Theo tìm hiểu của PV, sau Tết, các khách sạn ven biển tại Đà Nẵng được rao bán nhiều hơn giai đoạn trước. Trên các trang quảng cáo nhà đất, có hàng trăm thông tin rao bán khách sạn với giá từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.

Các khách sạn tại Đà Nẵng ồ ạt rao bán

Thương nhân "tháo chạy"

Đơn cử như khách sạn GIC Land Hotel trên đường Phạm Văn Đồng, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà có diện tích 350m2, 15 tầng đang được rao bán với giá 115 tỷ đồng. Hay một một khách sạn 4 sao trên đường Võ Nguyên Giáp có diện tích 600 m2, cao 19 tầng với 125 phòng lưu trú và 2 phòng hội nghị được rao bán giá 440 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của một số môi giới bất động sản tại Đà Nẵng, chưa bao giờ giá bán các khách sạn ở Đà Nẵng lại rớt giá thê thảm như thời điểm này. Khách sạn 3 sao trên đường Trần Bạch Đằng với 17 phòng chỉ có giá 24 tỷ đồng, đây là giá bán thấp chưa từng có, bởi trước dịch, dù rao bán cắt lỗ, giá bán không dưới 30 tỷ đồng.

Khách sạn 3 sao 33 phòng tại quận Ngũ Hành Sơn đang được rao bán với giá 47 tỷ đồng

Trong khi đó, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, anh Kiên - chủ một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, thời điểm giữa năm 2020 khi làn sóng cắt lỗ khách sạn bắt đầu nở rộ, anh đã mua một khách sạn cắt lỗ với giá 30 tỷ đồng. Hi vọng sau khi dịch được kiểm soát, du lịch sẽ trở lại và kinh doanh.

“Tuy nhiên, 2 làn sóng dịch bùng phát khi chưa kinh doanh được gì anh phải cắt lỗ để "gỡ" vốn, nhưng nhiều tháng nay chưa bán được” – anh Kiên chia sẻ.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, để phục vụ khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2021, các sở, ngành thành phố và các đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch tổ chức một số sự kiện, sản phẩm dịch vụ như tổ chức phun nước, phun lửa Cầu Rồng; nâng, hạ nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi; trang trí đường hoa Tết; Chợ cá gỗ tại bãi biển Mân Thái; trang trí, sắp đặt thúng, ván lướt, hoa phục vụ nhu cầu check-in tại khu vực công viên Biển Đông…

Song, vì tình hình hình dịch bệnh, tổng lượt khách lưu trú phục vụ tháng 1/2021 của thành phố chỉ hơn 250 nghìn, giảm đến 65,6% so với cùng kỳ 2020, khách quốc tế giảm hơn 95%, khách nội địa giảm 36,7%.

Gói hỗ trợ "đi về đâu"?

Nhận định về thị trường năm 2021, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết đây tiếp tục là một năm khó khăn. Do đó, doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ phải bám sát vào tiến trình kiểm soát dịch bệnh, nếu có tín hiệu tốt thì sẽ triển khai ngay các biện pháp kích cầu du lịch, tung ra các gói sản phẩm kích cầu.

Trong khi đó, mới đây Bộ Tài chính đã tiếp tục đề xuất tiếp tục gia hạn tiền thuê đất, thuế thêm 3 - 5 tháng cho doanh nghiệp. Đề xuất này hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong suốt 1 năm qua, từ khi các chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi suất, giãn - giảm thuế được triển khai nhưng việc tiếp cận vẫn rất khó khăn.

Thậm chí, sau nhiều phản ánh, kiến nghị, các điều kiện được nới lỏng hơn nhưng tính đến cuối tháng 1 vừa rồi cũng mới chỉ giải ngân được gần 32 tỉ đồng, một tỷ lệ quá ít ỏi so với tổng giá trị gói vay 16.000 tỷ và ít tới vô lý so với nhu cầu trên thực tế. Đáng nói, các doanh nghiệp du lịch, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sớm nhất, tính tới thời điểm này gần như vẫn đứng ngoài các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ lần này phải rút kinh nghiệm những vướng mắc không đáng có của các lần trước để có thể thực hiện ngay và luôn, phải đến đúng nơi, đúng thời điểm, đúng liều lượng... mới phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng đề xuất giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2021; miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch trong các năm 2021, 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0%; kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn; giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021... 

Nếu không, ngành du lịch không chỉ gặp khó khăn trước mắt, mà về lâu dài, du lịch Việt Nam suy giảm sức cạnh tranh.