>> ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Làm gì để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong doanh nhân trẻ?

Với giá trị lớn lao của 35 năm đổi mới đã mang lại cho người dân Việt Nam, Đất nước Việt Nam trong đó có cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam mà có nhắm mắt lại ước mơ cũng khó có thể hình dung ra được của thời kỳ bao cấp phải ăn bo bo, gạo kém chất lượng... Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nói “rồi tới đây Người dân Việt Nam, nhà nhà đều có tivi, tủ lạnh”, đó phải chăng là động viên, là hịch tướng sĩ để Người dân Việt Nam nói chung, cộng đồng Doanh nghiệp nói riêng (là chiến sỹ thời bình) đoàn kết tìm cách vươn lên trong sản xuất kinh doanh để làm giàu cho đất nước, cho mọi người dân ấm no – hạnh phúc và phồn vinh.

Vậy sau khi cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã nói và từ khi có Đổi mới của Đại hội Đảng VI (năm 1986), thời kỳ không dài sau đó chúng ta đã có sự đổi mới tốt đẹp, thành công được chứng minh bằng hình ảnh sống động, đó là “Người nông dân Việt Nam đi xe Honda ra đồng để làm ruộng, hình ảnh này là minh chứng tốt nhất cho người Dân Việt Nam, để chúng ta phải biết ơn Bác Hồ muôn vàn kính yêu, biết ơn lớp lớp lãnh đạo Đảng – Nhà nước, lớp lớp các anh hùng liệt sĩ, người dân, cộng đồng Nhân sĩ trí thức, người lao động và Doanh nghiệp – Doanh nhân đã cùng nhau làm nên điều tốt đẹp đó.

 Đại hội Đại biểu Toàn quốc VCCI Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026

Đại hội Đại biểu Toàn quốc VCCI Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026

Để tiếp nối 35 năm đổi mới, tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa qua, Đảng – Nhà nước đã đề ra rất rõ một số mục tiêu, tầm nhìn cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trong bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Vậy để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta sẽ cần có lần thứ 2 nâng tầm cao đổi mới. Đặc biệt là việc bùng phát Đại dịch làm cả Thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ đặt ra yêu cầu chúng ta phải linh hoạt, thích ứng an toàn để thực hiện thành công định hướng công kế hoạch – định hướng đã đặt ra và thực hiện để hoàn thành mục tiêu Dân giàu – Nước mạnh – Dân chủ – Công bằng – Văn minh mà mọi người dân Việt Nam đều mong muốn.

Tại Đại hội lần thứ VII của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần này, với việc cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam góp phần quan trọng để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, sớm đưa nước ta trở thành nước Công nghiệp – Tiên tiến – Hiện đại, chúng tôi cộng đồng Doanh nghiệp Công nghiệp Việt Nam nói chung, ngành CNHT Việt Nam nói riêng xin được báo cáo tới Chính phủ – Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan một số nội dung về việc góp phần phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT), ngành Công nghiệp Việt Nam như sau:

Hiện cộng đồng Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ có khoảng gần 500 Doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hộ gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo mục tiêu tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 về CNHT, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 1000 Doanh nghiệp CNHT và đến năm 2030 có khoảng 2000 Doanh nghiệp CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, trên thị trường nội địa chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Các Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang hết sức cố gắng vươn lên để có thể chiếm lĩnh được thị phần rất tiềm năng, còn bỏ ngỏ này, hiện hàng năm nước ta đang nhập khẩu hàng ngàn linh phụ kiện các ngành công nghiệp lên tới hàng chục tỷ USD/năm.

Với tinh thần định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng cũng như của Quốc hội đồng hành với Chính phủ để phát triển toàn diện kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới. Với Thông điệp hết sức cụ thể của Thủ tướng:”Thủ tướng và Chính phủ cùng Quốc hội đồng hành với Doanh nghiệp, trên tinh thần 3 Không và 5 Thật” là “Không nói không, Không nói khó, Không nói có mà không làm”; 5 Thật là “Nghĩ thật, Nói thật, Làm thật, Hiệu quả thật, Nhân dân và Doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”.

Ông Nguyễn Hoàng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

Ông Nguyễn Hoàng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

>> ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Văn hoá kinh doanh - "đòn bẩy" phát triển doanh nghiệp

Với “Thông điệp” đó, với thông tin tiếp cận còn hạn chế và tầm nhìn còn hữu hạn, tôi xin phép được thay mặc cộng đồng Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Thủ đô Hà Nội xin được kính báo cáo Thủ tướng, Chính phủ thông tin về ngành Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam và đề xuất một số nội dung sau:

THỰC TRẠNG NGÀNH CNHT VIỆT NAM

Việc triển khai hóa định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển các lĩnh vực thuộc ngành CNHT là nhiệm vụ hết sức đúng đắn, chính xác và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp bởi chính sự thiếu hụt các ngành CNHT của Doanh nghiệp chính là “thị phần bỏ ngỏ” đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam và từ đó có thể “len chân” vào thị phần chế biến – chế tạo CNHT của thế giới. Theo số liệu ước tính tính hình sản xuất các sản phẩm CNHT của các Doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành như sau: Chế tạo ô tô: Nội địa hóa đạt khoảng 5-20%. Điện tử: Nội địa hóa đạt khoảng 5-10%. Da giầy: Nội địa hóa đạt khoảng 30%. Dệt may: Nội địa hóa đạt khoảng 30%. Công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao 1-2%. Cơ khí chế tạo khác: Nội địa hóa đạt khoảng 15-20%

Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành Điện tử và Ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD).

Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0.2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ KHÓ KHĂN, THUẬN LỢI

Thuận lợi:

Việc chủ trương tập trung mọi nguồn lực để phát triển nhanh - mạnh ngành công nghiệp nói chung và CNHT Việt Nam nói riêng là định hướng vô cùng chính xác của Đảng - Nhà nước ta. Các cơ quan đã ban hành nhiều các văn bản quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành CNHT. Cụ thể: Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển ngành CNHT. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 về việc phê duyệt chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến 2025. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/08/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT. Và nhiều các văn bản của các Bộ và các địa phương UBND Tỉnh – Thành phố trực thuộc TW. Các cơ sở pháp lý tại các văn bản nêu trên là điều kiện rất quan trọng để các cơ quan Nhà nước và Doanh nghiệp – hộ kinh doanh thực hiện.

Thị trường, thị phần rất lớn trong lĩnh vực chế tạo, chế biến linh phụ kiện ngành CNHT. Song, hàng năm đến thời điểm 2021 và giai đoạn tới thì giá trị nhập khẩu các linh phụ kiện các ngành (ô tô, điện tử, nông ngư nghiệp, cơ khí khác....) lên tới gần 3 con số tỷ UDS (riêng ngành điện tử và ô tô đã lên tới 50-60 tỷ USD/năm).

Đất nước ta có dân số lên tới 100 triệu người, rất thông minh, cần cù chịu khó và có trình độ tay nghề tương đối cao so với khu vực ASEAN.

Đặc biệt hết sức quan trọng là nước ta có nền chính trị rất ổn định cao trên bình diện quốc tế và được các cường quốc trân trọng, mong muốn hợp tác sâu rộng. Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định kinh tế lớn, thế hệ mới để tạo thị trường rất lớn cho Doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam phát triển.

Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành CNHT nói riêng đã đang lớn mạnh từng ngày, có quyết tâm rất cao để tham gia sản xuất kinh doanh làm giàu cho mình và đất nước. Doanh nghiệp ngành CNHT đã đáp ứng được là nhà sản xuất vệ tinh cho các Tập đoàn lớn trong nước và quốc tế (như Toyota, Honda, SamSung, Canon....).

Đã có cơ sở hạ tầng KCN chuyên sâu ngành CNHT phục vụ hỗ trợ phát triển cho các Doanh nghiệp sản xuất CNHT theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Tập đoàn N&G (Việt Nam) là một trong các đơn vị tiên phong trong việc đầu tư phát triển các KCN chuyên sâu ngành CNHT hiện đã đầu tư KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (qui mô tổng các giai đoạn lên tới 640ha tại Hà Nội, đã thu hút hỗ trợ các Doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư sản xuất tại giai đoạn 1 qui mô 90ha và đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 trong năm 2022).

Trong chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản vừa qua đã ký hợp tác thu hút các Doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay, tàu biển, tàu Shikasen, thiết bị nông ngư nghiệp và ô tô....Các Doanh nghiệp Nhật Bản này sẽ đầu tư sản xuất tại các KCN chuyên sâu ngành CNHT-CNC do N&G Group đầu tư phát triển tại 3 miền Bắc Trung Nam của Việt Nam. Các Doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hợp tác lôi kéo, chuyển giao công nghệ cho các Doanh nghiệp Việt Nam để cùng sản xuất các sản phẩm CNHT-CNC tham gia vào chuỗi sản xuất Nhật Bản và toàn cầu, chiếm lĩnh toàn bộ thị phần bỏ ngỏ tại Việt Nam để tăng giá trị sản xuất hạn chế nhập khẩu và hao tốn ngoại tệ cho đất nước Việt Nam. Đây là thực hiện cụ thể hóa nội dung trong tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản mà Thủ tướng 2 nước đã thống nhất cao.

Doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam trân trọng cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính về định hướng chỉ đạo hợp tác phát triển CNHT Việt Nam với Nhật Bản trong tuyên bố chung nêu trên. N&G Group và hệ sinh thái N&G là đơn vị tiền phong đồng sáng lập Hiệp hội CNHT Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội. N&G Group cũng đã đầu tư phát triển và quản lý phi lợi nhuận Học viện hướng nghiệp ngành CNHT để đào tạo lao động chuẩn chất lượng phù hợp nhu cầu cung cấp cho các Doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực CNHT và nghiên cứu sáng tạo khởi nghiệp lĩnh vực CNHT.

Khó Khăn:

Cơ hội lần thứ nhất để phát triển CNHT của Việt Nam đã trôi qua kể từ khi Việt Nam có chính sách đổi mới mở cửa thu hút các Doanh nghiệp FDI (đặc biệt là các doanh nghiệp tập đoàn lớn của nước ngoài đã vào Việt Nam đầu tư: Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic,...) ngay từ ngày đó chúng ta chưa hoàn thiện đầy đủ chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ cho các tập đoàn Doanh nghiệp FDI, mặt khác cũng chưa có đủ các cơ chế để khuyến khích và thậm chí phải có định chế để ràng buộc các doanh nghiệp tập đoàn này phải nội địa hóa các sản phẩm linh phụ kiện cho sản phẩm của họ được sản xuất tại Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp FDI do nhiều yếu tố và vì lợi nhuận của các tập đoàn này, cũng như do các tập đoàn này đã tham gia sâu rộng, bền chặt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp tại chính quốc gia của họ. Nên việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế. (Điển hình là Samsung đã công bố nhu cầu hàng trăm sản phẩm, Toyota và các Tập đoàn khác quốc tế và trong nước công bố hàng trăm linh phụ kiện cần nhưng các doanh nghiệp CNHT Việt Nam không thể đáp ứng được bởi nhiều yếu tố cả 2 bên mang lại).

Định hướng và tầm nhìn trong các chủ trương chính sách vĩ mô của Nhà nước là đúng đắn nhưng việc ban hành cơ chế chính sách để các chủ trương đi được vào đời sống doanh nghiệp lại chưa kịp thời. Tính chịu trách nhiệm chung cho vận mệnh dân tộc còn chưa cao, sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành – địa phương – DN còn mang tính nhỏ lẻ cục bộ. Và đặc biệt tính chịu trách nhiệm cá nhân của mỗi vị trí còn hạn chế, có thể do thể chế quy định của pháp luật làm cho các cá nhân không dám phát huy và dám chịu trách nhiệm trong phạm vi quyền hạn của mình?

Mặt khác việc toàn cầu hóa (Việt Nam tham gia sâu vào các Hiệt định kinh tế như AEC, CPTPP...) sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tự đổi mới, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế và không kịp thời. Trong khi năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng phối hợp và tính đồng bộ, còn nhiều bất cập thì sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã yếu sẽ càng yếu trong sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng cần được Nhà nước quan tâm chú trọng giải quyết.

Nguồn lực các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và tự phát theo phong trào, chỉ kinh doanh thương mại nhỏ lẻ nhanh thu lợi nhuận và muốn làm giàu nhanh khi thấy đầu tư bất động sản, chứng khoán có lời. Không tập trung chú trọng vào sản xuất các sản phẩm CNHT và phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ nhìn thấy khó khăn quá lớn khi tham gia vào các lĩnh vực CNHT.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy lùi sức chiến đấu trong sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm bởi nội lực đã yếu lại yếu hơn nữa.

Trong nhiều nhiệm kỳ qua của Chính phủ, công đồng Doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, sự chỉ đạo cụ thể, định hướng con đường kinh tế thị trường XHCN cho cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Tại nhiệm kỳ hiện nay 2021-2025, cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được Chính phủ – Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã chỉ ra nhiều giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp, giúp đỡ Doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh covid để sản xuất kinh doanh phục hồi phát triển kinh tế trong giai đoạn tới và tầm nhìn 2030-2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam).

Chúng tôi xin được đề xuất một số nội dung sau:

Để phát triển ngành CNHT Việt Nam theo định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đề ra, kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan hỗ trợ giải quyết một số nội dung sau:

Sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất nhiệm kỳ này.

Thành lập Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, với sự tham gia của một số Bộ/ban/ngành, một số Tỉnh/Thành phố, đại diện doanh nghiệp CNHT, Hiệp hội CNHT để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp CNHT.

Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5%-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành CNHT, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển – “ Tỉnh tỉnh – Thành phố” phát triển CNHT để hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như ô tô – điện tử – công nghiệp đóng tàu – nông ngư nghiệp – da giầy – dệt may.....

Cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...) vì theo các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo tiền vay, vốn đối ứng của Chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT. Đề nghị giao nhiệm vụ cho Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị đầu mối chủ đạo để tài trợ vốn ưu đãi cho các Doanh nghiệp CNHT Việt Nam.

Nhà nước cần có quy hoạch và chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc – Trung - Nam, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam, chính sách thuế, đầu ra cho sản phẩm để trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT tham gia sản xuất.

Cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài (đặc biệt chú trọng vào Nhật Bản) để có khả năng sản xuất, liên kết tham giá chuỗi sản xuất của Nhật bản và toàn cầu.

Việc kết nối các doanh nghiệp tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, thúc đẩy và “kèm cặp” để các doanh nghiệp FDI này cũng đặt hàng. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cấp cho họ để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp len chân được vào chuỗi sản xuất CNHT.

Vấn đề khởi nghiệp đã được Thủ tướng chỉ đạo trong nhiều Hội nghị. Nhưng đối với ngành CNHT thì doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi tạo là đặc biệt then chốt để phát triển. Cần có chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích các thanh niên Việt Nam đã học tập, làm việc tại các công ty, các quốc gia có nền CNHT phát triển để họ khởi nghiệp trở thành các doanh nhân – doanh nghiệp CNHT 100% Việt Nam.

Trên đây là một số nội dung báo cáo và đề xuất để góp phần phát triển ngành CNHT Việt Nam. Xin được thay mặt Hiệp hội CNHT Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội kính báo cáo, kính mong Thủ tướng Chính phủ và tập thể lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo để cộng đồng Doanh nghiệp CNHT Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, làm giàu cho doanh nghiệp và góp phần đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, sớm đưa nước ta trở thành nước Công nghiệp hiện đại.

Chúng tôi tin tưởng rằng sau 35 năm đổi mới Việt Nam sẽ có giải pháp để bứt phá, phát triển đổi mới lần thứ hai mạnh mẽ và thần kỳ sánh vai với các cường quốc khu vực và thế giới.

                             (Bài phát biểu của ông Nguyễn Hoàng -  Chủ tịch Hiệp hội ngành CNHT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, diễn ra ngày 30-31/12/2021).