Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã là một người bạn đồng hành quen thuộc với các bạn trẻ mong muốn lập thân, lập nghiệp bằng con đường kinh doanh.

Năm 2020, các hoạt động khởi nghiệp được thực hiện đa dạng, tập trung vào đào tạo, huấn luyện, tư vấn, như đào tạo giảng viên nguồn TOT, tập huấn và huấn luyện về khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính; tư vấn – hỗ trợ khởi nghiệp. Đáng chú ý, năm 2020, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã thành lập và ra mắt Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia và tổ chức thành công Diễn đàn ASEAN Khởi nghiệp theo hình thức vừa trực tiếp và vừa trực tuyến.

Nhóm 1

Các tác giả của Dự án Pando – Vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa thuyết trình.

Dự án Pando – Vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa của nhóm tác giả Phạm Mạnh Đình, Võ Văn Tuấn, Võ Thị Kim Hạ, Nguyễn Đức, Nguyễn Phan Thiên Lãm, Đinh Thị Hương Mơ, Nguyễn Thị Tố Trinh đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM là dự án thuyết trình đầu tiên tại Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020. 

Theo phần thuyết trình, sản phẩm ngói Pando có các đặc tính kỹ thuật tốt hơn so với sản phẩm ngói truyền thống. Cụ thể là nhẹ hơn 25%, không thấm nước, chịu lực uốn lớn gấp 4 lần, chịu mài mòn và va đập tốt hơn 15 lần.

Đến nay thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó có 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Trung bình mỗi năm thế giới thải ra môi trường khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 8 triệu tấn bị thải ra biển.

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được sử dụng tăng 20 lần và dự báo có thể gấp đôi trong 20 năm nữa. Đặc biệt là khi mà rác thải nhựa là loại rác thải khó phân hủy, chúng đang là sức ép không hề nhỏ đối với việc xử lý rác của các quốc gia trên thế giới. Chính thực trạng này đã khiến việc ô nhiễm rác thải nhựa trở nên báo động trên toàn cầu.

Thống kê từ các tổ chức như WHO, EPA cho thấy trong số 6,3 tỉ tấn là rác thải nhựa đang tồn tại trong môi trường thì chỉ có: 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% rác thải nhựa được đốt, 79% còn lại tồn tại trong môi trường tự nhiên, bao gồm cả môi trường biển.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa. Mỗi năm có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra, nhưng chỉ có 0,15 triệu tấn được tái chế. Lượng rác thải nhựa thải ra đại dương mỗi năm 0,73 triệu tấn. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành bải tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải tăng đến 200% mỗi năm. Với vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa như đã kể trên, Pando đã tự đặt ra câu hỏi là “Tại sao các quốc gia đã đầu tư rất nhiều về công nghệ tái chế nhưng vẫn chưa hiệu quả?”.

Theo Pando, nguyên nhân được chỉ ra do chất thải nhựa chưa được giải quyết đúng cách, chúng bị vứt bừa bãi hoặc không được xử lý. Bên cạnh đó, chỉ có 27% sản phẩm nhựa thải được đưa vào sản phẩm tái chế. Lượng nhựa tái chế đưa vào sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần dùng sẽ gây ra sự cạnh tranh giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái sinh. Việc này đã dẫn đến nhiều nhà máy tái chế nhựa bị thua lỗ. Ngoài ra, việc tái sử dụng rác thải nhựa nhiều lần trong ngành thực phẩm sẽ không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

Để giải quyết tình trạng trên Pando gồm các sinh viên Phạm Mạnh Đình, Võ Văn Tuấn, Võ Thị Kim Hạ, Nguyễn Đức, Nguyễn Phan Thiên Lãm, Đinh Thị Hương Mơ, Nguyễn Thị Tố Trinh đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã đưa ra giải pháp về vật liệu UNC, biến rác thải nhựa thành sản phẩm có tuổi đời lâu hơn, sử dụng cho các ngành xây dựng và kỹ thuật. Vật liệu UNC được tạo ra từ các nguyên liệu chính là rác thải nhựa, cốt liệu cát và phụ gia. U là UTE, tên viết tắt tiếng Anh của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, N là Nilon và C là Cát. Cốt liệu có thể thay thế cát là xỉ, cát biển, đá dăm. Vật liệu UNC được ứng dụng vào sản xuất gạch ngói, gạch lát, công nghệ thùng chìm, thùng nổi và công nghệ in 3D, gọi chung là sản phẩm Pando.

TRÌNH BÀY CỦA ĐẠI DIỆN DỰ ÁN

"Sản phẩm ngói Pando có các đặc tính kỹ thuật tốt hơn so với sản phẩm ngói truyền thống. Cụ thể là nhẹ hơn 25%, không thấm nước, chịu lực uốn lớn gấp 4 lần, chịu mài mòn và va đập tốt hơn 15 lần. Gạch ngói Pando tính dẻo cao, không vỡ, hư hỏng trong quá trình vận chuyển và lắp đặt. Ngoài ra, trọng lượng nhẹ của sản phẩm Pando sẽ giúp giảm được tải trọng công trình, giảm chi phí nền móng.

Khi so sánh gạch lát Pando với gạch Terazo nội và ngoại thất, các tính chất đo đạc trên mẫu vật liệu UNC đều đáp ứng tiêu chuẩn của gạch Terazo. Ngoài ra, cường độ chịu kéo khi uốn của gạch lát Pando là cao gấp 2 lần gạch Tezaro. Về giá thành, giá xuất xưởng của sản phẩm gạch ngói Pando thấp hơn 10% so với các sản phẩm gạch ngói khác đang có trên thị trường. Bên cạnh đó, đặc tính kĩ thuật đã nêu trên cho thấy sản phẩm UNC nổi trội hơn.

Pando muốn hướng đến trở thành một doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tái chế rác thải, mang trí tuệ và ước mơ về công nghệ Việt Nam, vươn tầm thế giới. Mô hình doanh nghiệp hướng tới là Công ty Cổ phần Công nghệ Pando. Dịch vụ hướng tới là nhượng quyền thương mại. Công ty sẽ có địa điểm là Khu công nghệ cao, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh" - Đại diện dự án cho biết.

Theo đại diện dự án: "tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay đã kéo theo sự phát triển của các khu du lịch. Theo đó là sự phát triển của thị trường Homestay và các khu resort. Chúng tôi dự kiến cung cấp sản phẩm là gạch ngói Pando cho các Homestay ở Việt Nam. Gạch ngói Pando sẽ giải quyết được vấn đề chống nóng, giảm tải trọng cho kết cấu và giải quyết được nhu cầu sống “xanh” cho Homestay, Resort và hướng tới “du lịch xanh”.

Theo báo cáo khảo sát thị trường của công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, nếu năm 2017 Hà Nội có khoảng 3000 Homestay thì đến hiện tại con số này đã tăng lên là 11000.Không chỉ riêng tại Hà Nội, tại TP HCM, Homestay cũng tăng trưởng mạnh trong ba năm qua. Theo báo cáo, lượng Homestay ở TP HCM tăng 6 lần kể từ năm 2017, hiện có khoảng 18.000 căn.Ở các thành phố hay các điểm du lịch nổi tiếng khác, lượng Homestay cũng đã nở rộ. Điển hình, Đà Lạt hiện có hơn 500 cơ sở kinh doanh Homestay đang hoạt động với nhiều mô hình khác nhau. Tại Khánh Hoà, Vũng Tàu, Đà Nẵng, lượng Homestay cũng đạt mức cao, từ 1.000 đến gần 3.000 căn.

Ngoài ra Pando dự kiến sẽ cung cấp sản phẩm cho khu vực phía Bắc, những nơi có tình trạng mưa đá. Các tỉnh thành quan tâm gồm có Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng và Yên Bái. Với sản phẩm từ UNC gồm nhựa và cát, không thấm nước và không bị ăn mòn bởi muối, Pando còn có thể cung cấp sản phẩm thùng chìm hoặc thùng nổi cho Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ ngăn chặn hạn mặn, có thể sử dụng các sản phẩm Pando để đắp đê, ngăn sạt lở bờ biển.

Sản phẩm gạch ngói Pando làm từ hai nguyên liệu chính là rác thải nhựa và cốt liệu cát. Rác thải nhựa bao gồm các loại túi nilon, chai nhựa, ống hút, đồ dùng gia đình làm bằng nhựa đã qua sử dụng có tính dẻo và hóa lỏng khi ở nhiệt độ cao. Cốt liệu cát là vật liệu có tính rời không liên kết với nhau, nhưng có thể giúp rác thải nhựa tăng độ cứng bề mặt, chống mài mòn, và chịu lực nén tốt. Hai nguyên liệu này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra sản phẩm có các đặc tính kĩ thuật cao. Khả năng chịu lực uốn, nén, chịu mài mòn đều cao hơn các sản phẩm gạch ngói có trên thị trường.

Sản phẩm của Pando sẽ đa dạng về mẫu mã, trọng lượng của sản phẩm nhẹ, không thấm nước, độ bền chịu va đập cao hơn các dòng ngói thông thường, không vỡ, không hư hỏng trong quá trình vận chuyển,và lắp đặt. Ngoài ra, ngói của Pando nhẹ có thể giúp giảm tải trọng mái, tải trọng đè lên khung và móng. Đặc biệt là sau hàng chục năm sử dụng, sản phẩm vẫn có thể tái chế lại thành những viên gạch ngói mới. Dưới đây là hình ảnh mô tả kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm về khả năng chịu va đập và chịu lực uốn của ngói Pando so với các sản phẩm đang có trên thị trường, với quả nặng có khối lượng 2,2 kg.

"Để sản xuất ra vật liệu UNC, Pando đã hoàn thành cho mình công nghệ khép kín từ khâu đưa vật liệu vào cho đến khi hình thành sản phẩm, công nghệ chế tạo vật liệu hoàn toàn không tác động tới môi trường, thân thiện với môi trường và còn người.

Với các đối thủ mạnh đã có tiềm lực về tài chính trên thị trường, Pando đã định hình cho mình một hướng đi riêng đó là nhượng quyền thương mại. Nhượng quyền thương mại sẽ giúp Pando mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ vào chuyển giao công nghệ, Pando sẽ tái chế được rác thải nhựa một cách nhanh chóng và có thể mở rộng thương hiệu. Bên cạnh đó, khi chuyển giao “công nghệ xanh”, Pando sẽ được nhà nước ưu tiên trên nhiều phương diện và có chính sách giảm thuế. Các công trình có sử dụng “công nghệ xanh” của Pando sẽ được gắn nhãn “xanh” cho chính công trình đó.

Với chiến lược nhượng quyền thương mại, Pando sẽ ưu tiên hoàn thiện dây truyền công nghệ sản xuất. Pando hướng tới nhượng quyền thương mại trong nước trước và sau đó là mở rộng ra thị trường nước ngoài". - Đại diện dự án nói.

Theo đại diện dự án, đầu tư phát triển công trình xanh là một xu hướng tiên tiến. Xu hướng này đã và đang được thúc đẩy tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng và có cơ hội để phát triển công trình xanh. Phát triển đô thị xanh và công trình xanh là một nội dung trong chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh. Sản phẩm được sản xuất từ công nghệ của Pando sẽ góp phần cho sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Sản phẩm của Pando sẽ mang nhiều giá trị cho công trình xanh. Cụ thể là giảm ô nhiểm rác thải nhựa, đặc tính tốt của vật liệu UNC sẽ giúp giảm chi phí vận hành, có tính bền vững cao. Dây chuyền sản xuất của Pando sẽ được khách hàng và nhà đầu tư ưa chuộng và quan tâm, vì nhà đầu tư sẽ thu được hiệu quả về kinh tế cao từ công nghệ Pando.

Tương lai gần, nguồn lực nhà nước và xã hội sẽ tập trung vào hỗ trợ phát triển nhà ở xanh. Với nhu cầu cấp thiết và nhiều chính sách ưu đãi cho các dòng sản phẩm xanh, Pando tin rằng các đại lý, các nhà sản xuất các nhà thầu xây dựng sẽ sớm nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ Pando. Hơn hết, Pando mang lại giá trị cực kì lớn trong việc giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.

PHẢN BIỆN TỪ HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH:

Đại diện Hội đồng Thẩm định dự án, ông Đàm Quang Thắng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Chuyên gia Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đặt câu hỏi: Pando thu gom nhựa làm nguyên liệu đầu vào như thế nào? Xử lý nhựa nguy hiểm ra sao?

Đại diện nhóm Pando: Pando lấy rác thải nhựa từ một nhà máy tại Bình Dương, công suất 50 tấn/tháng, công nghệ của nhà máy là công nghệ tiên tiến trên thế giới nên rác thải nhựa được phân loại rất kỹ càng. Từ nguyên liệu đó, cộng với nguyên liệu của Pando sẽ tạo ra sản phẩm gạch ngói. Theo đại diện dự án, cả nhóm tác giả đã khảo sát thăm quan nhà máy, qua tìm hiểu, có thể đảm bảo được nguồn nguyên liệu, bằng sáng chế cũng đã đăng ký bao gồm các sản phẩm nhựa, mã số sáng chế.

Trả lời câu hỏi của ông Phan Đình Tuấn Anh – Founder của Angels 4 Us, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - phụ trách khu vực phía Nam về chi phí của từng viên gạch, đại diện dự án Panda cho biết, chi phí sản phẩm gạch bao gồm chi phí cố định, bán hàng, nguyên vật liệu, maketing. Tuy nhiên, nhóm không đặt nặng việc bán sản phẩm mà hướng tới nhượng quyền dây chuyền sản xuất trị giá 5 tỷ đồng.

Khách hàng mà Pando hướng tới là các nhà thầu, chủ đầu tư, chủ thầu xây dựng. Hiện những khách hàng này cần có sản phẩm xanh để xây dựng lên công trình xanh. 

Đôi với câu hỏi vì sao lại chọn kênh Facebook để tìm kiếm khách hàng, đại diện nhóm cho biết, nhóm chọn kênh Facebook vì muốn tham gia vào các group tái chế, thông qua các sản phẩm của mình để tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường. Cộng đồng Facebook rất lớn, có thể lan quả thông điệp của nhóm, qua đó tìm được các khách hàng tiềm năng.

Liên quan đến câu hỏi, nếu khách hàng bỏ ra 5 tỷ đồng họ sẽ nhận được gì? Khách hàng phải làm gì tiếp để thu lại tiền về? Bao giờ mới thu lại 5 tỷ đồng của ông Trần Trí Dũng - Quản lý Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đại diện nhóm Pando cho biết, bhững khách hàng mà nhóm hướng tới hiện tại đã có sẵn nguồn rác thải nhựa. Từ dây chuyền của Pando, có thể sản xuất ngay được sản phẩm xanh, được hưởng chính sách của nhà nước về các sản phẩm xanh và đặc biệt có thể đưa được sản phẩm xanh ra thị trường nước ngoài.

Sau phần hỏi đáp của Hội đồng thẩm định, đại diện các dự án đối thủ cũng đã đặt câu hỏi phản biện:

Trả lời câu hỏi của đội bạn về việc liệu dự án làm từ rác thải xây dựng dùng ngoài trời có nhanh bị lão hoá hay không? Đại diện nhóm Pando cho biết, nhóm có những chất phụ gia, sơn sinh thái đảm bảo ngoài thị trường lên tới 10-15 năm. 

Với câu hỏi nếu một ngày đối tác lấy đi bí mật kinh doanh, thì phản ứng của Pando như sao? Đại diện nhóm khẳng định: Pando đã có hệ thống lập trình về công nghệ của mình. Hết thời gian sử dụng (theo thời gian ký hợ đồng) sẽ có phần mềm tự động xoá công nghệ ra khỏi hệ thống của đối tác.

Liên quan đến câu hỏi quy trình sản xuất ra 2.500 viên/ngày có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhu cầu khách hàng lớn thì xử lý như thế nào? Đại diện nhóm cho biết, dự kiến khi đưa lên tự động hoá số lượng sản xuất có thể lên đến 3.000 viên/ngày, dư để cho các nhà sản xuất nhận công nghệ của Pando xây dựng. Hiện, cái Pando hướng tới là chuyển giao công nghệ chứ không chỉ là sản xuất và bán sản phẩm. 

Trả lời câu hỏi, nhượng quyền thương mại, sản xuất càng nhiều, nguồn cung càng hiếm. Liệu việc này có kích thích người ta xả rác thải nhựa ra nhiều không? Chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài cách nào? Đại diện nhóm cho biết, đã chuẩn bị đội ngũ, chuyên gia cố vấn để đưa sản phẩm ra nước ngoài.