĩnh vực nông nghiệp cũng được Hồ Gươm áp dụng công nghệ sản xuất theo chu trình khép kín, dùng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất, bổ sung cho đất một lượng lớn mùn, vi sinh vật hữu ích… Bởi bà Ty quan niệm, đất không phải chỉ cho bây giờ, mà còn cho tương lai con cháu chúng ta.

 Tổ hợp căn hộ cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại Hồ Gươm Plaza, Mộ Lao - Hà Đông.

Tổ hợp căn hộ cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại Hồ Gươm Plaza, Mộ Lao - Hà Đông.

Đặc biệt, với đặc thù của ngành may mặc, ngành nông nghiệp, số lượng lao động lớn, thuộc nhiều dân tộc khác nhau như Mường, Mán, Tày, Cao Lan… nên Tập đoàn luôn đặt người lao động lên hàng đầu để chăm sóc, dung dưỡng. Coi người lao động là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Vì vậy, Hồ Gươm luôn đảm bảo mức lương cũng như đảm bảo tinh thần cho người lao động. “Tôi luôn tự hào vì cán bộ công nhân viên trong hệ thống Hồ Gươm đều được chăm sóc tốt, ít nhất tốt hơn quy định của pháp luật”.

Mục tiêu kinh doanh của Hồ Gươm đầu tiên là phải làm cho khách hàng hài lòng, tiếp đến là công nhân hài lòng, thứ ba là chính quyền địa phương các cấp hài lòng, cuối cùng mới là doanh nghiệp có lợi nhuận. Nó như “sợi chỉ đỏ” trong suốt hành trình phát triển của Tập đoàn.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, chân lý này càng rõ rệt hơn. Khi người lao động bị F0 phải nghỉ làm nhưng mức lương họ nhận được vẫn tốt hơn quy định của luật đưa ra. Bà Ty tâm niệm, đây là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Bởi người lao động chỉ có nguồn thu nhập từ một nơi họ cống hiến, bị bệnh họ nghỉ ở nhà tiêu tốn tiền của nhiều hơn, nếu doanh nghiệp không hỗ trợ thì rất khó khăn cho họ. Song cũng chính điều này khiến người lao động sẽ cảm nhận được họ “không bị bỏ lại phía sau” khi khó khăn và họ sẽ tiếp tục gắn bó, nỗ lực phấn đấu cho doanh nghiệp.

“Khi người lao động cưới xin, ốm đau hay con cái bị bệnh, chúng tôi đều có chính sách hỗ trợ rõ ràng. Có những trường hợp doanh nghiệp hỗ trợ đến hàng trăm triệu đồng khi người nhà của họ gặp nạn”, bà Ty cho biết thêm.

Vì lao động rất đông là dân tộc thiểu số đặc biệt ở nông trường Hà Giang, Lào Cai nên bên cạnh tạo việc làm cho họ, Hồ Gươm còn tạo giá trị cho xã hội. Bà Ty kể, lúc đầu họ không đồng ý tham gia bảo hiểm dù doanh nghiệp đóng 2/3, có lúc đóng 100% chi phí bảo hiểm. Nhưng với kinh nghiệm và sự quyết tâm, cán bộ doanh nghiệp phải thường xuyên tuyên truyền, kiên trì giải thích cho họ hiểu về nguyên tắc làm việc tập thể, trách nhiệm, lợi ích của bảo hiểm khi ốm đau, thai sản… giúp mang lại cuộc sống ngày càng tốt hơn cho họ.

Không chỉ với lao động của doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của Tập đoàn còn được mở rộng ra bên ngoài. Hàng năm Hồ Gươm trích quỹ 1-2 tỷ đồng thực hiện các chương trình từ thiện, tài trợ vùng sâu, vùng xa, bão lụt…

Càng nói chuyện càng hiểu sâu sắc hơn về cái đức của nữ doanh nhân Ninh Thị Ty. Khi nói về gói hỗ trợ doanh nghiệp trong Covid, bà Ty đã nhìn nhận, nguồn ngân sách Chính phủ có hạn, trong khi đất nước chưa giàu có, nên Nhà nước giúp đến đâu doanh nghiệp mừng đến đấy. Sự hỗ trợ dù lớn hay nhỏ đều giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn hết sự nỗ lực, bươn chải, tự lực cánh sinh sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Hơn nữa, bà Ty cho rằng, những gói hỗ trợ này nên dành cho những doanh nghiệp nhỏ - yếu, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, doanh nghiệp chưa có điều kiện tốt về khả năng tài chính được thụ hưởng...