>> Quản lý thị trường xăng dầu: Cần một cuộc… “đại phẫu”

Theo đó, sự đổ vỡ, đứt gãy cục bộ của chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước vốn đã được cảnh báo từ sự bất ổn xảy ra tại kỳ điều hành vào tháng 02/2022. Thời điểm đó, kỳ điều hành ngày 01/2 rơi vào đúng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời gian điều chỉnh kéo dài tới 20 ngày, trong bối cảnh giá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm, thì việc gián đoạn nguồn cung cục bộ đã không thể tránh khỏi.

Thực tế, tại thời điểm đó tình trạng thiếu hàng, khan hàng được cho là do sự cố từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhưng đến nay khi nguồn cung tương đối dồi dào, việc thiếu hàng lại trở thành phi lý, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa qua.

sự đổ vỡ, đứt gãy cục bộ của chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước vốn đã được cảnh báo tại kỳ điều hành vào tháng 02/2022 - Ảnh minh họa: PLO

Sự đổ vỡ, đứt gãy cục bộ của chuỗi cung ứng xăng dầu trong nước vốn đã được cảnh báo từ sự bất ổn xảy ra tại kỳ điều hành vào tháng 02/2022 - Ảnh minh họa: PLO

Vậy tại sao những bất ổn trên thị trường xăng dầu vẫn cứ mãi “đeo đẳng”, nguyên nhân từ đâu?

Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2022, được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường lành mạnh hơn, giá trong nước sẽ theo sát diễn biến giá thế giới. Thế nhưng, với sự thay đổi liên tục và ngày càng khó dự báo của giá xăng dầu thế giới, thì những quy định của chính sách này được cho chưa theo kịp thực tiễn, từ đó dẫn đến hiện trạng tác động lớn đến cung cầu thị trường, đẩy giới kinh doanh rơi vào khó khăn chưa từng có.

Cụ thể, ngày 15/2/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Ngoài phạt tiền đối với 18 đơn vị, gồm các thương nhân đầu mối, công ty con, cơ quan chức năng còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro).

Thanh tra Bộ Công Thương khẳng định, việc xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp này được thực hiện theo đúng các quy định đã được nêu rõ tại Nghị định 83/2014 và Nghị định số 95/2021 sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Thế nhưng, ngày 5/9, Saigon Petro cùng một số doanh nghiệp vừa bị tước giấy phép đã gửi công văn khẩn lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, doanh nghiệp này không hề vi phạm như quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương.

Bởi, hiện tổng quy mô các đại lý, cửa hàng, đơn vị nhượng quyền mà Saigon Petro đang sở hữu (hơn 100 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu) gấp nhiều lần so với quy định (tối thiểu gồm 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc thuê; 40 tổng đại lý xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền bán lẻ). Tuy nhiên, do cách hiểu về “đại lý” và “thương nhân nhượng quyền” trong Nghị định 95/2021 sửa đổi nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu chưa rõ ràng, dẫn đến quyết định xử phạt được xem là thiếu thuyết phục.

>> Quản lý thị trường xăng dầu: Bỏ Quỹ bình ổn giá trước khi Luật Giá sửa đổi

một số chuyên gia cũng đề nghị, Bộ Công thương nên sớm nghiên cứu, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: Chính phủ

Một số chuyên gia đề nghị, Bộ Công Thương nên sớm nghiên cứu, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: Chính phủ

Thực tế, những bất cập trong chính sách về kinh doanh xăng dầu không phải mới, đây là vấn đề cũng đã được đề cập đến rất nhiều sau những bất ổn về nguồn cung xăng dầu tại kỳ điều hàng tháng 02/2022.

Nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù thời gian điều chỉnh giá xăng dầu đã rút ngắn so với trước đây, song trong giai đoạn mà thị trường thế giới có nhiều biến động bất thường như thời gian gần đây thì Nghị định 95/2021 vẫn còn những bất cập, hạn chế. Nếu không được sửa đổi, điều chỉnh một cách kịp thời thì vẫn khó tránh khỏi những hậu quả đáng tiếc.

Liên quan đến nội dung này, tại cuộc họp đầu về cung ứng xăng dầu tháng 02/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng từng thừa nhận, cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu. Đơn cử như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh trong trường hợp bất khả kháng. Qua đó để giá xăng dầu tiệm cận với thế giới, tránh gây khó hay quá thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Và để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tham mưu sửa đổi và bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021.

Và để giải quyết những bất cập của Nghị định 95/2021, trước đó, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất, thời gian điều hành giá cần thay đổi theo hướng linh hoạt hơn, từ 10 ngày/lần như quy định hiện hành xuống còn vài ngày một lần, thậm chí điều chỉnh giá hàng ngày để phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.

“Chỉ có như vậy thì mới khắc phục tình trạng găm hàng chờ giá lên, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thỏa, cụm quy định “Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét…” trong Nghị định 95/2021 là không rõ ràng. Vì vậy, ông đề xuất, cần phải làm rõ biến động bất thường là biến động như thế nào.

“Nếu có tiêu chí rõ ràng, cụ thể thì không cần báo cáo Thủ tướng mà trong thẩm quyền Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thì cứ thế mà làm”, ông Thỏa cho hay.

Chưa kể, Nghị định này quy định số ngày dự trữ xăng dầu của thương nhân đầu mối là 20 ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định này chỉ phù hợp khi Việt Nam tự chủ được nguồn xăng dầu, nhưng hiện tại, với tình hình thực tế hiện nay thì việc dự trữ 20 ngày khó đảm bảo được nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…

Ngoài những nội dung đã nêu, trước thực tế hiện trạng bất ổn vừa qua, một số chuyên gia cũng đề nghị, Bộ Công Thương nên sớm nghiên cứu, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, bỏ quy định thương nhân đầu mối nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Bởi, ràng buộc này sẽ là rào cản các doanh nghiệp mới tham gia thị trường vì không phải doanh nghiệp non trẻ nào cũng đủ khả năng xây dựng cả hệ thống cho mình.

Đồng thời, cần tính đến việc mở cửa cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của nước ngoài vào hoạt động để tăng sức cạnh tranh, làm lành mạnh thị trường.