Hôm nay (15/1), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018.

Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện...

Đăng đàn tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng năm 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh.

“Năm 2018 là một năm hừng hực khí thế cải cách nhờ “sức nóng” từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2018 các chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết 19 về cắt giảm điều kiện kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các Bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, theo đó tỷ lệ đề xuất hầu hết đều trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để hiện thực hóa.

Đến hết tháng 11/2018 đã có 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành. Ngoại trừ Bộ công an không có đề xuất sửa đổi”, ông Tuấn nói.

ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng năm 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI khẳng định năm 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh.

Theo Trưởng ban Pháp chế, điểm rất đáng ghi nhận ở đợt rà soát lần này là những chuyển động tích cực trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Những điều kiện kinh doanh trước đây, tưởng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát năm 2018 cũng đã được cân nhắc, xem xét để cắt bỏ hoặc điều chỉnh.

“Có hàng trăm điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm 2018 đã giúp môi trường kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực được cải thiện đáng kể”, ông Tuấn nói.

Tuy vậy, nhưng ông Tuấn cũng cho rằng chiến dịch cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn có nhiều điểm còn băn khoăn.

...Nhưng chưa được như kỳ vọng

Theo Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mục tiêu tối thiểu trong đợt rà soát điều kiện kinh doanh năm 2018 là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có. Trong các báo cáo khi lập phương án, phần lớn các Bộ đều đưa ra con số về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa là trên 50%.

Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại Nghị định, có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế.

Hôm nay (15/1), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018.

Hôm nay (15/1), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh năm 2018.

Thêm vào đó, ông Tuấn cho rằng giới hạn trong phạm vi rà soát hoạt động rà soát, xây dựng và ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh năm 2018 chỉ tiến hành xem xét, sửa đổi các điều kiện kinh doanh bất hợp lý tồn tại trong các văn bản cấp Nghị định. Vì vậy, những điều kiện kinh doanh, dù biết là chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn không được rà soát bãi bỏ trong đợt này chỉ vì lý do quy định của văn bản cấp luật.

“Chính vì giới hạn này mà rà soát lần này gặp rất nhiều hạn chế khi chưa loại bỏ được triệt để các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thậm chí là loại bỏ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Tuấn nói.

Đáng nói, ông Tuấn cho biết, có tình trạng “bỏ cũ thêm mới” trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.

“Một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác, và việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn nêu ví dụ về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP còn “khó” hơn so với quy định tại nghị định 59/2015/NĐ-CP khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.

Do đó, để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2019 đạt kết quả như kỳ vọng, ông Tuấn đưa ra khuyến nghị:  “Hoạt động rà soát các điều kiện kinh doanh nên được tiến hành thường xuyên và trong quá trình rà sát cần tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời sử dụng tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 7 luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.  Đồng thời, hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh cần mở rộng phạm vi rà soát, không chỉ giới hạn ở cấp Nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp Luật và kiến nghị sửa Luật”, ông Tuấn nói.