gds

Ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh Yên Bái.

Tại Diễn đàn Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh Yên Bái đã trình bày về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc từ thực tiễn Yên Bái.

Yên Bái tính đến hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 63%, đứng thứ tư cả nước. Tỷ lên dân số nông thôn chiếm khoảng 80%, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 60%; tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong toàn ngành nông nghiệp chiếm 26,2%.

Từ những đặc điểm trên, những năm qua, Yên Bái xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột của nền kinh tế, trong đó, lâm nghiệp là thế mạnh, là khâu đột phá trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

“Chúng tôi đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013; đồng thời, đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020, cùng với đó là phê duyệt các đề án thành phần phát triển lâm nghiệp của tỉnh” – ông Đỗ Đức Duy cho hay.

Theo Bí thư tỉnh Yên Bái, hiện nay tỉnh còn tồn tại một số khó khăn hạn chế, đặc biệt trong câu chuyện phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Kinh tế lâm nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp ở mức thấp, như đã nêu trên chỉ chiếm 26,2%. Trình độ sản xuất kém phát triển, chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả theo chuỗi giá trị. Hiện nay người dân chưa chú trọng chế biến sâu, các sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm; giá trị gia tăng thấp.

Đặc biệt, đời sống người dân làm nghề rừng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; Thiếu quy hoạch (quy hoạch vùng, quy hoạch lâm nghiệp), định hướng phát triển trong toàn vùng và cho từng địa phương; Thiếu cơ chế liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng (phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ). 

Chính sách khoán bảo vệ, phát triển rừng, chi trả, cho thuê dịch vụ môi trường rừng còn nhiều bất cập. Chính sách đất đai, nhất là đất đai có nguồn gốc nông lâm trường còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư.

dgs

Các đại biểu, khách mời tham dự Diễn đàn.

Bí thư tỉnh Yên Bái cho biết, trong giai đoạn tới, Yên Bái xác định một số mục tiêu trong phát triển lâm nghiệp gồm:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi và phục hồi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nhất là đối với các khu bảo tồn; Thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình trồng rừng, nhất là trồng rừng thay thế, trồng rừng nguyên liệu. Bình quân hằng năm trồng từ 12.000 ha đến 15.000 ha rừng các loại, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 65%, năm 2030 đạt 67%.

Thứ hai, phát triển khoa học công nghệ phục vụ sản xuất lâm nghiệp; Xây dựng phương án quản lý, phát triển, sử dụng rừng trồng bền vững hướng đến cấp chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) và chứng chỉ rừng quốc tế FSC. Phấn đấu đến năm 2030 duy trì trên 40.000 ha rừng trồng gỗ lớn; cấp chứng chỉ FSC cho khoảng trên 100.000 ha rừng trồng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các mặt hàng đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ tư, phát huy tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững; phấn đấu giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2030 tăng 6,5%/năm, tỷ trọng ngành lâm nghiệp đến năm 2030 đạt khoảng 37,0%.