Giá điện "hời"

Liên quan đến giá điện mặt trời tại Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, ông Mai Văn Trung - Giám đốc Phát triển kinh doanh, Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) cho biết, "giá bán điện mới cao hơn cả giá điện của Thái Lan, Malaysia - những nước vốn có chính sách ưu đãi phát triển điện mặt trời từ sớm".

d

Giá điện mặt trời áp mái trong dự thảo mới cao hơn so với giá điện cùng loại tại Thái Lan hoặc Malaysia - những quốc gia có chính sách phát triển điện năng tái tạo sớm trong khu vực. (Hình minh hoạ, nguồn: Internet)

Cụ thể, đánh giá về giá điện mặt trời mới, ông Mai Văn Trung cho biết, so với quy định về giá điện cũ, giá bán điện mới này cao hơn, đặc biệt là giá điện mặt trời áp mái cao nhất, không còn "cào bằng" như trước, 9,35 cent/kWh, tương đương 2.134 đồng/kWh chưa VAT. Điều này tạo ra sức hấp dẫn cho dự án đặt tại khu vực bức xạ thấp, đồng thời cũng làm giảm "áp lực" đầu tư tại các vùng bức xạ cao như Bình Thuận, Ninh Thuận.

Theo đó, giá bán điện mặt trời áp mái theo Dự thảo cũng cao hơn giá so với giá bán điện của các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia. Đây cũng là 2 nước có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời từ sớm so với Việt Nam. Ông Mai Văn Trung khẳng định: "Việt Nam đang đi vào giai đoạn ổn định về giá bán điện".

Đồng tình với quan điểm này, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, ông Audistti Stroithong - Tham tán Thương mại, Đại sứ Quán Thái Lan tại Việt Nam cũng cho biết, với những kinh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo thành công tại Thái Lan, một số thị trường khác trong khu vực và thế giới, doanh nghiệp Thái Lan cũng không muốn "chậm chân" trước những ưu đãi về giá điện mới.

Theo đó, đã có những đoàn doanh nghiệp Thái Lan sang để khảo sát tại tỉnh Nghệ An để tìm hiểu về chính sách, ưu đãi đầu tư và địa điểm đầu tư thích hợp. Và trong năm nay, các doanh nghiệp Thái Lan sẽ tiếp tục triển khai chuyến đầu tư "xuyên Việt" tới các tỉnh miền Tây.

Một trong những điểm mới của Dự thảo là tính giá theo vùng và theo loại hình dự án. Theo đó, các tỉnh từ Quảng Bình trở ra bắc (trừ Điện Biên) được tính là vùng 1 với mức giá mua điện dao động từ 2.102 - 2.486 đồng/kWh (9,20 - 10,87 US cent/kWh), cao hơn mức giá hiện tại đến 400 đồng/kWh. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Điện Biên được tính là vùng 2 với mức giá mua điện từ 1.809 - 2.139 đồng/kWh (7,91 - 9,36 US cent/kWh). Ở khu vực này chỉ còn đối tượng dự án điện mặt trời trên mái nhà giữ được giá, các loại khác đều giảm.

Theo các doanh nghiệp, với cơ chế giá như thế này, điện mặt trời khó mà phát triển đúng với tiềm năng và kỳ vọng của Chính phủ về năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn

Bên cạnh những ưu đãi về giá điện mới được xem là "động lực" khiến các doanh nghiệp tham gia thị trường điện nhiều hơn. Tuy nhiên, trước những khó khăn nội tại doanh nghiệp cũng "lực bất tòng tâm", không thể gia nhập thị trường và điện áp mái cũng khó phát triển rộng rãi hơn.

Cụ thể, theo ông Đào Minh Hiển, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 2 cho rằng, đầu tư một hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi chủ đầu tư phải có sẵn nguồn vốn ban đầu, thường tương đối cao. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ "sức" để tham gia vào cuộc chơi lớn. Đây cũng chính là nguyên nhân cản trở sự phát triển rộng rãi của hệ thống điện mặt trời áp mái.

Đồng tình với khó khăn này, ông Trần Đình Nhân- Tổng giám đốc EVN thông tin, theo báo cáo của EVN, những khó khăn mà điện mặt trời áp mái vướng phải khá nhiều. Trước tiên có thể kể đến như, việc EVN và các đơn vị điện lực chưa thể ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng.

Tiếp nữa phải kể đến chi phí thiết bị và chi phí lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn còn cao, chưa khuyến khích khách hàng đầu tư, lắp đặt; chưa có các giải pháp, mô hình đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời áp mái. 

Theo lý giải của ông Trần Đình Nhân, đây chính là những nguyên nhân này đang khiến cho khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị.

Đề xuất giải pháp nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào thị trường điện năng, theo đại diện SolarBK chia sẻ, để giúp thị trường điện mặt trời phát triển, cần có sự chung tay hỗ trợ của các định chế tài chính (ngân hàng, bảo hiểm).

"Thực tế, trước đây, phần lớn ngân hàng còn e dè trong việc cấp vốn đầu tư cho các doanh nghiệp. Nhưng với sự mở rộng của thị trường và các chính sách ngày càng hoàn thiện, các ngân hàng đã vào cuộc. Bên cạnh đó, các tổ chức bảo hiểm cũng là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp tin tưởng hơn vào việc phát triển điện mặt trời", ông Mai Văn Trung nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Mai Văn Trung, ông Đào Minh Hiển cũng kiến nghị: Hiện có rất nhiều mô hình để hỗ trợ người dân triển khai điện mặt trời áp mái. Vì chi phí đầu tư khá lớn, nên mô hình hiện đại sẽ là các công ty điện lực có thể tài trợ thuê/hoặc cho thuê mái nhà, thuê/cho thuê hệ thống điện mặt trời... Tất cả các mô hình này đều có thể hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời áp mái trong thời gian tới.