>> Tránh đầu tư dàn trải, lãng phí trong chuyển đổi số

Những thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của việc chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. Mặc dù vậy, thực tế một số lượng lớn doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số, bởi chiều sâu của chuyển đổi số là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng. Từ đó, có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.

thực tế một số lượng lớn doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số - Ảnh minh họa: NĐT

Một số lượng lớn doanh nghiệp được cho chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số - Ảnh minh họa: NĐT

Thực tế, theo báo cáo thường niên về chuyển đổi số năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, có khoảng gần 40% doanh nghiệp tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp số, công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2022 con số này được dự báo sẽ có những bước phát triển cao hơn, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc ứng dụng như thế nào và mang lại hiệu quả ra sao thì cần phải nhìn nhận thêm. Bởi, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang dùng 2, 3 phần mềm thậm chí là nhiều hơn cho các hoạt động khác nhau nhưng không mang lại hiệu quả, phải từ bỏ sau năm đầu tiên, rồi tiếp tục đi tìm hiểu mua thêm phần mềm khác... Và họ nghĩ như vậy là đã và đang chuyển đổi số.

Công tác chuyển đổi số cũng đã thể hiện được những bước tiến rõ ràng trong 3 năm vừa qua (2020-2021-2022), và theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn khởi động, quan sát tìm hiểu và bắt đầu chuyển đổi số, số lượng doanh nghiệp thực sự hình thành và hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số là rất ít. Nếu tính riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thì còn ít hơn nữa.

>> Cần khung pháp lý hoàn chỉnh cho mục tiêu chuyển đổi số

Để chuyển đổi số đi vào chiều sâu, thực chất, chuyên gia cho rằng, cần có những hành động cụ thể - Ảnh minh họa: KTSG

Để chuyển đổi số đi vào chiều sâu, thực chất, chuyên gia cho rằng, cần có những hành động cụ thể - Ảnh minh họa: KTSG

Từ thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc tiến hành chuyển đổi số của doanh nghiệp mới chỉ ở phần nhận thức. Để chuyển đổi số thành công, cần triển khai hành động cụ thể, đó là nâng cao năng lực về con người, năng lực của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Trong đó, mỗi doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ lựa chọn chiến lược, cũng như lộ trình chuyển đổi số phù hợp nhằm đạt hiệu quả nhất với chi phí hợp lý.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, thách thức trong chuyển đổi số với doanh nghiệp liên quan một số vấn đề như: doanh nghiệp đưa ra bài toán của mình trước khi quyết định chuyển đổi số; doanh nghiệp cung cấp giải pháp, phần mềm, dịch vụ phù hợp với loại hình hoạt động; hoạt động bảo mật trên môi trường số, chuyển đổi số bắt đầu từ đâu trong doanh nghiệp...

“Việc chuyển đổi số cần được tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, từ hoạt động chỉ đạo của các lãnh đạo doanh nghiệp đến việc thay đổi của các bộ phận chuyên môn. Khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp”, bà Nguyễn Thị Thu Giang đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Kim Hùng - quyền Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, công nghệ không phải là bước đầu tiên và quan trọng nhất của chuyển đổi số. Nhưng nếu chỉ xét riêng về công nghệ, với đặc thù về quy mô và tính chất của các doanh nghiệp SME thì hiện tại có lẽ họ cần nhất là những giải pháp hỗ trợ việc bán hàng, từ thương mại điện tử đến chăm sóc khách hàng, marketing, thanh toán trực tuyến, logistics... Những giải pháp này hỗ trợ gia tăng doanh thu và lợi nhuận, nhìn thấy kết quả một cách nhanh chóng. Từ đó, doanh nghiệp mới có niềm tin và có đòn bẩy tài chính để thực hiện các bước chuyển đổi số tiếp theo về quản trị, tài chính hay nhân sự…

“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng không thể vội vàng, các doanh nghiệp SME cần xem xét kỹ nguồn lực của mình, chiến lược phát triển của mình, con đường kinh doanh của mình đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới hay chưa. Nếu bản thân mô hình kinh doanh hiện tại mình còn chưa làm tốt thì làm sao chuyển đổi số thành công được”, ông Hùng bày tỏ.

Từ đó, ông Hùng cho rằng, trước khi bắt tay vào chuyển đổi số, việc đầu tiên cần làm là rà soát lại toàn bộ hoạt động lõi của doanh nghiệp, chuẩn hóa mọi thứ và hoạch định một chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển, tạo nên một cái móng vững chắc và kiên định với nó thì hành trình xây dựng doanh nghiệp số dù có mất thời gian bao lâu cũng chắc chắn đi đến thành công.