Chia sẻ với DĐDN, ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Simexco DakLak nhấn mạnh: doanh nghiệp luôn trưởng thành trong khủng hoảng, bắt đầu từ việc thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội phát triển. 

Trên thực tế, dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng 3 năm qua lại là thời điểm công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua từng năm.

- Đâu là yếu tố quan trọng mang lại thành công này, thưa ông?

Sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng lô hàng cà phê đặc sản xuất khẩu sang Anh giữa lúc đại dịch bùng phát có ý nghĩa quan trọng với công ty. Sản phẩm không chỉ chế biến kỳ công mà còn được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế góp phần mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn sản phẩm thông thường. Chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào trở thành cầu nối mang những sản phẩm của bà con nông dân ra toàn cầu.

- Nói như vậy có nghĩa là Simexco đã thu được trái ngọt từ chuỗi liên kết hợp tác với nông dân? Hành trình này của Simexco đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đúng vậy. Quá trình liên kết với nông dân của chúng tôi được hình thành từ trong khủng hoảng. Đó là giai đoạn 2008 - 2009, chất lượng cà phê chưa đạt yêu cầu và gần như không kiểm soát nên khó đạt được mục tiêu xuất khẩu. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhà máy có hiện đại đến mấy thì không thể phát triển chất lượng được bởi cây trồng nằm ở người nông dân. Vì vậy, Simexco quyết định thay đổi cách bán hàng, từ chỗ chỉ tiếp cận người mua sang tiếp cận thêm người sản xuất, đồng hành cùng người nông dân để phát triển hệ thống sản xuất bền vững và tạo ra chuỗi giá trị liên kết: kinh tế - môi trường - xã hội.

 Đại diện đối tác quốc tế khảo sát tại vùng sản xuất cà phê bền vững ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lăk

Đại diện đối tác quốc tế khảo sát tại vùng sản xuất cà phê bền vững ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lăk

Đây là bước ngoặt lớn của doanh nghiệp và nhà nông. Bà con giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và có đầu ra ổn định với giá thành cao; còn doanh nghiệp tự tin hơn trong mở rộng thị trường do có sản phẩm chất lượng cao và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đến nay, Simexco đã kết nối sản xuất với 40.000 nông hộ tại khu vực Tây Nguyên, đáp ứng tiêu chí bền vững của thế giới, canh tác xanh, truy xuất được nguồn gốc, dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, một số vùng trồng cà phê của công ty đã giảm 60% khí thải, tiến tới cân bằng.

- Cụ thể đầu tư của doanh nghiệp cho nhà nông trong chuỗi liên kết ở đây là gì, thưa ông?

Simexco đầu tư thiên về kiến thức, định hướng. Hình thành chuỗi liên kết, sự đầu tư là cần thiết nhưng “đổ” quá nhiều kinh phí đôi khi lại chưa hẳn là tốt, có thể làm bà con mất đi tính tự chủ và e ngại bị phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Liên kết với bà con, Simexco hướng tới mục tiêu: từng người nông dân là một doanh nhân, phải có trách nhiệm với mảnh vườn của mình để kinh doanh hiệu quả, không thể duy trì phương thức canh tác cũ là cứ trồng thôi mà không biết thị trường ở đâu, cung ứng cho thị trường sản phẩm kém chất lượng nhưng lại mong muốn bán với giá cao hay thu lợi nhuận tốt. Những hộ nông dân chưa đạt được yêu cầu trên sẽ được liên kết thành hợp tác xã.

- Chiến lược hiện nay mà Simexco đang theo đuổi là gì, thưa ông?

Chuyển đổi số và tái cơ cấu là bắt buộc với doanh nghiệp và chiến lược này đã và đang được doanh nghiệp thực hiện trong từng khâu của chuỗi liên kết. Ngoài ra, với sứ mệnh là công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam, cà phê Đắk Lắk, tôi luôn khát khao thúc đẩy giá trị của ngành cà phê Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, từ con số xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD sẽ chạm đến mốc 10 tỷ USD.Tại Simexco, chế biến sâu còn khá khiêm tốn, chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh mảng này trong vòng 5 năm tới.

- Xin cảm ơn ông!