Sự hiểu biết về kinh tế thị trường, về hội nhập, về vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân luôn là mong muốn của các nhà báo viết về đề tài kinh tế .

p/Cácp/nhà báo tác nghiệp bên trong Trung tâm báo chí Quốc tế APEC.

Các nhà báo tác nghiệp bên trong Trung tâm báo chí Quốc tế APEC.

Thách thức hiện hữu

Ngày nay, một bài báo lên mạng, may mắn thay khi có hàng chục ngàn người đọc, nhưng cũng rủi ro thay, sẽ có hàng ngàn người “soi”. Bài báo đó có là viên gạch hồng góp phần xây dựng vì sự phát triển hay sẽ là rổ rá hứng chịu “gạch đá” . Đây là sức ép thứ nhất, đến từ bạn đọc, dữ dội, khốc liệt hơn.

Sức ép thứ hai đến từ những thay đổi lớn về kinh tế. Kinh tế Việt Nam thời nay đang đứng trước hai sự chuyển đổi lớn. Một là chuyển sang kinh tế thị trường, hay vẫn còn vấn vương thương nhớ thời bao cấp.

Chuyển đổi lớn thứ hai là kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng, là thành viên WTO giao thương với trên 200 quốc gia, là quốc gia ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA)... Mở rộng hẹp, nhanh chậm, song hay đa phương , chiến lược hay bình thường, thu hút FDI nào, ai được lợi, ai bị hại? Rồi các cuộc “chiến tranh thương mại” muôn màu muôn vẻ… Đây là thách thức lớn cho bất kỳ nhà báo nào viết về đề tài hội nhập.
Sức ép thứ ba đến từ các nhóm lợi ích. Quá trình hội nhập và chuyển đổi nêu trên không hề là dễ dàng vì khó, mới và cũng vì sự chi phối của các nhóm lợi ích, tuy xưa nay vẫn có nhưng bây giờ mức độ hoạt động cao hơn, tinh vi hơn. Các nhóm này vô cùng đa dạng và phong phú, ổn định và bất ổn, công khai và bí mật, thúc đẩy và cản trở, tiến bộ và phản tiến bộ. Họ gây tác động tới chính quyền, tác động vào chính sách, tốt thì thúc đẩy cạnh tranh, phát triển lành mạnh thị trường… Nhận chân ra các nhóm lợi ích này không hề dễ dàng, đưa được cái phản tiến bộ lên mặt báo, càng không hề đơn giản, chưa kể các nhóm này đều sử dụng báo chí, mạng xã hội để lobby chính sách và cũng chưa kể một số nhà báo, tờ báo cũng sẵn sàng làm phát ngôn cho nhóm lợi ích.

Sức ép thứ tư là thiếu sự hợp tác từ phía các cơ quan, tổ chức liên quan. Sức sống của báo là tin tức, trong đó tin tức, số liệu nói chung, số liệu kinh tế nói riêng đến từ các cơ quan, tổ chức công quyền là rất quan trọng, cần thiết để so sánh, đối chiếu, kiểm chứng. Đây là một thách thức lớn đối với các bài báo viết về kinh tế do rủi ro thiếu thông tin, thiếu sự hợp tác và nghĩa vụ cung cấp thông tin...

Và chức năng... tạo tiếng nói cộng đồng

Bốn sức ép lớn là vậy nhưng báo chí vẫn phải thực hiện tốt hai chức năng mà thiếu nó, báo chỉ là những trang giấy “vô hồn”. Đó là chức năng phản ánh ý kiến của cộng đồng mà báo coi đó là diễn đàn của họ, nhà báo coi đó là đối tượng của mình. Một nhà báo viết về đề tài chính sách, pháp luật kinh tế, vừa phải phản ánh được nguyện vọng của các nhớm đối tượng rất khác nhau này để trung thành với nguyên tắc phục vụ bạn đọc, mặt khác không được bỏ qua ý kiến của các nhóm nhỏ, yếu thể, dễ bị tổn thương, đúng với phương châm báo chí là diễn đàn của họ. Báo đồng thời phải chuyển tải được các ý cốt lõi của chính sách kinh tế, đồng thời phải nói được tiếng nói của doanh nghiệp, của người dân.

Báo chí cũng phải thực hiên chức năng thứ hai là góp phần phản biện chính sách. Không đơn thuần chỉ là phản ánh thông tin, các nhà báo kinh tế còn phải tự phản biện các chính sách để góp phần tăng tính định hướng của bài báo, tờ báo. Một bài báo hay không chỉ là ở sự đa dạng của các ý kiến khác nhau mà còn là các nhận định, bình luận của nhà báo về các ý kiến đó.