>>22/06 Tọa đàm: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển”

Nằm trong xu hướng chung toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu - COP 26. Để thực hiện hóa mục tiêu này thì không chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu, mà các lĩnh vực sản xuất khác của Việt Nam cũng đang coi nguồn năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà là giải pháp tối ưu nhất trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.

Điện mặt trời mái nhà có tính chất phân tán, dễ lắp đặt và dễ sử dụng

Điện mặt trời mái nhà có tính chất phân tán, dễ lắp đặt và dễ sử dụng

Với các lĩnh vực sản xuất, mô hình điện mặt trời áp mái tiếp tục được ưu tiên sử dụng vì tính chất tiện lợi, sử dụng được phần mái trên của nhà xưởng, không phát sinh thêm diện tích đất. Nguồn điện được phát từ hệ thống điện mặt trời sẽ phục vụ chính cho hoạt động sản xuất, giúp cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra để hòa chung vào xu thế toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang rót vốn rất mạnh để đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm cung cấp nguồn năng lượng xanh cho sản xuất.

Trong đó phải kể đến mô hình điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy dệt may Thành Công, đặt tại KCN Phú Hoà tỉnh Vĩnh Long. Theo tính toán của doanh nghiệp hệ thống đầu tư sẽ tạo ra lượng điện khoảng 48,5 triệu kWh, đáp ứng 66% nhu cầu điện sản xuất của doanh nghiệp. Giá trị mang lại cho doanh nghiệp trong vòng 20 năm tới là rất lớn, do đó Dệt may Thành Công có thể tiết kiệm 1,9 triệu USD so với chi phí mua điện từ lưới như hiện nay.

Tiếp đó là Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ với quy mô doanh thu xấp xỉ 3.900 tỷ đồng vào cuối năm 2021, lợi nhuận hợp nhất đạt 221,4 tỷ đồng, mục tiêu xanh hóa các nhà máy sản xuất cũng được Dệt may Hòa Thọ đưa vào kế hoạch khẩn trương thực hiện ngay trong năm 2022. Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, Hòa Thọ đã thông qua kế hoạch đầu tư lắp điện mặt trời áp mái tại trụ sở chính của Tổng công ty và tiến tới lắp đặt tại hệ thống nhà máy sản xuất.

>> Sử dụng điện mặt trời mái nhà: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Với các doanh nghiệp sản xuất lớn, chi phí cho năng lượng chiếm khá lớn, lên tới hơn 2% chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Cụ thể như Công ty Cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG, chi phí tiền điện chiếm khoảng 1,94% chi phí sản xuất.

Trong đó năm 2020, công ty thanh toán khoảng 37 tỉ đồng tiền điện, năm 2021 chi phí tiền điện lên xấp xỉ tới 44,7 tỉ đồng. Với than đá, chi phí sản xuất than chiếm khoảng 0,44% chi phí sản xuất, trong đó năm 2022 công ty thanh toán khoảng 9,24 tỉ đồng, năm 2021 xấp xỉ 9,4 tỉ đồng. So sánh với năm 2021, TNG đã cắt giảm khoảng 2,5 % lượng than đá sử dụng cho quá trình sản xuất dù sản lượng công ty vẫn tăng.

Vì mục tiêu xanh hóa và giảm phát thải trong sản xuất sắp tới công ty TNG sẽ sử dụng khoảng 50% lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cần có cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà

Cần có cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà

Đánh giá về lợi ích nguồn điện năng từ hệ thống điện áp mái, ông Vũ Đức Giang-Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho biết, đối với ngành dệt may, vấn đề tìm kiếm giải pháp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất của ngành dệt may Việt Nam là phù hợp với xu hướng hội nhập.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững năng lượng tái tạo và tiết kiệm nguồn nước. Đây là định hướng có tính xuyên suốt trong mục tiêu phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Giang cho rằng; “để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, phải triển khai các giải pháp tuân thủ trong từng doanh nghiệp về vấn đề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng nguồn nước, đảm bảo vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam là nước cam kết và tuân thủ. Không phải Nhà nước tuân thủ mà cộng động doanh nghiệp và người dân tuân thủ", ông Giang nhấn mạnh.

Tuy nhiên các doanh nghiệp đề xuất để thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp sản xuất, cần hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp sử dụng điện tái tạo nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh hơn nữa mô hình này ở doanh nghiệp.

Trong đó cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước thật tốt để đáp ứng việc áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.