>> NHNN: Giảm lãi suất điều hành, định hướng giảm lãi vay

Bất ngờ hạ lãi suất

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hạ một số lãi suất điều hành, thị trường đón nhận với nhiều tâm lý tích cực.  

Chuyên gia nhận định Nếu không có sự giảm lãi suất thì Việt Nam sẽ có vấn đề về tăng trưởng

Chuyên gia nhận định, nếu không có sự giảm lãi suất thì Việt Nam sẽ có vấn đề về tăng trưởng.

Các lãi suất điều hành gồm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) và lãi suất trần huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng hiện vẫn giữ nguyên dưới 6%. Điều này cho thấy hàm ý chính sách của Nhà nước đang tập trung vào thị trường 2 nhiều hơn.

Tuy nhiên ở góc độ nào đó, từ năm 2022, việc 2 lần tăng lãi suất của NHNN là một động thái khá nhanh và cấp tập để đảm bảo mục tiêu tỷ giá; còn năm nay việc hạ lãi suất trước thời gian diễn ra cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 21-22/3 cũng là điều khá bất ngờ. Vậy những quyết định này có hàm ý chính sách gì khi một biến số trên thị trường thay đổi, cụ thể là chính sách tiền tệ?

Chúng ta đều nhìn thấy bức tranh khá ảm đạm của tăng trưởng GDP năm nay thông qua những chỉ số đi trước, như chỉ số công nghiệp (IIP). Nếu không có sự giảm lãi suất thì Việt Nam sẽ có vấn đề về tăng trưởng, nhưng số liệu GDP phải đợi đến hết quý 1/2023 mới có.

Dường như những người làm chính sách đã nhìn thấy vấn đề tăng trưởng GDP năm 2023 là một mục tiêu khó đạt được, với số liệu ngay từ quý 1 có sự sụt giảm thông qua các thị trường xuất nhập khẩu, du lịch, các nhu cầu về nội địa đều giảm sút, thông qua các số liệu tiêu dùng, hàng hóa dịch vụ trong tháng 1, tháng 2 yếu hơn so với năm ngoái. Từ đó để thấy Chính phủ đang ưu tiên tăng trưởng GDP rồi mới đến biến số còn lại cần phải giải đó là lạm phát.

Ngay từ 2 tháng đầu năm, mọi người đã bày tỏ lo lắng về chỉ số lạm phát 4,6%, nhưng như tôi đã phân tích, Việt Nam hoàn toàn có dư địa về kiểm soát lạm phát. Vì chỉ số này cần được đánh giá kỹ, phụ thuộc vào một số nhóm hàng hóa bao gồm:

Một là nhóm giao thông, ảnh hưởng bởi xăng dầu; nhưng dù hiện tại giá xăng dầu tiếp tục tăng so với thời điểm năm ngoái, thì sự tăng trưởng vẫn được triệt tiêu do năm 2022 giá xăng dầu có mức nền rất cao. Như vậy, tỷ trọng tham gia vào CPI giao thông của giá xăng dầu nếu tăng cũng không có tác động nhiều.

Hai là giá thép ảnh hưởng đến nhóm nhà ở và thị trường vật liệu xây dựng. Giá thép cũng đang trong quá trình phục hồi và so với nền năm ngoái khá cao, tăng trưởng mạnh ở thời điểm tháng 4/2022, thì giá thép năm nay có tăng trưởng cũng không mạnh mẽ như cùng kỳ năm trước.

Ba là trong cấu phần của CPI có gần 40% về ăn uống, lương thực thực phẩm, trong đó có giá heo hơi cũng đang giảm rất nhiều. Cuối năm 2022, giá heo hơi khoảng 50.000-55.000đ/kg, nhưng hiện tại đã xuống dưới mức 50.000đ/kg.

Tổng hợp cả 3 yếu tố đó lại, theo góc nhìn của chúng tôi, Chính phủ đã nhìn thấy CPI không phải là mối lo ngại lớn, trong khi tăng trưởng thì gặp vấn đề. Vì vậy việc hạ lãi suất để ưu tiên kích thích tăng trưởng sẽ là quyết định rất linh hoạt của Chính phủ. Ở góc độ chính sách có vẻ tốc độ thay đổi khá nhanh, nhưng với một nền kinh tế như Việt Nam, những mục tiêu linh hoạt sẽ được ưu tiên hơn rất nhiều.

>> Khuynh hướng chính sách toàn cầu (Kỳ I): Lạm phát “hạ nhiệt”

Tác động thị trường

Về tác động với tỷ giá, ở năm nay các vấn đề đã được xử lý khá nhiều. Trên thế giới, chỉ số DXY thể hiện sức mạnh đồng đô la Mỹ cũng đã có sự sụt giảm từ đỉnh 114 về 103 trong hiện tại.

Năm 2023, Việt Nam hoàn toàn có dư địa về kiểm soát lạm phát

Năm 2023, Việt Nam hoàn toàn có dư địa về kiểm soát lạm phát

Như vậy, tỷ giá chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi có yếu tố về chênh lệch lãi suất và lãi suất VND giảm, nhưng đó không còn là vấn đề cấp thiết như năm ngoái, trong bối cảnh cán cân thương mại của Việt Nam thực dương hơn 2 tỷ USD và NHNN đã mua dự trữ hơn 3 tỷ USD ngoái hối. Cũng như trên thị trường liên ngân hàng, mức chênh lệch lãi suất sau khi nâng lãi suất VND đã thực dương so với lãi suất USD khoảng 1% trên tất cả các kỳ hạn. Tôi cho rằng, NHNN đã nhìn thấy vấn đề tỷ giá “chưa phải” là một mối quan tâm hiện tại so với tăng trưởng GDP.

Mặc dù sự tăng giảm lãi suất của NHNN khá nhanh, nhưng ở một quy mô nền kinh tế như Việt Nam, việc chúng ta chọn chính sách tiền tệ độc lập mà theo bộ ba bất khả thi, thì chắc chắn sẽ có vấn đề về tỷ giá. Song, với tình trạng lãi suất còn cao như hiện tại, các doanh nghiệp sẽ rất khó để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm 2023 rất yếu, cho thấy vấn đề cụ thể là mọi người không muốn vay hoặc quá yếu để vay... Do đó, Chính phủ đang có những hành động quyết liệt.

Một điểm nữa là trên thị trường liên ngân hàng, các điểm về thanh khoản đã được khai thông khi tiền kho bạc được tính vào tỷ lệ LDR đã làm khai thông nguồn lực của hệ thống ngân hàng. Thậm chí, NHNN còn phải hút ròng về để lãi suất không bị rơi xuống dưới ngưỡng 6%.

Còn trong ngày 15/3, lãi suất VND ở các kỳ hạn qua đêm đã về dưới mức 5,5%. Dưới góc nhìn của tôi, nếu Fed tiếp tục giữ mức lãi suất sau cuộc khủng hoảng SVB mà không tăng hoặc tăng nhẹ, thì đây sẽ là một tin “tiền đề” để chúng ta có thể tiếp tục giảm tiếp lãi suất, nhưng kỳ vọng về 5% cũng rất ít.

Đối với thị trường chứng khoán, cùng ngày, thị trường đã có những phản ứng vô cùng tích cực khi lãi suất có thông tin tốt, nhưng chúng ta cần nhìn sâu hơn là liệu sự tăng trưởng này có bền vững và có kéo dài hay không. Nếu nền kinh tế không có sự tăng trưởng thực, thì thị trường chứng khoán cũng khó ổn định.

Trên thị trường bất động sản, chúng ta thường nói vui rằng “khi lãi suất chưa đạt đỉnh thì giá tài sản chưa ở đáy” nhưng đó là yếu tố chung của một lớp tài sản, còn đối với bất động sản vẫn có những vấn đề riêng của ngành. Nhìn chung khi lãi suất hạ, thì ngành bất động sản sẽ dễ thở hơn vì chi phí vốn giảm xuống, nhưng cũng còn phụ thuộc vào phân khúc của nhà đầu tư.

Hiện tại thị trường chung vẫn khó khăn, không thể như mọi người kỳ vọng là có một đợt phục hồi hoặc tăng mạnh trở lại trên tất cả các mặt trận, mà chỉ là đỡ khó khăn hơn. Trong đó, mục tiêu của nhà điều hành chính là nhìn xa hơn vào tăng trưởng thực sự của nền kinh tế. Nếu nhìn vào chỉ số ngành công nghiệp, hay mức tiêu thụ bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đầu năm nay sẽ thấy khá bi quan. Tôi hy vọng GDP quý 3 năm nay sẽ có sự tăng trưởng so với năm ngoái.

Có thể nói, mục tiêu lớn nhất của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, trong đó mục tiêu GDP năm nay là 6-6,5% nên phải có sự linh hoạt ngay từ đầu năm.