Ấn Độ khiến Trung Quốc tức giận với sự kiện G20 mới nhất

Ấn Độ khiến Trung Quốc tức giận với sự kiện G20 mới nhất

Bất chấp việc bị Trung Quốc và một số nước tẩy chay, Ấn Độ vẫn bảo vệ quyết định tổ chức một kỳ họp về công tác du lịch trong khuôn khổ G20 tại khu vực Jammu và Kashmir thuộc vùng Himalaya từ ngày 24-25/5 vừa qua.

>> Chọn Hiroshima, G7 gửi thông điệp gì tới Trung Quốc và Nga?

Sự kiện diễn ra tại vùng lãnh thổ tranh chấp hiện do Ấn Độ kiểm soát đã khiến Trung Quốc tức giận, đồng thời tuyên bố không tham gia để phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Trung Quốc kiên quyết phản đối tổ chức bất kỳ cuộc họp G20 nào ở lãnh thổ tranh chấp và sẽ không tham dự hội nghị như vậy".

Về phía Ấn Độ, nước này cũng bác bỏ sự phản đối, nhấn mạnh New Delhi được tự do tổ chức các cuộc họp trên lãnh thổ của mình. Đây là lần đầu tiên một sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại thành phố lớn nhất khu vực sau khi chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hủy bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir vào tháng 8/2019 và chia vùng này thành hai lãnh thổ do liên bang quản lý.       

Nhiều chuyên gia cho rằng, với quyết định mới nhất, Ấn Độ đã gửi đi một số thông điệp mà Mỹ có thể hài lòng.

Thứ nhất, đây là cách chính quyền Thủ tướng Modi khẳng định “sức mạnh” của Ấn Độ trong bảo vệ các lợi ích quốc gia trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bằng việc mời một loạt các quan chức quốc tế tới vùng tranh chấp, Chính phủ Ấn Độ không chỉ đang theo đuổi chiến lược biến nơi đây trở thành một điểm du lịch, mà còn muốn cho thế giới thấy “sự khôi phục ổn định và bình thường trong khu vực" dưới quyền kiểm soát của New Delhi.

Điều đáng nói, New Delhi làm điều này bất chấp sự phản đối được dự báo trước từ Trung Quốc và các nước gần gũi, gồm Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia. Điều đó có thể khiến Hoa Kỳ hài lòng, khi Washington đang tìm kiếm một Ấn Độ có vai trò lớn mạnh hơn để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.

G20 là cơ hội để Ấn Độ khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trên thế giới

G20 là cơ hội để Ấn Độ khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trên thế giới

Thứ hai, Ấn Độ đang trở nên tích cực hơn để biến mình thành nhà lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển và mới nổi trên toàn cầu - điều mà Hoa Kỳ cũng mong muốn.

Là sự kiện quốc tế nổi tiếng nhất trong năm, Hội nghị G20 được chính phủ của ông Modi tổ chức một cách rầm rộ nhằm khẳng định tham vọng đó. Theo đó, Ấn Độ dự kiến sẽ tổ chức tổng cộng 215 cuộc họp G20 tại hơn 55 địa điểm trên khắp đất nước.

Trong thời gian qua, Ấn Độ cũng rất tích cực tham gia vào các chương trình do Mỹ lãnh đạo. Ấn Độ là một khách mời quan trọng của G7, trong đó ông Modi đã tham gia một cuộc họp kết thúc bằng một tuyên bố chung về nguy cơ an ninh từ Trung Quốc.

>> Sức mạnh hải dương đang định hình "quyền lực" Trung Quốc

Cũng tại Hội nghị G7 tại Hiroshima, lãnh đạo 4 nước trong nhóm QUAD đã có cuộc gặp không chính thức, với các nội dung được dự đoán xoay quanh cách ứng xử với Trung Quốc.

Trong tháng tới, một loạt các chuyến thăm cấp cao giữa quan chức Ấn Độ và Mỹ sẽ diễn ra. Đáng chú ý nhất là Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ vào 22/6, hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới New Delhi gặp người đồng cấp Ấn Độ trong lịch trình thăm 4 nước của mình.

Đáng chú ý, tại hội nghị Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc chủ trì mới đây, Ấn Độ là đối tác hiếm hoi bất đồng với nước chủ nhà trên một số vấn đề cốt lõi, cũng như làm giảm nhẹ đi những lời chỉ trích nhắm vào phương Tây của Bắc Kinh.

Nhưng ông Modi không phải là một đồng minh

Lôi kéo hoàn toàn Ấn Độ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng của Washington

Những động thái gắn kết với Mỹ của Ấn Độ rõ ràng là một tín hiệu vui cho Washington khi Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn trong các ưu tiên chiến lược. Ukraine đang gặp bất lợi trước Nga, Châu Âu bị chia rẽ bởi cách ứng xử với Bắc Kinh; hay Trung Quốc ngày càng lấn át ảnh hưởng của Mỹ tại nhiều khu vực.

Tuy nhiên, lôi kéo hoàn toàn Ấn Độ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng của Washington. Dù New Delhi chia sẻ các quan điểm về Trung Quốc của Mỹ, nhưng nước này vẫn kiên trì theo đuổi đường lối không liên kết trong nhiều vấn đề, điển hình như chiến sự Nga – Ukraine.

Rõ ràng, Ấn Độ có đủ tham vọng và tiềm lực để trở thành một thế lực ngang hàng với Trung Quốc và Mỹ, thay vì trở thành một “quân cờ” dưới sự chỉ bảo của phương Tây. Do đó, theo các chuyên gia, Mỹ và châu Âu nên có một cách tiếp cận linh hoạt và mềm dẻo hơn để có thể biến Ấn Độ thành một đối tác đắc lực tại châu Á - Thái Bình Dương.