>>> Tín dụng xanh cần xanh hơn

Nhu cầu đầu tư tín dụng xanh và trái phiếu xanh của các nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới là rất lớn. Các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho xu hướng này trong 2023 và các năm tới đây.

 Cơ cấu tín dụng xanh theo lĩnh vực.p/Nguồn: NHNN

Cơ cấu tín dụng xanh theo lĩnh vực. Nguồn: NHNN

Nhu cầu gia tăng

Điều rất quan trọng tạo đà cho mọi vận hành của các chủ thể nền kinh tế theo hướng ESG, là việc triển khai các giải pháp của Chính phủ sau COP26 và sự quan tâm cao của không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà cả các định chế tài chính tín dụng trong nước. Câu hỏi đặt ra là làm sao để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này?

Theo ghi nhận dữ liệu của FiinGroup, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6/2022, tăng gấp 3 lần quy mô 1,1 nghìn tỷ USD từ tháng 12/2019. Sau châu Âu, ASEAN + 3 chiếm 15,3% tổng số toàn cầu.

Thị trường ASEAN có sự hiện diện đáng kể trong thị trường trái phiếu bền vững (lần lượt 19,2%/16,7% lượng trái phiếu đang lưu hành/ phát hành trong khu vực) và thị trường trái phiếu liên kết bền vững (18,5%/ 23,2% của lượng trái phiếu đang lưu hành/phát hành trong khu vực) vào tháng 6/2022. Nhìn chung, thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực đã có sự đa dạng hóa được cải thiện về các loại trái phiếu khác nhau.

Khu vực tư nhân chiếm 89% tổng lượng phát hành trái phiếu bền vững trong khu vực trong quý 2/2022, với các tổ chức tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát hành của khu vực tư nhân ở mức 45,1%. Riêng về trái phiếu xanh thì ngành tài chính chiếm cơ cấu lớn nhất, sau đó đến ngành tiện ích, công nghiệp và bất động sản
Trong nước, chúng ta cũng chứng kiến những đợt phát hành trái phiếu xanh, tuy chưa lớn và phổ biến nhưng rất đáng chú ý, như trường hợp trái phiếu bền vững có quyền chọn phát hành ra quốc tế của Vingroup 1 năm trước; hay gần nhất là đợt phát hành trái phiếu xanh của EVN…

4% là tỷ trọng tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 30/6/2022.


Kỳ vọng khung quy định mới

Có thể nói nhu cầu đầu tư xanh đang rất sôi động trên thị trường vốn quốc tế và các tổ chức định chế đầu tư đang đẩy mạnh một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện huy động vốn theo xu hướng mới này. Với vai trò là đơn vị được ủy uyền xác nhận trái phiếu xanh, hiện chúng tôi đang cùng ADB và GGGI làm việc với một số doanh nghiệp nhằm xây dựng khung trái phiếu xanh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu quốc tế (CBI). FiinGroup kỳ vọng sẽ có một số doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và huy động thành công trong năm 2023. Đó sẽ là những điểm sáng cho thị trường vốn Việt Nam góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Quy định

Quy định Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh sớm được ban hành sẽ thúc đẩy sự bùng nổ của dòng vốn xanh. Ảnh minh họa: OCB

Hơn nữa, Việt Nam có thể sẽ sớm ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Hiện khung tiêu chí này đang trong giai đoạn lấy ý kiến và kỳ vọng sẽ được sớm ban hành trong đầu năm 2023.

Quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy không chỉ hoạt động phát hành trái phiếu xanh mà cả tín dụng xanh được cấp bởi các tổ chức tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì quy mô tín dụng xanh hiện ở mức rất thấp, chỉ 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 30/6/2022.

Quy định mới, cùng với những hướng dẫn và cơ chế triển khai sẽ tạo cú hích cho kênh vốn này tăng trưởng trong năm 2023, nhất đối với các ngành như năng lượng, giao thông vận tải, tài nguyên nước, nông nghiệp, xây dựng/ bất động sản xanh và cả các ngành có yếu tố chuyển đổi xanh như xi măng và thép,…

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn bị cho xu hướng thu hút huy động vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh này ngay trong 2023 và các năm tới đây.
Hiện chúng ta đã dự thảo quy định về phân loại dự án xanh nhằm phục vụ tín dụng xanh và trái phiếu xanh và dự thảo này dự kiến sẽ sớm được ban hành và đi vào hiệu lực. Một khi hiệu lực, đây cũng là một trong những “đòn bẩy” cho tín dụng xanh và trái phiếu xanh thực sự sẽ là điểm nhấn cho năm 2023 và các năm tới. Một chiến lược thích ứng về vốn và hướng tới vốn xanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm chống chọi và vượt “cơn gió ngược” cũng như hướng đến một chu kỳ phát triển mới, bền vững.