Đó là nhận định của TS Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Ngoại Thương khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Sau hơn hai tháng áp thuế tạm thời, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

-Quyết định này sẽ tác động như thế nào tới ngành mía đường, thưa ông?

Áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, được kỳ vọng là biện pháp “đúng mức - đúng lúc - đúng luật” để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, giúp ngành mía đường Việt Nam có thể trụ vững và phát triển trong thời gian tới.

Khi được áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với cam kết quốc tế thì cục diện ngành mía đường Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tích cực và là lĩnh vực phát triển mạnh, không thua kém bất cứ ngành nào.

Ngoài ra, việc áp thuế tự vệ với đường mía Thái Lan mang ý nghĩa lớn, xác định rõ đường Thái Lan bán phá giá tại thị trường Việt Nam lên tới 48,88%. Với mức bán phá giá này, dẫu ngành mía đường có cơ giới hóa, có phát triển cỡ nào cũng không thể chống đỡ nổi với đường Thái Lan.

Mấy năm trở lại đây, dưới tác động của đường nhập lậu tràn qua biên giới, chiếm lĩnh thị trường nội địa với giá rẻ khiến đường trong nước ''sống dở, chết dở''. Tại thị trường trong nước, đường nội hoàn toàn không cạnh tranh được với đường ngoại, lượng đường tồn kho luôn cao. Càng đầu tư càng lỗ, hàng loạt doanh nghiệp ngầm ngùi rời bỏ thị trường, diện tích trồng mía của người dân vì thế cũng ngày càng thu hẹp, ngành mía đường Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn.

-Nhưng nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại, việc Việt Nam áp thuế phòng vệ và thuế trợ cấp với mía đường Thái Lan sẽ dẫn đến hành động trả đũa, thưa ông?

Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có dẫn đến hành động trả đũa không? Điều này còn tùy thuộc vào bối cảnh của việc sử dụng biện pháp đó. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng cần nhấn mạnh đến nguy cơ Việt Nam có thể bị khởi kiện ra WTO do các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng không tương thích với các quy định của WTO.

Với mức bán phá giá đường Thái Lan tại thị trường Việt Nam lên tới 48,88%, ngành mía đường trong nước khó có thể chống đỡ nổi. Ảnh: L.Đ

Với mức bán phá giá đường Thái Lan tại thị trường Việt Nam lên tới 48,88%, ngành mía đường trong nước khó có thể chống đỡ nổi. Ảnh: L.Đ

Việt Nam đã từng thắng kiện Hoa Kỳ hay Indonesia tại WTO vì các Thành viên này đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc tự vệ lên tôm hay tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, để đảm bảo không bị khởi kiện ra WTO, Việt Nam cần phải đảm bảo việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đó tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO.

Ngoài ra, trên thực tế, đối với nhiều nước, các biện pháp phòng vệ thương mại này đã được sử dụng từ lâu. Với Mỹ, Canada hay EU đều có những quy định về phòng vệ thương mại các đây gần 100 năm.

Hay như các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.

Như vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại là một thực tế phổ biến trên thế giới, khi tự do hóa thương mại trong điều kiện công bằng thì biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập, bình ổn nguồn cung trong nước.

- Vậy theo ông, làm thế nào để có thể sớm vực dậy ngành mía đường trong nước?

Để có thể vực dậy cả ngành mía đường cần những giải pháp tổng thể cả về quy hoạch, áp dụng cơ giới hóa sản xuất và dự báo thị trường. Hơn hết cần sự đồng lòng xây chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cũng như các địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

Dưới tác động của đường nhập khẩu từ Thái Lan bán phá giá và được trợ cấp, thời gian qua một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước.

Việc đánh thuế lên đường nhập khẩu được trợ giá có thể coi là động lực đầu tiên để các doanh nghiệp vực dậy ngành sản xuất. Thế nhưng, để mía đường trong nước có thể phục hồi và đủ năng lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu một cách sòng phẳng cần có những giải pháo đồng bộ về liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và thương mại.