>>Bị tăng giá nước bán buôn bất hợp lý

Thắng kiện nhưng chuẩn bị “phá sản”

Theo bản án Phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/12/2022 thì các yêu cầu vô lý của Nguyên đơn là Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận (Công ty cấp nước Ninh Thuận) đều bị bác bỏ. Cụ thể: Công ty cấp nước Ninh Thuận muốn chấm dứt Hợp đồng đã ký (với đơn giá bán buôn đang thực hiện theo Phụ lục số 03/2017/PL-HĐ: 2.845đ/m3), và đơn phương quyết định tăng giá bán buôn nước sạch bán cho Công ty TNHH cấp nước Đông Mỹ Hải (Công ty Đông Mỹ Hải) lên 7.000đ/m3 (tăng 245%) đúng bằng giá 02 doanh nghiệp bán lẻ cho các hộ dân theo Quyết định số 50/2017/QĐ-UBND ngày 30/06/2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận quy định.

Bản án có phần “lệch hướng” của Tòa

Bản án có phần “lệch hướng” của Tòa

Dư luận khó hiểu, tại sao các yêu cầu trong đơn khởi kiện của Công ty cấp nước Ninh Thuận đã bị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nêu là không có cơ sở và đặc biệt là yêu cầu chấm dứt hợp đồng đã bị tòa bác bỏ; tức là hợp đồng giữa hai đơn vị vẫn còn hiệu lực pháp luật, vậy tại sao hai đơn vị không tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã và đang còn hiệu lực mà bản án của tòa phải tuyên sang một hướng khác, bắt Công ty Đông Mỹ Hải phải thực hiện theo giá nước “tạm thời” của Sở Tài chính Ninh Thuận đưa ra.

Theo ông Ngô Đình Thuận, Giám đốc Công ty Đông Mỹ Hải, giá tạm tính của Sở Tài chính Ninh Thuận đưa ra chỉ để hai đơn vị tạm thời thực hiện khi chưa thống nhất được giá, và đang chờ tòa phán xử. Tức là giá tạm thời, không phải chính thức nhưng Tòa lại yêu cầu Công ty Đông Mỹ Hải phải trả số tiền “khủng” theo đơn giá 6000đ/m3 mà Sở Tài chính Ninh Thuận đã đưa ra.

"Tưởng chừng thắng kiện nhưng bởi vì giá tạm thời thiếu cơ sở của Sở Tài chính đưa ra đã làm phát sinh “nợ khủng” cho chúng tôi. Khi hai doanh nghiệp tranh chấp, đáng ra Sở Tài chính là đơn vị trung gian hòa giải nhưng Sở lại làm phức tạp thêm vấn đề, khiến doanh nghiệp chúng tôi có khả năng đi vào phá sản", ông Thuận chia sẻ.

Đúng về hình thức nhưng sai về nội dung

Theo ông Thuận, về hình thức khi tranh chấp giá bán buôn nước sạch xảy ra, Sở Tài chính Ninh Thuận căn cứ Thông tư 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính chủ trì tổ chức Hiệp thương. Sau 02 lần hiệp thương không thành, Sở Tài chính căn cứ quy định tại Khoản 7, Điều 10, Mục 3, Hiệp Thương Giá theo Thông tư 56/2014/TT-BTC, ban hành Quyết định để đưa ra giá hiệp thương tạm thời là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, Quyết định 72/QĐ-STC ngày 01/10/2019 của Sở Tài chính về giá bán buôn tạm thời 6.000đ/m3 (chưa có VAT) có hiệu lực 06 tháng là chưa đúng.

Trụ sở Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận

Trụ sở Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận

Bởi vì, giá tạm thời 6.000 đ/m3 mà Sở Tài chính đưa ra, chỉ cần cộng thêm tỷ lệ % hao hụt thất thoát cho phép theo quy định 20 - 22%, thì chi phí giá nước sạch đầu vào cộng tỷ lệ hao hụt đã bằng hoặc cao hơn giá bán lẻ 7.000 đ/m3 theo quy định của tỉnh, chúng tôi vẫn lỗ lớn. Trong khi đó, với giá tạm thời 6.000 đ/m3 theo Quyết định số 72/QĐ-STC của Sở Tài chính thì Công ty cấp nước Ninh Thuận vẫn còn lãi đến 2.400đ/m3 và thật chất thì giá 7000đ/m3 mà Công ty cấp nước Ninh Thuận đơn phương tăng giá đã bị tòa các cấp tuyên là không có cơ sở. Vậy giá tạm thời của Sở Tài chính lại càng không đúng.

Bên cạnh đó, sau 06 tháng, 02 đơn vị tiếp tục gửi Hồ sơ Hiệp thương lần 2 lên Sở Tài chính, trong đó, Công ty Đông Minh Hải thực hiện yêu cầu của Sở Tài chính báo cáo phương án tăng lên: 3.810 đ/m3; Công ty cấp nước Ninh Thuận vẫn không thay đổi, luôn bảo lưu như lần đầu với đơn giá 7.000đ/m3. Qua hồ sơ, nhận thấy 02 đơn vị vẫn chưa thống nhất giá bán buôn, Sở Tài chính tiếp tục ban hành văn bản 1788/STC-QLGCSĐT ngày 22/6/2020 đề nghị 02 công ty tiếp tục thực hiện giá bán buôn nước sạch tạm thời tại Quyết định số 72/QĐ-STC cho đến khi 02 doanh nghiệp có thỏa thuận giá mới.

Thực tế cho thấy, sau 06 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định 72/QĐ-STC, 02 đơn vị có gửi hồ sơ đề xuất phương giá lên Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận, nhưng Sở đã không tổ chức cuộc họp giữa 02 công ty để lấy ý kiến chung, không tổ chức hiệp thương giá, cũng như không phân tích đánh giá giá bán buôn của 02 đơn vị đề xuất, không lập biên bản thỏa thuận bất thành; chỉ đơn phương nhận xét phương án giá 02 đơn vị gửi lên, cho rằng “vẫn không thỏa thuận được về giá”, từ đó ban hành Công văn 1788/STC-QLGCSĐT đề nghị “Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận và Công ty TNHH Cấp nước Đông Mỹ Hải tiếp tục thực hiện giá bán buôn tạm thời tại Quyết định 72/QĐ-STC cho đến khi đạt được thỏa thuận về mức giá”… là không phù hợp, không đúng về trình tự, thủ tục.

"Ngoài ra, Công văn 1788/STC-QLGCSĐT có nội hàm giá trị tương tự như một Quyết định hành chính cá biệt, thì văn bản ban hành đã không đúng với trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về việc ban hành một Quyết định hành chính, như vậy là không đúng về mặt hình thức", ông Thuận cho biết thêm.