ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) phát biểu tại Toạ đàm

Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) phát biểu tại Toạ đàm

Tại Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức sáng nay (16/8), ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục Trưởng Cục đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT cho biết: Ngành dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

>>> Doanh nghiệp du lịch "khó" tiếp cận với chính sách hỗ trợ

Thách thức kép

Trước tác động tiêu cực và kéo dài của dịch Covid-19 đối với ngành dệt may, ông Anh Tuấn nhìn nhận: Năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt giảm 0,5%; ngành sản xuất trang phục giảm 4,9% do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ các sản phẩm may mặc, nhu cầu sản phẩm dệt may giảm sút mạnh khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch.

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức sáng nay (16/8)

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức sáng (16/8).

Ông Anh Tuấn hồ hởi nói, năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi. Đặc biệt, các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất trang phục tăng 23,3%. Một số sản phẩm trong ngành 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá như vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 101,4% so với cùng kỳ năm trước; quần áo mặc thường tăng 12,1%. 

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm. Đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng nhanh…

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”

Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam, khi Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.

“Thị trường các nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đa phần là thị trường đẳng cấp và khó tính, có yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, truy suất nguồn gốc, hàm lượng tái chế, tiêu chuẩn lao động (chống lao động cưỡng bức, lao động trẻ em…). Khả năng các doanh nghiệp của các nước nhập khẩu sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng với đó là sự cạnh tranh quyết liệt hơn tại thị trường nội địa do các thương hiệu lớn nước ngoài như Zara, Mango, Topshop… có mặt tại Việt Nam” - ông Cẩm lo lắng.

Ở khía cạnh khác, TS. Đỗ Tiến Long, Chuyên gia cao cấp về Tư vấn phát triển Tổ chức và Chiến lược cho rằng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang đã tạo sức ép lên giá năng lượng; giá dầu thô và khí đốt đã tăng vượt đỉnh (xấp xỉ 30% so với đầu năm).

Mặt khác, với trên 60% thị phần sợi toàn cầu tập trung vào sợi nhân tạo tổng hợp vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ, than đá, khí đốt. Giá bông và xơ, sợi nguyên liệu tăng cao trong khi giá trị các sản phẩm may mặc không tăng đủ để bù đắp chi phí tăng thêm (giá bán chỉ tăng 15-17% trong cùng một gia đoạn) sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp may mặc. Thay đổi chuỗi cung ứng, cam kết nhân sự, tốc độ tự động hoá cũng làm giảm dần các ưu thế về nhân công rẻ khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn.

“Đặc biệt, 80% doanh nghiệp dệt may có quy mô SME: nguồn lực tài chính hạn chế, thiếu nhân lực chất lượng cao, lúng túng trong chuyển đổi số” - ông Long dẫn chứng thêm.

Doanh nghiệp chia sẻ những vướng mắc, khó khăn tại Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”

Doanh nghiệp chia sẻ những vướng mắc, khó khăn tại Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”.

>>> Doanh nghiệp “càng làm càng lỗ” do chênh lệch giá vật liệu xây dựng

Giải bài toán thách thức

Trước nhiều ý kiến, trăn trở của các doanh nghiệp dệt may được chia sẻ, giải đáp tại Toạ đàm, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) khẳng định: Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, dẫn tới đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu, tạo liên kết chuỗi hay hướng tới các mắt xích mang lại giá trị cao hơn là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp dệt may hướng tới.

“Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động tìm nhiều giải pháp để phục hồi và khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng” - ông Lực thông tin.

Cũng theo ông Lực, qua thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng đã thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới, ngoài việc đa dạng hóa dòng hàng, thì còn đa dạng hóa thị trường cũng như thích ứng với nền tảng cơ chế thanh toán theo bối cảnh mới, khác hoàn toàn cách mua bán truyền thống trước đây. Việc các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được áp lực của thị trường.

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”

Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, rất nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển mình, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với những yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường nhiều giải pháp để phát triển.

Đồng quan điểm trên, ông Anh Tuấn nhận định, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, cơ hội đang mở ra rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Với yêu cầu về quy tắc xuất xứ như vậy sẽ giúp cho các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi. Đây cũng chính là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.

Vì vậy, ngành dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị, giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may... nhằm hướng tới phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.

Cùng với đó, nhà nước cần xem xét hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu. Trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần theo xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng. Ngoài ra, cần theo xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D)… để kết nối minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

“Cần đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp dệt may về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dệt may, chú trọng các kỹ năng mới, cần thiết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Anh Tuấn nêu rõ.

Là doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong việc trồng cây gai xanh và sản xuất sợi gai tại Việt Nam, ông Tô Đức Minh, Phó Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn An Phước cho hay: Vừa qua Tập đoàn đã đầu tư nhà máy đầu tiên ở Việt Nam có công nghệ sản xuất tự động hoá theo dây chuyền hiện đại nhập khẩu sản xuất sợi gai với quy mô 1.000 tỷ VNĐ. Hiện nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định và đã sản xuất được sợi có chỉ số khác nhau theo nhu cầu thị trường. Nhà máy cũng đã và đang tối ưu định mức chi phí, tiêu hao trong sản xuất.

Để hiện thực hoá mục tiêu giai đoạn 2023 – 2032, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận tín dụng xanh đầu tư 3 nhà máy tách keo (đảm bảo phục vụ cho nhà máy kéo sợi công suất 20.000 cọc sợi/năm) tại những vùng nguyên liệu có diện tích lớn; một nhà máy dệt nhuộm công suất 3.600.000 mét vải/năm; một nhà máy kéo sợi hỗn hợp công suất 5.200 tấn/năm.

Với vai trò Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị: Bên cạnh yếu tố hiệu quả kinh tế của phương án kinh doanh, các tổ chức tín dụng sẽ hướng đến tài trợ tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, bảo vệ môi trường…

Nhiệm vụ của ngành dệt may là cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả. 

“Doanh nghiệp dệt may cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây truyền sản xuất sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh” - ông Hùng nhấn mạnh.