EU khó xử trước cân bằng lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc

EU khó xử trước cân bằng lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc

>> “Tính toán sai lầm” của Mỹ trong thế giới đa cực

Trong cuộc gặp đầu tháng 3 tại Washington, Tổng thống Mỹ Biden đã yêu cầu những lãnh đạo châu Âu lên tiếng về việc Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga. Thế nhưng trái ngược với Đức, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã từ chối gây thêm sức ép với Bắc Kinh với lý do “chưa có đủ bằng chứng cho thấy điều đó”.

Động thái mới nhất lộ rõ sự lưỡng lự của EU trong việc nên đứng về phía Mỹ để gia tăng sức ép với Bắc Kinh, hay chấp nhận một Trung Quốc đang ngày càng hành xử quyết đoán trong các vấn đề quốc tế.

Thế khó của châu Âu

Trước hết, phụ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc là nguyên nhân rõ ràng nhất. Tác động từ chiến sự Nga – Ukraine đã khiến các doanh nghiệp châu Âu khốn đốn. Giờ đây, thị trường béo bở của Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của lục địa già. Nhiều tập đoàn Châu Âu tỏ rõ sự do dự trong việc rút khỏi thị trường Trung Quốc đầy lợi nhuận, đặc biệt là Đức, quốc gia có liên kết thương mại mạnh mẽ nhất với Bắc Kinh.

“Người châu Âu đã hứng chịu tổn thương kinh tế sâu sắc vì cắt đứt kết nối với Nga. Họ không thể tưởng tượng nổi đến hậu quả nếu tiếp tục cắt đứt với Trung Quốc”, ông Heather Conley, Chủ tịch Quỹ Marshall, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời George W. Bush, cho biết.

Bên cạnh đó, đồng minh chủ chốt nhất, Hoa Kỳ, lại chưa có nhiều sáng kiến giúp Châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nói cách khác, EU không thể dồn toàn lực đối phó với Bắc Kinh nếu Mỹ không đứng ra thay thế vai trò của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đây là lúc Hoa Kỳ phải tạo ra một giải pháp thay thế để tăng cường sức mạnh cho châu Âu và các đồng minh ở châu Á,” chuyên gia Conley cho biết.

Điều đó có nghĩa là Mỹ cần có các chính sách hỗ trợ đồng minh trong vấn đề công nghệ, khoáng sản quan trọng và chuỗi cung ứng – điều mà Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) mới của chính quyền Biden đã tránh đề cập.

Phía châu Âu kỳ vọng hai bên có thể đạt được tiến bộ về một thỏa thuận cho phép EU tiếp cận chương trình trợ cấp sản xuất trong IRA. Hai bên hiện đang thảo luận về một miễn trừ đặc biệt tương tự với các ưu đãi mà Mỹ dành cho các đối tác thương mại tự do như Canada và Mexico.

Đổi lại, EU đang đề xuất ý tưởng về một nhóm hợp tác về các nguyên liệu thô quan trọng, như lithium và coban, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong chuyến thăm Canada tuần trước, bà Von der Leyen gợi ý rằng nước này có thể cung cấp cho châu Âu những nguồn lực thiết yếu này.

Vấn đề là thời điểm này Mỹ vẫn chưa thống nhất được cách hỗ trợ nền kinh tế châu Âu - một phần vì những khó khăn nội tại chưa giải quyết được. Do đó, cách tiếp cận của EU trong ứng xử với Trung Quốc là không thể khác. Như tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tháng 1 vừa qua, bà Von der Leyen thừa nhận EU chỉ muốn “giảm thiểu rủi ro”, thay vì “xóa bỏ” Trung Quốc.

Quan điểm của EU với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào hành động của Mỹ

Quan điểm của EU với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào hành động của Mỹ

>> Ý tưởng "NATO không Mỹ" ở châu Âu có khả thi?

Nhân tố quyết định: Xung đột Nga – Ukraine

Dù vậy, những thông tin tình báo về can dự của Trung Quốc vào chiến trường Ukraine, cộng với áp lực gia tăng của Mỹ, có thể là động lực buộc Châu Âu phải hành động.

Sau những chia sẻ tình báo của Mỹ, đã có những dấu hiệu cho thấy chính sách của EU đối với Trung Quốc cứng rắn hơn. Các quan chức EU trong những tuần gần đây đã phát tín hiệu rằng khối này sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc nếu Bắc Kinh vượt qua ranh giới đỏ và cung cấp vũ khí cho Nga. 

Đức tuyên bố đang xem xét liệu có nên tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE của Trung Quốc hay không. Hay Hà Lan – quốc gia có công ty sản xuất bán dẫn hiện đại nhất thế giới – cho biết sẽ chặn việc bán máy in chip tiên tiến cho Trung Quốc.

Ông Max Bergmann, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên gia CSIS, cho biết nếu thực sự Trung Quốc quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Nga thì có khả năng EU sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Dù tồn tại những bất đồng, nhưng nhìn tổng thể Mỹ và châu Âu vẫn đồng quan điểm trong ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bất chấp lợi ích to lớn về kinh tế, cách hành xử ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong các vấn đề chủ quyền, đầu tư quân sự hay trong các xung đột quốc tế đặt ra nhiều nghi ngại cho EU. Do đó, một khi chính quyền Mỹ có một chính sách hậu thuẫn kinh tế phù hợp, châu Âu sẽ có cơ sở để gây nhiều sức ép hơn với Bắc Kinh.