Đáng chú ý trong quyết định về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ ghi rõ: Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Nội dung “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng” thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nó đánh trúng tâm lý "ưa được nịnh", "thích được khen"...

Động thái này cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Sở dĩ quy định “nịnh bợ” được đưa vào một văn bản hành chính là bởi nó đã đã trở nên phổ biến khiến bộ máy hành chính hoạt động động kém hiệu quả với 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, chưa kể 7,5 triệu người hưởng lương ngân sách. Nó là nguyên nhân của thói quan liêu cùng nhiều thói hư tật xấu.

Tuy nhiên, việc đưa một yếu tố định tính vào một văn bản hành chính và thiếu các yếu tố định lượng để giúp nhận diện thế nào là “không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng” sẽ rất khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, đánh giá và xử lý.

Thực tế, nịnh bợ là một “căn bệnh” thuộc phạm trù đạo đức đã có từ ngàn xưa, tuy không lây nhiễm vì còn tùy thuộc nhân cách từng người, nhưng thời nào và nơi nào cũng có. Tuân Tử từng nói rằng: Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh ta là kẻ hại ta.

Còn thi hào La Fontaine từng viết: Nên biết rằng tất cả kẻ xu nịnh đều sống nhờ vào những người lắng nghe chúng.

Nói cách khác, căn bệnh “nịnh bợ” chỉ có thể tồn tại khi chúng có môi trường sống. Vì vậy để triệt tiêu “căn bệnh” này thì gốc rễ vẫn phải là quy trình tuyển dụng bổ nhiệm và sử dụng cán bộ lãnh đạo. Bởi, khi người đứng đầu thật sự “công minh, liêm chính”, thói nịnh bợ vì động cơ không trong sáng hay những biểu hiện tiêu cực khác cũng sẽ không còn chỗ ẩn nấp.

Đề án không điều chỉnh với người đứng đầu cơ quan, song chính họ phải thực hiện nghiêm túc, để có tính nêu gương với cấp dưới của mình trong ứng xử, quan hệ làm việc.

Về lâu dài, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ, trong đó có việc cấm công chức nịnh bợ cấp trên, vào luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức sửa đổi và hoàn thành vào tháng 12/2019. Trong luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức hiện hành đã có nội dung liên quan đến đạo đức công vụ nhưng không thành một chương, điều riêng về văn hóa công vụ.

Hiện dự thảo sửa đổi 2 luật này vừa được UB Thường vụ QH cho ý kiến lần đầu, sẽ được trình lấy ý kiến QH tại kỳ họp tới và dự kiến thông qua vào kỳ hợp thứ 8 vào cuối năm.

Nhưng để có các chế tài thực hiện rõ ràng phải định lượng giúp nhận diện thế nào là “nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”.