Tổng thống Putin cảnh báo mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang gia tăng. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Putin cảnh báo mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang gia tăng. Ảnh: Getty Images

Trong cuộc họp thường niên với Hội đồng Nhân quyền Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận rằng chiến sự Nga- Ukraine sẽ còn kéo dài, đồng thời ông cũng cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ ngày càng tăng.

Ông Putin tuyên bố Nga sở hữu những vũ khí tiên tiến và hiện đại hơn bất cứ quốc gia hạt nhân nào khác, nhưng sẽ không sử dụng chúng một cách tùy tiện. "Chúng tôi có một chiến lược phòng thủ. Chúng tôi sẽ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân dựa trên cái gọi là cuộc tấn công trả đũa. Nghĩa là khi bị tấn, công chúng tôi sẽ đáp trả”, ông Putin nói.

Ông Putin cho biết, Nga chỉ coi kho vũ khí hạt nhân của mình là phương tiện để trả đũa, không phải để khai chiến trước. Đồng thời, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ bảo vệ lãnh thổ và các đồng minh của mình bằng tất cả các phương tiện có sẵn.

Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc Mỹ mới là quốc gia đáng lo ngại khi bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật với số lượng lớn trên đất châu Âu, trong khi Nga chưa chuyển vũ khí hạt nhân của mình sang các vùng lãnh thổ khác và không có kế hoạch thực hiện điều này.

Những bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra khi chiến sự Nga- Ukraine bước vào mùa đông, với việc Nga tiếp tục tiến hành pháo kích vào các khu vực phía Đông và phía Nam của Ukraine, và đối mặt với các cuộc tấn công trên chính lãnh thổ của mình.

Các chuyên gia cho rằng, lời cảnh báo hạt nhân của ông Putin nhằm đe dọa Ukraine không được gia tăng thêm các cuộc tấn công vào các khu vực do Nga kiểm soát. Theo ông Rob Lee, chuyên gia về quân sự Nga, thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, trụ sở ở Pennsylvania, Mỹ, đã có nhiều lo ngại trong chính trường Nga sau hai cuộc tấn công vào căn cứ không quân Dyagilevo và Engels của Nga.

>> Nga muốn giải quyết Ukraine bằng năng lượng

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Dyagilevo của Nga sau vụ nổ ngày 5/12. Ảnh: ImageSat International.

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Dyagilevo của Nga sau vụ nổ ngày 5/12. Ảnh: ImageSat International.

"Nếu vũ khí của Ukraine có thể vượt quãng đường hàng trăm km để tập kích căn cứ không quân lớn, nơi tập kết các máy bay ném bom chiến lược, thì có nguy cơ xảy ra một cuộc trả đũa hàng loạt của Nga bằng tên lửa hành trình", ông Lee đánh giá.

Đồng quan điểm, Cựu thiếu tá lục quân Mỹ John Spencer, hiện là chuyên gia về chiến tranh đô thị cho rằng, nếu Ukraine thực sự có khả năng điều khiển UAV ở khoảng cách hơn 600km vào Nga để tấn công vào các căn cứ quân sự, điều đó có nghĩa là Nga sẽ phải sử dụng rất nhiều nguồn lực như binh sĩ, lực lượng phòng không để bảo vệ những khu vực mà họ nghĩ rằng Kiev sẽ có thể tấn công.

Hai cuộc tấn công vừa qua đã giáng một đòn tâm lý mạnh mẽ vào Moscow. Do đó, ông Spencer nhận định, cảnh báo của Tổng thống Putin mang nhiều ý nghĩa tâm lý hơn là chiến lược. Nga vẫn cần tính toán thận trọng khi thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược. Bởi nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, có nguy cơ dẫn tới khả năng khối NATO sẽ chính thức đối đầu với Nga. Điều này sẽ gây bất lợi với Moscow.

Dự đoán về tình hình chiến sự trong thời gian sắp tới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga đang tìm cách tạm thời "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraine để tập hợp lại lực lượng, chuẩn bị cho chiến lược tiếp theo.

"Dường như Nga đang cố gắng tạo ra một giai đoạn tạm dừng xung đột để có thể tập hợp lại quân đội và sau đó tiến hành một cuộc tấn công lớn hơn bởi vì bây giờ Ukraine đang đạt được nhiều bước tiến”, ông Stoltenberg nói.

Theo Tổng thư ký NATO, hiện chưa đủ các điều kiện để tìm giải pháp hòa bình cho chiến sự Nga-Ukraine. "Hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc trên bàn đàm phán và xung đột ở Ukraine rất có thể cũng như vậy", ông Jens Stoltenberg nhận định.