Hoạt động cho vay tiêu dùng đã và đang nở rộ trong bối cảnh dịch bệnh.

Hoạt động cho vay tiêu dùng đã và đang nở rộ trong bối cảnh dịch bệnh.

>>> Những biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu từ NHNN và Chính phủ

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, trong số các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống. Vay tiêu dùng và bất động sản là 2 lĩnh vực dư nợ không chiếm tỷ lệ cho vay tăng cao trong 2021.

Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), do khó khăn kéo dài vì COVID-19, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch.

Điều đáng nói, bên cạnh việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hoạt động “bán chéo” cho vay tiêu dùng ở công ty tài chính được cấp phép, với các công ty khác và cả đơn vị không được cấp phép, đã xuất hiện.

Theo đó, một người vay tiêu dùng có thể sẽ phải vay các bên để đảo nợ. Các bên bao gồm cả Công ty tài chính, ngân hàng (có thể kiểm tra tín nhiệm), lẫn ngoài hệ thống (vay qua app, các công ty, nhóm cho vay không chính danh). Hiện tượng này khiến dư nợ tiêu dùng trong đại dịch có thể thay đổi và có độ vênh giữa thống kê của cơ quan quản lý (trong hệ thống) với ghi nhận thực tế (ngoài hệ thống). Đặc biệt, số nợ xấu của vay tiêu dùng cũng khó có thể kiểm soát một cách chính xác do điểm tín nhiệm, trả nợ của người dùng có thể “sạch” nhưng thực tế đã tạo những khoản vay phình to lãi + gốc khó trả.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đánh giá, qua số liệu 16 công ty tài chính tiêu dùng, cứ 10 người dân vay tiêu dùng thì có 1 người nợ quá hạn, nợ xấu... Tỷ lệ tăng trưởng cho vay không tăng, nhưng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng gấp đôi so với 2020. Nếu kiểm soát đúng, đủ hiện trạng vay tiêu dùng, liệu điều này có thể gây bất ổn cho thị trường?