Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017. Quy chế mới đã được ban hành và có những điểm khác so với quy chế cũ.

Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT nới lỏng yêu cầu kết quả công bố trong luận án trước khi bảo vệ. Theo đó, nghiên cứu sinh chỉ cần công bố công trình trên những tạp chí trong nước và được tính điểm là có thể bảo vệ luận án tiến sĩ. Trong khi đó, quy chế năm 2017 thì bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố trên các tạp chí/hội thảo nước ngoài, trong đó có tạp chí ISI/Scopus. Như vậy, quy chế mới giúp cho việc hoàn thành luận án được thuận lợi hơn.

Các tiến sĩ trong lễ nhận bằng của Học viện Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Thanh Hùng

Các tiến sĩ trong lễ nhận bằng của Học viện Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Thanh Hùng

Quy chế mới nới lỏng hơn về yêu cầu chuẩn tiếng Anh bằng việc chấp nhận chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc, bên cạnh việc đánh giá trình độ tiếng Anh một cách khách quan và chuẩn mực hơn thông qua các chứng chỉ IELTS (Anh) hay TOEFL (Mỹ) thể hiện bằng các mức điểm cụ thể.

Điểm khác nữa của Thông tư số 18/2021 so với Thông tư 08/2017 là số lượng nghiên cứu mà mỗi giáo sư được phép hướng dẫn tại mỗi thời điểm được tăng thêm 2, tương ứng với phó giáo sư là 1, so với quy chế cũ. 

Mất động lực hội nhập quốc tế

Bình luận về vấn đề này, GS Trương Nguyện Thành cho rằng, Thông tư 18/2021 về đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT ban hành gây nhiều tranh cãi bởi mỗi nhà khoa học đều có lý lẽ riêng. “Theo tôi, nếu có mục tiêu rõ ràng chắc hẳn không phải tranh cãi nhiều. Đó là đảm bảo chất lượng một người có bằng tiến sĩ ra sao, có trình độ kiến thức và minh chứng khả năng nghiên cứu khoa học như thế nào”. – SG Thành nói. 

Với có ý kiến cho rằng quy chế mới góp phần thúc đẩy phát triển tạp chí khoa học trong nước… nhưng điều này không liên quan đến quy chế đào tạo tiến sĩ, theo GS Thành, đào tạo tiến sĩ và phát triển các tạp chí khoa học là hai vấn đề khác nhau. Nếu hai điều này có một chút “dính” với nhau thì đây cũng không phải là mục tiêu đào tạo tiến sĩ.

“Về việc đưa ra 1 chuẩn chung hay gọi là yêu cầu tối thiểu để áp dụng cho tất cả trong khi các ngành có nhu cầu khác nhau, đặc thù khác nhau thì tôi cho rằng chuẩn này sẽ không sử dụng được. Nếu bắt buộc áp dụng sẽ phải cưa, dũa mọi cạnh sắc nhọn nhưng lại trở thành là con đường ngắn nhất hay chuẩn thấp nhất.  Mà tâm lý con người luôn chọn cái dễ cho chính mình, nhiều người rõ ràng sẽ không chọn một tiêu chuẩn cao để đi nếu bên cạnh là tiêu chuẩn thấp hơn”. – Ông Thành nói.

Vị Giáo sư này cũng cho rằng, những lĩnh vực có tính chất vùng, miền, đặc thù cần có chuẩn khác. Những lĩnh vực thuộc Khoa học Tự nhiên, không có biên giới quốc gia thì nên có chuẩn riêng. Khoa học Tự nhiên của Việt Nam đang có những bước đi tích cực cho hội nhập quốc tế. Quy chế đào tạo tiến sĩ mới sẽ không tạo động lực vì đưa ra những “cửa” thấp hơn. 

Những ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội nhân văn như Lịch sử, Chính trị… đúng là khó có công bố quốc tế nhưng nếu muốn thì đều có cách để công bố. Những đặc thù của vùng miền cũng có khía cạnh quốc tế nếu người nghiên cứu chịu suy nghĩ.

Vẫn theo vị SG này, trong thời gian gần đây, một số trường đại học ở Việt Nam đã tăng thứ hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế khá ngoạn mục, phần lớn nhờ vào số lượng các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Nếu không còn yêu cầu công bố quốc tế cho đào tạo tiến sĩ thì khả năng thăng tiến trên các bảng xếp hạng của các trường đại học sẽ rất hạn chế.   

Với tiến sĩ ở nước ngoài, các bài báo quốc tế là minh chứng cho khả năng nghiên cứu khoa học đã được phản biện, chất lượng tạp chí biểu hiện qua chỉ số ISI nói lên tầm quan trọng của nghiên cứu được đánh giá bởi giới chuyên môn. Do đó, với tiến sĩ, danh sách bài báo là mục quan trọng trong CV xin việc làm.

“Muốn hội nhập quốc tế thì chúng ta cần nói “ngôn ngữ” mà quốc tế nói. Nếu chúng ta chỉ muốn nói để chúng ta nghe thôi thì vai trò bài báo quốc tế không quan trọng và việc cái bằng tiến sĩ có ý nghĩa gì cũng không quan trọng”. – GS Trương Nguyện Thành nhấn mạnh. [1]

Làm gì để có những "tiến sĩ thật"?

Nhiều vị PGS, TS cũng có quan điểm đồng tình với quan điểm của GS Trương Nguyên Thành.

PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng – Trưởng khoa công nghệ hóa học và thực phẩm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, chuẩn đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT đưa ra hạ thấp so với 2017, đáng ra phải tăng mới tiệm cận đào tạo tiến sĩ ở quốc tế. Cần phải rà soát lại toàn bộ từng chuyên ngành, xem chuyên ngành đó có thể công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí ISI/Scopus nào. 

“Trường hợp đặc thù thì có danh mục tạp chí trong nước uy tín để đăng. Muốn tốt nghiệp tiến sĩ thì phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI/Scopus, tối thiểu là hai bài (trừ chuyên ngành đặc thù). Đây là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật"”. – PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng nói.

Cho ý kiến về vấn đề này, TS Lê Thị Thanh Xuân (khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, hiện tại những tạp chí khoa học của Việt Nam có uy tín được xếp vào ISI hay Scopus. Nhưng bên cạnh đó, nhiều tạp chí khoa học trong nước có quy trình phản biện rất lỏng lẻo, sơ sài.

“Như vậy, công bố ở tạp chí quốc tế cũng là khuyến khích cho các tạp chí Việt Nam phát triển theo hướng hội nhập. Với những ngành có khó khăn trong công bố quốc tế như quân sự thì nên có xem xét riêng. Tuy nhiên, những ngành như khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội và nhân văn thì không thể hạ chuẩn”. – TS Lê Thị Thanh Xuân nói

Với vai trò là trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TS Lê Văn Út cho rằng, đã đến lúc cần xem lại khái niệm "tạp chí nước ngoài" hay "tạp chí trong nước". "Thực chất, Việt Nam đã có những tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, thu hút công trình toàn cầu và có những tạp chí đã được công nhận trên thế giới thông qua việc những tạp chí này được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus. Và ắt hẳn những tạp chí này cũng được xếp vào "tạp chí trong nước" nhưng bản chất thì những tạp chí này là những tạp chí quốc tế". TS Út nói.

Theo vị TS này, nếu cần phân biệt thì nên chia nhóm: tạp chí quốc tế gồm cả những tạp chí nước ngoài có uy tín (được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus hay được xuất bản bởi những tổ chức uy tín) và có nhiều tạp chí của Việt Nam đã đạt chuẩn này. Tạp chí không quốc tế (hay tạp chí quốc gia, được tính điểm) gồm các tạp chí xuất bản bằng tiếng Việt. [2]

Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Ảnh minh họa: Ng.Ngân

Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Ảnh minh họa: Ng.Ngân

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ

Dưới góc nhìn của một người đang là nghiên cứu sinh, chịu sự "giao thoa" giữa hai quy chế đào tạo tiến sĩ cũ và mới, ông Cù Văn Trung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo giáo dục đã đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai:

Thứ nhất, bỏ hẳn quy định đầu vào và đầu ra trong đào tạo tiến sĩ là có bằng đại học tiếng nước ngoài do một cơ sở đào tạo ở Việt Nam cấp (mục b, khoản 2, điều 7 của Thông tư 18/2021). "Thay vì học tiến sĩ 4 năm như trước thì bây giờ họ xác định học 6 năm (thậm chí lâu hơn) vì phải mất thêm 2 năm học văn bằng 2 ngoại ngữ. Có như vậy, nghiên cứu sinh mới không bị phân tán thời gian, nguồn lực, công sức vì tiêu chí thứ yếu này". - Nghiên cứu sinh Cù Văn Trung đề xuất.

Thứ hai, quy định về bài báo quốc tế thì chỉ rõ các tạp chí cho từng ngành, từng lĩnh vực. Rà soát liệt kê danh mục cụ thể cho từng khối ngành để nghiên cứu sinh căn cứ vào đó để đăng. Nếu không như vậy thì GS.TS Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra thực tế “Hiện tượng này khá phổ biến (thường thấy ở một số trường đại học nhỏ ở địa phương), tác giả tìm đến những tạp chí ISI/SCOPUS nhưng ít được biết đến, chỉ cần đáp ứng yêu cầu nộp 1.000-2.000 USD và được chấp nhận in rất nhanh. Nhiều khi tạp chí chẳng liên quan gì đến chuyên môn. Tệ hơn là bắt đầu hình thành một số trung tâm viết bài quốc tế thuê mà thực chất là được ghép tên vào một tập thể nào đó sau khi phải trả một khoản phí”.

Thứ ba, tuyệt đối không quy định đầu vào học nghiên cứu sinh dễ, đầu ra thắt chặt (như một số nhà khoa học đề xuất), bậc học này rất vất vả và mất nhiều thời gian cho cả trò và thầy. Đầu vào và đầu ra quy định như nhau để ai muốn tham gia vào tiến sĩ thì phải xác định luôn tư tưởng cho mình. "Tôi đã gặp rất nhiều nghiên cứu sinh theo 2-3 năm rồi bỏ dở, những khó khăn trong việc thực hiện đề tài, thời gian theo đuổi công trình, vướng về ngoại ngữ đầu ra, tài chính eo hẹp để thực hiện mục tiêu, bố trí công việc cơ quan (xin công văn đi học) và sắp xếp chăm nom gia đình. Không thể để đến lúc “bỏ thì thương, vương thì tội; dở đi mắc núi dở lại mặc sông”. Điều đó rất tội cho nghiên cứu sinh chúng tôi". - ông Trung nói.

Cuối cùng, theo nghiên cứu sinh Cù Văn Trung, cần siết chặt công tác đào tạo từ khâu lựa chọn tên đề tài nghiên cứu, hội đồng đánh giá, phân công giảng sư hướng dẫn và các vấn đề liên quan khác mới là quan trọng. Không thể có tên đề tài và nội dung lại như một khóa luận tốt nghiệp đại học được. Và tầm của nghiên cứu sinh cũng phải thể hiện qua nghiên cứu trong luận án ở trình cao hơn nhiều lần tại bậc học thạc sĩ. Những cái này đòi hỏi nhà trường, chủ tịch hội đồng, giáo viên hướng dẫn và cả nghiên cứu sinh nghiêm túc, nghiêm cẩn vì một nền học thuật tiến bộ của nước nhà. [3]

--------------------------------------------------------

Bài tổng hợp có sử dụng thông tin từ các trang: 

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/gs-truong-nguyen-thanh-quy-che-tien-si-khong-tao-dong-luc-hoi-nhap-quoc-te-756964.html

[2] https://tuoitre.vn/chuan-muc-quoc-te-trong-dao-tao-tien-si-20210716215722545.htm

[3] https://laodong.vn/giao-duc/quy-che-dao-tao-tien-si-moi-tu-goc-nhin-thuc-te-hien-nay-933629.ldo