Ông Phạm Doãn Sơn phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2022

Ông Phạm Doãn Sơn phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2022

>> LienVietPostBank chia tổ chức năm 2021 tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu

Một điểm thú vị tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa qua: Phía ngân hàng liên tục xin câu hỏi chất vấn từ phía cổ đông, thậm chí đại diện bàn chủ tọa còn đề nghị hỏi thêm vì thấy ít chất vấn hơn năm trước.

Dù vậy, khá nhiều câu hỏi đáng chú ý đặt ra với ngân hàng thương mại (NHTM) này, và nhà đầu tư ngày càng quan tâm một cách chi tiết hơn về các cân đối kỹ thuật. Của chìm, của nổi ngân hàng nằm trong những cân đối đó.

Dự kiến lợi nhuận sẽ khác biệt

LienVietPostBank đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 ở mức 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với 2021. Năm trước, mức tăng trưởng thực tế của chỉ tiêu này là 50%.

Liên quan, quý 1 ngân hàng đã đạt gần 1.800 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu với tiến độ tương tự trong các quý còn lại, mục tiêu 4.800 tỷ năm nay sẽ vượt. Tại đại hội, ông Phạm Doãn Sơn - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng giám đốc cũng nhấn mạnh đó là một chỉ tiêu an toàn, trong tầm tay; và dự kiến có khác biệt.

Trước khi nói về khác biệt, điểm cổ đông đặt ra chất vấn ngay, liên quan đến lợi nhuận quý 1, vì sao tăng trưởng tín dụng lại đi ngang, rộng hơn thì vì sao thời gian qua tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm và chi phí dự phòng tăng lên?

Lần lượt trả lời các ý, ông Sơn cho biết tăng trưởng tín dụng quý đầu năm đi ngang do ngân hàng giảm dư nợ một số dự án lớn khoảng 13.000 tỷ đồng; trích dự phòng cao do yêu cầu đối ứng với nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khoảng 2.500 tỷ đồng.

Điểm được chú ý trong thông tin trên, với 13.000 tỷ đồng các khoản vay lớn giảm đi, tác động đối với tăng trưởng tín dụng tại LienVietPostBank là đáng kể. Song, nhìn ngược lại thì có hai điểm: một là, ngân hàng này vẫn còn nguyên dư địa tăng trưởng tín dụng cho 3 quý cuối năm trong khi nhiều NHTM khác đã lấp một phần đáng kể chỉ ngay quý đầu tiên; hai là, tín dụng bán lẻ đang bù lại cho phần điều chỉnh các khoản lớn, theo định hướng.

Định hướng tín dụng bán lẻ tại LienVietPostBank được xem là một giải pháp góp phần thực hiện chỉ tiêu tín dụng. Vì lãi biên ở đây cao hơn. Vậy nên, trong xu hướng lãi suất huy động tăng lên, ông Sơn cho biết vẫn dự kiến lãi biên tăng trong năm nay, từ 3,5 lên 3,6% chứ không hẳn co lại.

Cũng liên quan đến bán lẻ, CASA có phần giảm bởi đặc điểm mạng lưới và thế mạnh của ngân hàng trong đẩy mạnh huy động bán lẻ; tiền gửi dân cư gia tăng và đổi lại có được một cơ cấu vốn huy động bền vững.

Vấn đề tiếp theo là, trong khi tăng trưởng tín dụng không tăng nhưng lợi nhuận quý 1 vẫn đạt gần 1.800 tỷ đồng và tăng trưởng tới 61,5% so với cùng kỳ 2021 (dĩ nhiên tín dụng so với cùng kỳ năm trước có tăng trưởng đáng kể). Điểm này được dẫn dắt ở cấu lợi nhuận đã không còn dựa quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng, mà được đệm nhiều hơn ở dịch vụ và các nguồn thu phi tín dụng.

Điểm dẫn dắt trên trở nên quan trọng, mà Phó chủ tịch HĐQT Phạm Doãn Sơn nói với cổ đông khả năng năm nay sẽ có lợi nhuận khác biệt so với kế hoạch. Ít nhất có thể đệm từ thương vụ mới về hợp đồng phân phối bảo hiểm (Bancassurance), cùng triển vọng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và có thặng dư.

“Đã qua giai đoạn tập dượt”

Như vậy, bên cạnh của nổi ở kế hoạch dự kiến đã báo cáo, của chìm lợi nhuận LienVietPostBank có ở những tính toán nói trên chưa đưa vào kế hoạch.

Trước hết, ở hướng bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đã thực hiện khóa “room” tỷ lệ sở hữu ở 5% để chuẩn bị. Cổ đông cũng băn khoăn, vì sao những năm trước đề ra nhưng chưa thực hiện được. Ông Phạm Doãn Sơn cho biết, một phần do diễn biến COVID phức tạp và thị trường không thuận lợi; song, quan trọng hơn, giá bán không như kỳ vọng thì không nhất thiết phải bán ngay.

Của chìm có tính hiện thực và gần gũi hơn có ở triển vọng thương vụ Bancassurance. Ông Sơn cho biết, hiện LienVietPostBank đã qua mấy vòng đàm phán với đối tác, nhiều khả năng sẽ chốt vào tháng 6 để báo cáo cổ đông. Nếu chốt, chắc chắn việc hạch toán phí trả trước sẽ tạo khác biệt, thậm chí đột biến ở lợi nhuận…

Hiện gần như chỉ còn LienVietPostBank chưa ký mới hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm. Bởi thời gian qua ngân hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng cũ. Sau 5 năm triển khai từ tháng 2/2017, hợp đồng này hoàn tất và hướng đến gói mới và dĩ nhiên đi cùng với vị thế mới.

Vị thế mới được ông Phạm Doãn Sơn gián tiếp nhấn mạnh rằng: “LienVietPostBank đã qua giai đoạn tập dượt”. 5 năm thực hiện hợp đồng cũ là một quãng chuẩn bị cần thiết. Đây cũng là 5 năm tập trung chuyển đổi các điểm giao dịch bưu điện để đưa vào khai thác.

Với mạng lưới phủ rộng cả nước qua hệ thống bưu điện, ngân hàng có lợi thế lớn trong đàm phán gói Bancassurance mới. Tuy nhiên, cổ đông vẫn băn khoăn, liệu VNPost đang triển khai thoái vốn tại LienVietPostBank, lợi thế đó có còn được duy trì. Ông Sơn cho biết, hợp đồng khai thác mạng lưới và lợi thế này có thời hạn lên tới 50 năm, nên cổ đông cứ yên tâm.

Vậy qua 5 năm tập dượt, thực lực làm Bancassurance của ngân hàng này thế nào, cũng như đóng góp vào cơ cấu chung thời gian qua?

Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, năm 2021 LientVietPostBank đã đạt tới trên 888 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, trong đó phí phát sinh mới đạt 620 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020, đưa ngân hàng đứng thứ 11 về doanh thu phí mới trên tổng số 34 ngân hàng đang triển khai ở mảng này. Đặc biệt, riêng tháng 12/2021, LienVietPostBank bứt phá với doanh số cao nhất trong 5 năm triển khai và lọt top 7 toàn thị trường.

Chính Bancassurance đang trở thành một mũi nhọn trong chiến lược bán lẻ của LienVietPostBank, góp phần thúc đẩy cho thành công ở trục hoạt động này. Qua đó cùng đóng góp cho sức tăng trưởng tới gần 40% ở chỉ tiêu thu thuần dịch vụ năm 2021 so với năm 2020, cũng như trong tốc độ tăng trưởng lên tới 50% của lợi nhuận trước thuế năm qua.

Có là chia, thêm là tăng chia

Điểm cổ đông quan tâm tiếp theo: nếu cụ thể hóa của chìm thành của nổi, lợi nhuận thực sự khác biệt thì sao?

Ông Phạm Doãn Sơn trả lời, sẽ tăng chia cổ tức ngay cho cổ đông. Phó chủ tịch Thường trực LienVietPostBank cũng dẫn lại thêm rằng, lâu nay ngân hàng đạt lợi nhuận tốt đều tăng chia cổ tức cho cổ đông. Như năm ngoái dự kiến 12% thì thực tế nâng lên 15%; năm nay dự kiến 12% là gắn với chỉ tiêu lợi nhuận an toàn, nhưng nhiều khả năng vẫn tăng mức chia khi đạt kết quả tốt hơn.

Nhìn lại, quả thực suốt 14 năm hoạt động, đây là NHTM đều đặn trả cổ tức. Giai đoạn trước, khi Ngân hàng Nhà nước chưa yêu cầu phải bằng cổ phiếu, chính sách cổ tức LienVietPostBank luôn tiền mặt. Ông Sơn cũng cho rằng, trước đây có giai đoạn giá cổ phiếu thấp, cổ đông “thích” nhận cổ tức bằng tiền mặt, nhưng nay thị giá đã cao hơn thì bằng cổ phiếu cũng có lợi.

Có lợi theo hướng, cổ đông nắm giữ lâu dài, tính trên số cổ phần nắm giữ họ gia tăng được về lượng, bán phần cổ tức lấy tiền với thị giá tốt hơn trước vẫn giữ được lượng nắm giữ ban đầu…

Một khía cạnh khá bất ngờ khi cổ đông hỏi luôn, lợi ích của cán bộ nhân viên (CBNV) LienVietPostBank thì sao, làm sao đầu tư thêm cho họ?

Ông Sơn cũng khá bất ngờ trước câu hỏi này. Nhưng nó hợp lý. Bởi khi ngân hàng tính toán của chìm, của nổi thì một phần tài sản quan trọng nhất chính là con người, nguồn nhân lực.

Câu hỏi trên có một phần thực tế, thống kê cho thấy thu nhập CBNV LienVietPostBank nhiều năm vẫn ở vùng thấp trong hệ thống các NHTM Việt Nam. Song, ông Sơn trấn an với cổ đông rằng, ba năm qua lương của CBNV đã tăng được thêm khoảng 50%, dù quan điểm chung là vẫn tiết kiệm chi phí.