>> “Xung lực” định hình kinh tế toàn cầu

Tăng trưởng toàn cầu chạm đáy

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức ước tính 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023, sau đó tăng lên 3,1% năm 2024. Dự báo mới nhất này cho năm 2023 cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng 10 vừa qua.

Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất mà IMF cho là sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay

Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất mà IMF cho là sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas đánh giá, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm nay, trước khi hồi phục vào năm tới. Theo các tiêu chuẩn, tăng trưởng sẽ vẫn yếu khi cuộc chiến chống lạm phát và xung đột Nga - Ukraine đè nặng lên các hoạt động.

“Bất chấp những cơn gió ngược này, triển vọng được xem là ít ảm đạm hơn so với dự báo tháng 10 của chúng tôi và có thể đại diện cho một bước ngoặt mới, với tăng trưởng chạm đáy và lạm phát giảm”, ông Gourinchas cho biết.

Báo cáo cũng cho biết, mặc dù dự báo tăng trưởng thấp hơn mức trung bình hàng năm trong lịch sử là 3,8%, nhưng GDP toàn cầu sẽ không tăng trưởng âm. Tăng trưởng âm thường diễn ra trong các cuộc suy thoái toàn cầu.

Như vậy, dự báo của IMF được cải thiện kể từ tháng 10, khi tổ chức này dự kiến nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1% vào năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự thay đổi lạc quan hơn lên 1,4% đối với Mỹ phản ánh tác động chuyển đổi từ khả năng phục hồi của nhu cầu trong nước vào năm 2022. Người tiêu dùng Mỹ đã tiếp tục chi tiêu từ khoản tiết kiệm của họ trong quý cuối cùng của năm.

“Vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ được dự đoán là 1% và tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, mặc dù cũng được dự đoán là sẽ giảm so với năm ngoái, nhưng có thể thúc đẩy làn sóng nhu cầu trong nước vào năm 2024 và đạt 6,8%”, IMF dự báo.

Định chế có trụ sở ở Washington DC cũng lạc quan hơn về kinh tế châu Âu, dự báo khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 0,7% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với con số dự báo 0,5% đưa ra hồi tháng 10. Đây vẫn là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng trưởng 3,5% mà Eurozne đạt được trong năm 2022, nhưng IMF đánh giá rằng châu Âu đã thích nghi với sự leo thang của giá năng lượng một cách nhanh hơn so với dự kiến và việc giá năng lượng xuống thấp gần đây đã giúp ích cho khu vực.

Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất mà IMF cho là sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, với mức suy giảm GDP dự báo là 0,6%, trong bối cảnh các hộ gia đình ở nước này phải vật lộn với chi phí sinh hoạt leo thang, bao gồm giá năng lượng và giá thuê nhà.

Dù lạm phát toàn phần đã giảm ở nhiều quốc gia, nhưng việc nới lỏng quá sớm các điều kiện tài chính, sẽ khiến cho thị trường trở nên dễ tổn thương một khi lạm phát lõi dai dẳng ở mức cao.

Theo ông Gourinchas, lạm phát lõi có thể đã đỉnh ở một số nước như Mỹ, các ngân hàng trung ương vẫn cần giữ cảnh giác và đảm bảo chắc chắn rằng lạm phát đang giảm bền vững, nhất là những nền kinh tế mà lãi suất thực đang thấp như châu Âu.

Vị chuyên gia kinh tế khuyến nghị các nước “ít nhất nên đưa chính sách tiền tệ thắt chặt hơn một chút so với ngưỡng trung tính và duy trì ở đó. Tiếp đó, các nước nên đánh giá xem điều gì đang diễn ra với các động lực giá cả và cách thức phản ứng của nền kinh tế. Sẽ còn nhiều thời gian để điều chỉnh hướng đi nhằm tránh việc thắt chặt quá mức”.

>> Quá sớm để lạc quan khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Trung Quốc: Xử lý khủng hoảng thanh khoản

Nhìn sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, IMF đã nâng dự báo GDP năm 2023 của Trung Quốc lên 5,2% do quốc gia này mở cửa trở lại hoàn toàn. Mức tăng trưởng như vậy dự kiến sẽ có ý nghĩa quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại bởi lạm phát và những tác động liên tục của cuộc chiến tại Ukraine.

IMF cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay sau một năm 2022 đầy biến động. Ảnh: Reuters

IMF cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay sau một năm 2022 đầy biến động. Ảnh: Reuters

Trong năm 2022, Trung Quốc đã không đạt được kỳ vọng khi chỉ tăng trưởng 3%. Điều này đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 40 năm GDP của Trung Quốc không đạt được mức trung bình toàn cầu, khoảng 3,4% cho năm 2022.

Báo cáo lưu ý rằng, nhu cầu bị dồn nén tích tụ trong quá trình Trung Quốc xử lý nghiêm ngặt đại dịch có thể dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở nước này. Tuy nhiên, có một số rủi ro tiêu cực bắt nguồn từ chính Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến triển vọng toàn cầu. Một trong số đó là sự phục hồi kinh tế của đất nước đang bị đình trệ do sự lây lan mạnh mẽ của Covid-19 kể từ tháng trước. Mức độ miễn dịch của người dân Trung Quốc vẫn còn thấp và nhiều bệnh viện đã phải vật lộn để xử lý lượng bệnh nhân gia tăng sau đó, đặc biệt là bên ngoài các khu vực đô thị lớn.

Một nguồn dễ bị tổn thương lớn khác đối với nền kinh tế toàn cầu là thị trường bất động sản căng thẳng của Trung Quốc. Nhu cầu của người tiêu dùng yếu và các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng có thể có tác động lan tỏa đến phần còn lại của thế giới.

IMF khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng tài sản và giảm thiểu rủi ro tác động lan tỏa đe dọa sự ổn định và tăng trưởng tài chính.

Về những cảnh báo này, tờ Tân Hoa Xã mới đây đã đưa tin rằng, Bắc Kinh đang thực sự đưa vấn đề này lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Theo đó, các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu đã soạn thảo một gói 21 nhiệm vụ chính nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng thanh khoản, với khoản tài trợ trị giá 450 tỷ Nhân dân tệ (66,3 tỷ USD) bên cạnh các khoản gia hạn nợ.

Kế hoạch này nhằm tăng tốc độ cho vay 150 tỷ Nhân dân tệ trong các khoản vay đã công bố trước đó tập trung vào việc giao nhà và thành lập thêm quỹ đặc biệt 200 tỷ Nhân dân tệ để giao tài sản cho dân cư. Nước này cũng sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ 100 tỷ Nhân dân tệ cho các khoản vay mua nhà cho thuê.

Riêng với Trung Quốc, IMF cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2024 trước khi giảm xuống dưới 4% trong trung hạn, do sự năng động của doanh nghiệp giảm xuống và tiến độ cải cách cơ cấu chậm lại.