zxc

Nhu cầu ô tô Việt Nam "lao dốc" trải đều ở các phân khúc cũng như các thương hiệu ô tô.

Lý giải sự sụt giảm trên, các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho rằng, ngoài việc người tiêu dùng chờ đợi một số mẫu mã ô tô nhập khẩu nhập khẩu nguyên chiếc rục rịch cải tiến và sắp xuất hiện trên thị trường như Suzuki Ertiga, Mitsubishi Pajero Sport, Honda City... thì dịch COVID -19 cũng làm ảnh hưởng đáng kể đến cầu tiêu dùng của người dân.

"Cầu" ô tô tại Việt Nam giảm hơn 50%

Nhu cầu ô tô Việt Nam "lao dốc" trải đều ở các phân khúc cũng như các thương hiệu ô tô thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Trong đó, tổng doanh số bán các mẫu xe thương mại chỉ đạt 2.757 xe, giảm tới 65%. Ô tô du lịch vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 12.807 xe, tuy nhiên so với năm ngoái lượng tiêu thụ các mẫu xe thuộc phân khúc này giảm tới 48%. Phân khúc xe chuyên dụng cũng giảm đến 41% so với tháng 12/2019.

Minh chứng, cộng dồn doanh số 5.944 xe Hyundai do TC Motor sản xuất phân phối trong tháng 1/2020, sức mua ô tô tại Việt Nam đạt 21.731 xe, giảm 20.731 xe so với tháng 12/2019. Tuy nhiên con số này chưa tính lượng xe VinFast cùng các thương hiệu ô tô nhập khẩu (như Mercedes-Benz, BMW, Subaru...) tại Việt Nam bán ra trong tháng 1/2020, nhưng không công bố doanh số.

Theo lý giải của một số khách hàng cho thấy, thông tin về việc một số mẫu mã ô tô nhập khẩu nhập khẩu nguyên chiếc sắp về Việt Nam như Suzuki Ertiga, Mitsubishi Pajero Sport, Honda City... cũng khiến khách hàng mang tâm lý chờ đợi.

“Tôi nghe nói trong tháng 4 sẽ có một số loại xe nhập khẩu nguyên chiếc trong đó có dòng SUV giá rẻ về Việt Nam nên tôi chờ đợi” ông Nguyễn Thanh Hải, Đống Đa, Hà Nội cho hay.

Chính vì vậy, theo báo cáo của VAMA, lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu (CBU) trong tháng 1/2020 chỉ đạt 6.188 xe, giảm 54% so với tháng 12/2019. Trong khi đó, Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 9.599 xe, giảm 51%.

Trong xu hương chung của thị trường, doanh số bán hàng của hầu hết các thương hiệu ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam đều giảm mạnh. Lượng xe Hyundai do TC Motor phân phối tiếp tục dẫn đầu thị trường nhưng so với tháng trước đã giảm tới 32%.

Còn doanh số Toyota chỉ đạt 3.923 xe, giảm tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 55% so với tháng 12/2019. Trong đó, các mẫu xe chủ lực của thương hiệu ô tô Nhật Bản đang phân phối tại Việt Nam như Vios, Innova… đều giảm mạnh.

Xe KIA do Trường Hải (THACO) lắp ráp, phân phối tại Việt Nam (THACO KIA) bán được 1.972 xe trong tháng 1/2020 và xếp ở vị trí thứ 3. Honda Việt Nam xếp thứ 4 với 1.916 xe. Trong khi đó, mức sụt giảm doanh số hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái khiến THACO Mazda bị đẩy xuống vị trí thứ 4 (1.871 xe). Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Mitsubishi (1.670 xe) và Ford (1.268 xe).

Giảm thuế để kích cầu

Trước thực tế trên, mới đây VAMA có thư gửi Văn phòng Chính phủ và một số Bộ ngành nêu những khó khăn của ngành ôtô Việt Nam, cũng như đề xuất các biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID -19.

Theo đó, VAMA cho rằng dưới tác động của dịch, các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài, cán bộ tay nghề cao… chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam. Một số máy móc thiết bị để mở rộng nhà máy cũng chưa thể vận chuyển được, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, trong thời gian gần tới đây, VAMA dự báo có nhiều nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất xe bị ảnh hưởng trực tiếp do nhiều nước đã phong tỏa để đối phó với dịch. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí tính tới việc đóng cửa nhà máy trong một giai đoạn nhất định cho tới khi các doanh nghiệp này có thể tìm được nguồn cung hàng thay thế. Đặc biệt, cầu thị trường giảm sút sẽ chắc chắn gây áp lực giảm sản lượng nói chung.

VAMA cũng nêu thực trạng nhiều nước trên thế giới đã cấm nhập cảnh, nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức các chuyến đi đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm (đánh giá COP) tại cơ sở sản xuất ôtô và linh kiện nước ngoài theo quy định tại Nghị định 17/2020…

Số lượng khách hàng tới tìm hiểu xe tại các đại lý cũng đã giảm sút đáng kể, dẫn tới số lượng hợp đồng ký mới giảm tương ứng. Các yếu tố trên đã trực tiếp ảnh hưởng tới doanh số bán hàng trong tháng 3 cũng như trong thời gian tới khi mà dịch COVID -19 có thể kéo dài.

Dự báo thị trường cả năm có thể sụt giảm hơn 15% so với dự báo của VAMA trước đó. Lượng xe đến sửa chữa đã giảm khoảng 30-40%. Dự báo về lâu dài số lượng xe này có thể giảm mạnh tới 60-70% nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Từ khó khăn đó, VAMA đề xuất Chính phủ cân nhắc về việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp vừa hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đồng thời cũng kích cầu tiêu dùng.

“Cân nhắc giảm 50% thuế suất thuế GTGT, 50% thuế trước bạ cho khách hàng mua ôtô để kích cầu tiêu dùng”, VAMA đề xuất.

Đối với các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất giãn nộp thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng tháng cho ít nhất cho các tháng từ tháng 3 tới tháng 9 theo dự thảo nghị định do Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng. Đồng thời giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quý trong năm 2020 đến kỳ quyết toán năm 31/3/2021.

Ngoài ra cần giãn thời gian nộp thuế tại khâu nhập khẩu (gồm thuế GTGT, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt nếu có) theo quý cho các quý của năm 2020. VAMA cũng đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân cho năm 2020 cho người lao động có thể phải cắt giảm công việc, giảm thu nhập….