PSG TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định:

Đến thời điểm này có thể nói Hà Nội vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch nhưng không nằm ngoài nhận định diễn biến vẫn phức tạp. Đợt dịch này tại Hà Nội gồm nhiều ổ dịch trong cộng đồng dân cư. Tính tới 1/9, có 4 ổ dịch có nguy cơ bùng phát cao là Văn Chương - Văn Miếu (quận Đống Đa), Linh Đàm (Hoàng Mai), Kim Đồng (Hoàng Mai), và nóng nhất ở thời điểm hiện tại là Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân). Tuy nhiên, các ổ dịch cũ Chương Dương (Hoàn Kiếm), Văn Chương (Đống Đa) cơ bản kiểm soát… Qua điều tra, nhận định phần lớn xuất hiện trong chuỗi lây nhiễm cung ứng hàng hóa, các điểm chợ. Hiện ổ dịch Thanh Xuân Trung được đánh giá điểm nóng cũng nghi ngờ dịch xuất phát từ chợ, hơn nữa dịch xảy ra ở khu đông người chật chội, có cả các hộ gia đình vẫn đang dùng chung nhà vệ sinh kém nên bùng phát nhanh gây số măc tăng nhanh…

Bên cạnh các ổ dịch được phát hiện cũng không loại trừ còn ca bệnh dương tính lẩn khuất trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra.

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội vẫn tăng cao. Nhất là ngày 29.8 có số ca nhiễm ghi nhận cao nhất trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4 đến nay), thành phố ghi nhận 133 ca dương tính. Ngày 30.8, Hà Nội ghi nhận 103 ca. Ảnh: Quốc Tuấn

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội vẫn tăng cao. Nhất là ngày 29.8 có số ca nhiễm ghi nhận cao nhất trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4 đến nay), thành phố ghi nhận 133 ca dương tính. Ngày 30.8, Hà Nội ghi nhận 103 ca. Ảnh: Quốc Tuấn

Tuy nhiên với kết quả của 2 đợt xét nghiệm sàng lọc diện rộng với hơn một triệu người được lấy mẫu, phát hiện có 83 F0, tương ứng tỷ lệ dương tính xấp xỉ 0,007%, cho thấy dịch tại Hà Nội chưa bùng phát mạnh trên toàn thành phố mà khu trú tại một số điểm nóng."

Trả lời phóng viên về phương án liệu rằng Hà Nội có nên tiếp tục giãn cách sau 6/09, PSG.TS Trần Đắc Phu cho rằng: "Trong thời gian qua, việc chủ động giãn cách theo Chỉ thị 16 góp phần kiểm soát, không để bùng phát lớn dịch bệnh, dù vẫn có xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch mới.

Tuy vậy, việc phân tích có giãn cách tiếp hay không, không chỉ căn cứ vào yếu tố dịch mà còn nhiều yếu tố liên quan khác. Bởi nếu chỉ nhìn vào con số ca nhiễm để giãn cách là chưa đúng, ví như Newzealand chỉ vài chục ca đã thực hiện giãn cách, Úc cũng tương tự nhưng Nhật Bản hàng chục nghìn ca lại không giãn cách… điều này tuy vào cả nguy cơ dịch từ bên ngoài xâm nhập vào, việc kiểm soát đến đâu, áp lực y tế, khả năng làm kinh tế ra sao…

Nếu gỡ bỏ giãn cách, Hà Nội cần tính phương án kịch bản cụ thể, ví như: Xác định khu vực nào chưa nới bỏ giãn cách thậm chí thực hiện nghiêm ngặt hơn; Khu vực nới lỏng để cho phép hoạt động kinh tế… Và ngay cả khi nới lỏng các hoạt động vẫn cần quy định hoạt động nào có nguy cơ lây nhiễm cao cần tiếp tục dừng… nhưng tất cả đều phải được tính toán thực hiện linh hoạt và đảm bảo an toàn để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, với các “vùng xanh” không đồng nghĩa không có nguy cơ dịch bệnh, mà phải luôn theo dõi, giám sát phát hiện sớm ca bệnh nếu có và phong tỏa, truy vết, dập tắt dịch ngay.

Hà Nội cũng cần có mô hình mới trong phòng chống dịch bệnh đáp ứng tình hình phức tạp, nguy cơ khó lường hiện nay, ví như chợ an toàn, siêu thị an toàn, cơ quan, xí nghiệp an toàn…

Bởi dịch bệnh diễn biến khó lường trên thế giới cũng như trong nước nên chỉ sơ hở 1 yếu tố nào đó cũng có thể “vùng xanh” thành “vùng đỏ” ngay lập tức…. Và đặc biệt những khu nguy cơ cao, khu đông dân dịch bùng phát rất nhanh…".

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, giải pháp cần chú trọng để kiểm soát dịch tại Hà Nội đó là đẩy mạnh truy vết, phong tỏa và dập dịch. Bên cạnh đó, tiếp tục sàng lọc diện rộng có trọng tâm, trọng điểm để đánh giá nguy cơ dịch làm cơ sở cho quyết định các đáp ứng, tìm ra ca dương tính mới, ổ dịch để xử lý gọn.

"Hà Nội cần tiếp tục giãn cách theo những kịch bản phù hợp bởi chỉ giãn cách và nghiêm túc thực hiện quy định 5K mới cắt đứt được sự lây lan và các chuỗi lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Và như tôi đã đề cập phía trên, Hà Nội cần có các mô hình hoạt động an toàn phù hợp với tình hình dịch để đảm bảo vừa kiểm soát dịch vừa làm ăn kinh tế." - PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Đồng quan điểm, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội nhận định: “Với tình tình dịch bệnh như hiện nay, rất có thể Hà Nội sẽ phải tiếp tục giãn cách chứ không thể dừng được. Người dân vẫn phải chấp hành việc này. Cụ thể việc giãn cách thế nào, thành phố sẽ có phương án cụ thể”.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định việc các ổ dịch trên liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm nCoV phần nào thể hiện sự tuân thủ 5K bên trong khu vực đó chưa tốt. Ảnh: Quốc Tuấn

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định việc các ổ dịch trên liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm nCoV phần nào thể hiện sự tuân thủ 5K bên trong khu vực đó chưa tốt. Ảnh: Quốc Tuấn

Một số ổ dịch lớn khác cũng được Sở Y tế Hà Nội thống kê trong đợt dịch thứ 4 là Văn Miếu (từ 30/7) với 103 ca nhiễm, Văn Chương (từ 17/7) có 88 trường hợp, chung cư HH4C Linh Đàm (từ 8/8) ghi nhận 48 người, ngõ 24 Kim Đồng (từ 24/8) có 44 ca. Mới nhất, ổ dịch tại chợ Ngọc Hà được phát hiện từ ngày 28/8 đến nay đã ghi nhận 13 người dương tính.

Còn PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định việc các ổ dịch trên liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm nCoV phần nào thể hiện sự tuân thủ 5K bên trong khu vực đó chưa tốt. Lúc này, vai trò của chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có những sự thay đổi nhất định trong vấn đề tiêm chủng và quá trình cách ly, điều trị.

PGS Hùng cho rằng nếu đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tương tự TP HCM, Hà Nội sẽ có cơ hội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn chế, thành phố cần tập trung tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền.

Vị chuyên gia này cho biết việc tiêm chủng vaccine COVID-19 có 2 mục đích chính: Giảm tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 và giảm tỷ lệ tử vong. Thời gian qua, chúng ta đang tiêm chủng trên diện rộng để hướng tới mục tiêu đầu tiên. Giá trị lớn nhất của các loại vaccine COVID-19 hiện có lại là giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, nhập viện và tử vong.

“Sau nhóm ưu tiên số 1 là các nhân viên y tế, nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền là các đối tượng cần được xếp mức độ ưu tiên thứ 2. Nguyên nhân là họ thường mắc bệnh nền, sức đề kháng kém hơn người trẻ, từ đó dễ diễn biến nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao nếu không may nhiễm SARS-CoV-2”, ông Hùng cho biết.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng tới đây thành phố cần tập trung toàn bộ nguồn lực về vaccine cho nhóm này.

đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương tự TP.HCM, Hà Nội sẽ có cơ hội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Ảnh: Quốc Tuấn

Đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tương tự TP.HCM, Hà Nội sẽ có cơ hội chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian tới. Ảnh: Quốc Tuấn

PGS Hùng nói: “Tôi nghĩ hiện nay với số lượng vaccine hạn hẹp, chúng ta nên tập trung tiêm toàn bộ cho đối tượng người cao tuổi, mắc bệnh lý nền. Những người trẻ phải tạm lui lại, tiêm đợt sau. Như vậy mới đảm bảo đúng ý nghĩa và phát huy hết giá trị của vaccine Covid-19. Ban chỉ đạo cũng cần có chủ trương quán triệt toàn thành phố thay vì chỉ thực hiện ở một số điểm tiêm cụ thể”.