Hình ảnh dưới kính hiển vi mô phỏng của adenovirus

Hình ảnh dưới kính hiển vi mô phỏng của adenovirus.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ hiện đang điều tra 180 trẻ ở 36 bang và vùng lãnh thổ nước này bị mắc bệnh viêm gan bí ẩn, tăng 71 ca kể từ cập nhật mới nhất của CDC công bố vào đầu tháng này.

Trong một tuyên bố ngày 18/5, CDC cho biết phần lớn trong số 180 ca này không phải là những ca mới mắc. Số bệnh nhi mà CDC đang tiến hành điều tra gia tăng bởi cơ quan này xem xét cả dữ liệu có từ hồi tháng 10 năm ngoái.

Viêm gan là tình trạng tổn thương nhu mô gan, khiến các chức năng gan bị suy giảm dần dần. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến suy gan, xơ gan không hồi phục. Bệnh thường do các virus viêm gan A,B,C, D và E gây ra.

Tuy nhiên, các trường hợp viêm gan nằm trong diện điều tra của CDC là không bình thường bởi trẻ mắc bệnh không có xét nghiệm dương tính với các virus này. Trong khi đó, các em lại có các biểu hiện triệu chứng bệnh nặng, với 9% trong số này cần ghép gan, vốn rất hiếm khi xảy ra.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể trả lời nguồn cơn của bệnh viêm gan. Tuy nhiên, giả thuyết hàng đầu là adenovirus, đây là họ virus phổ biến thường gây cảm lạnh thông thường với các triệu chứng giống như cúm, hoặc gây bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột cấp tính. Phần lớn trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.

Cơ quan an toàn y tế Anh (UKHSA) cho biết đây, bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn có thể là chủng adenovirus đột biến mới, hoặc bệnh nhân nhiễm adenovirus kết hợp với một số yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn đồng nhiễm loại virus khác, sau đó tiến triển thành viêm gan.

>> COVID-19 gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ?

>> Liệu viêm gan bí ẩn có bùng phát thành dịch lớn?

>> Đề phòng bệnh viêm gan bí ẩn “tấn công” trẻ em

Các trường hợp viêm gan bí ẩn ở trẻ đang gây lo lắng

Các trường hợp viêm gan bí ẩn ở trẻ đang gây lo lắng.

TS, BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đa số các trường hợp viêm gan cấp có thể hồi phục sau khi loại trừ được tác nhân gây bệnh, một số ít diễn biến nặng, gây hậu quả suy gan không hồi phục và có thể tử vong, một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến kéo dài dẫn tới bệnh gan mạn tính, xơ gan…

Về điều trị, hiện do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chưa có điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, bao gồm cả các biện pháp hồi sức tích cực cho các trường hợp suy gan nặng như thay huyết tương, lọc máu liên tục…, và có thể ghép gan cấp cứu.

"Mục tiêu nhằm điều trị hỗ trợ sớm cho trẻ để hạn chế mức độ tổn thương tới mức thấp nhất và tăng cường khả năng phục hồi chức năng gan và ghép gan trong trường hợp suy gan mất bù", bác sĩ Hoa nói. 

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang tăng cường giám sát những trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, điều tra dịch tễ, đánh giá lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, và báo cáo các cơ quan dịch tễ và Bộ Y tế.

"Tất cả các ca bệnh có triệu chứng tiêu hóa kèm theo có tổn thương gan cấp đến khám tại bệnh viện thời gian này sẽ được đặc biệt lưu ý tới tiền sử dịch tễ, các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hoá và ngoài đường tiêu hoá… Sau khi loại trừ tất cả các nguyên nhân gây tổn thương gan thường gặp, chúng tôi sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh, bao gồm cả sàng lọc Adenovirus", bác sĩ Hoa nói. 

Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh viêm gan bí ẩn rất quan trọng và cần thiết, một số dấu hiệu cảnh báo mà Ba Mẹ cần phải theo dõi như sau:

Đầu tiên, trong nhiều trường hợp, trẻ nhiễm adenovirus sẽ có các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt, nước tiểu sẫm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng đặc trưng nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy trẻ cũng có nồng độ men gan cao bất thường, dấu hiệu của tình trạng viêm hoặc tổn thương gan.

“Hiện nay, nguy cơ trẻ phát triển viêm gan vẫn cực kỳ thấp. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cảnh giác với các biểu hiện điển hình, dễ nhận thấy nhất là vàng bên trong lòng trắng của mắt. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu cảm thấy lo lắng”, Tiến sĩ Meera Chand, Giám đốc lâm sàng về các bệnh nhiễm trùng mới nổi tại UKHSA, cho biết.

Do adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng.