>> NHNN: Giảm lãi suất điều hành, định hướng giảm lãi vay

Đây là nhận định của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) khi chia sẻ cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa ông, dù lãi suất có xu hướng giảm mạnh ở trong nước, song thị trường vẫn lo ngại tác động của FED tới đây?

Theo tôi, tới đây, tác động chính sách “diều hâu”của FED tới thị trường tài chính Việt Nam sẽ không còn lớn. Từ tháng 11-12/2022, mọi người đã nhìn thấy viễn cảnh FED sẽ chỉ tăng lãi suất đến hết quý II/2023, nhưng điều đó không có nghĩa FED sẽ không tăng lãi suất trong đầu năm nay. FED thực sự điều hành chính sách tương đối minh bạch, họ đã công bố gần như thường xuyên lộ trình tăng lãi suất của mình. Theo đó, các NHTW đã có sự chuẩn bị.

- Nói như vậy, việc tiếp tục giảm lãi suất thương mại của các ngân hàng trong nước vẫn còn dư địa?
Chính xác. Người làm kinh doanh ngân hàng không bao giờ chờ khi các động thái đảo chiều diễn ra mới có phản ứng, mà phải có phản ứng ngay khi tín hiệu vừa bật lên.

NHNN Việt Nam cũng vậy, theo quan sát của tôi thông thường các nhà điều hành không phải chờ tới khi mức độ tác động của các chính sách bên ngoài xảy ra, mới thay đổi mà từ 6 tháng trước khi biết FED dự kiến và sắp tăng lãi suất, NHNN đã có chuẩn bị sẵn động thái phản ứng điều hành ngay. Và khi đã điều chỉnh lãi suất tăng lên, thì lại phải có phương án phản ứng đi trước, giảm xuống.

Chúng ta tạm hình dung khi FED bật tín hiệu tăng lãi suất, các NHTW sẽ phải xem xét tăng lãi suất; khi đã tăng suất thì lãi suất tạm thời đi vào mặt bằng mới ổn định, lúc đó tùy theo cung cầu mà có điều chỉnh tiếp theo. Nhu cầu vốn tăng thì lãi suất vẫn sẽ giữ ở mặt bằng mới và thậm chí có thể tăng thêm, nhưng nếu cầu giảm, thị trường không vay thì chắc chắn lãi suất sẽ phải giảm. Cầu giảm, ngân hàng huy động nếu không cho vay ra được thì huy động để làm gì, do đó lãi vay tất yếu phải giảm.

Theo NHNN, hiện đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay

-Vậy trong trường hợp nào thì FED, hay là các yếu tố bên ngoài sẽ tiếp tục tác động tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thưa ông?

Tôi cho rằng kể cả FED tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tới đây, hay đưa lãi suất chạm tới 6%, thì cũng không tác động tới xu hướng lãi suất Việt Nam, trừ khi có biến động lớn, như Nga và Ukraine leo thang chiến tranh lên một cấp độ mới, hoặc có biến động địa chính trị khu vực khác, hoặc FED đưa lãi suất tới 9% (xác suất này khó xảy ra).

Chúng ta cũng biết rằng trong thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách rất tốt, và đã củng cố dự trữ ngoại hối quốc gia, giúp tỷ giá Việt Nam tương đối ổn định. Do đó, về phía chính sách, tôi không dám dự đoán chính sách của NHNN nhưng cho rằng có rất ít khả năng NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành. Và thậm chí trong bối cảnh hiện nay, kể cả khi lãi suất điều hành tăng thêm 50 điểm, thì cũng không cản trở xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại.

- Xin cảm ơn ông!