>>> Tạo lực đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh khái niệm “chuyển đổi kép” mới được Liên minh châu Âu đưa ra tại diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức.

Tăng trưởng thông minh từ số hoá và xanh hoá

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế như đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu,  sự thay đổi mô hình kinh tế, nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và già hóa dân số.  

“Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại diễn đàn (ảnh: H.L)

Cùng với chuyển đổi số, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề cập đến khái niệm “chuyển đổi kép” khi kinh tế xanh và bền vững đang trở thành con đường phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Hai khái niệm này được lồng ghép và thúc đẩy sự phát triển lẫn nhau buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng.

“Các chuyên gia trên thế giới đánh giá chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững. Gần đây, khái niệm “chuyển đổi kép” tức là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh đã được Liên minh Châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.

Nắm bắt xu hướng mới này, ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số vào quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững.

Với các doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong giai đoạn hội nhập sâu hiện nay phải tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Đây là sức ép, thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để được thị trường chấp nhận. Trong đó, có yêu cầu về chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp vượt khó thích ứng

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI cho biết: đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, theo VCCI, doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng để sản xuất sạch hơn.

Dẫn kết quả đánh giá của EU, ông Nguyễn Tiến Huy cho biết thêm, áp dụng công nghệ số góp phần giảm phác thải cácbon toàn cầu khoảng 20% vào năm 2030. Lấy đơn cử việc in hoá đơn tại doanh nghiệp, trong các năm 2019 - 2020 trên thế giới sử dụng 550 tỷ hoá đơn/năm, trong đó chỉ có 1/10 là hoá đơn điện tử. Con số hoá đơn được in trong năm 2021 đã gấp 4 lần. Vì vậy, sử dụng hoá đơn điện tử giúp giảm sử dụng giấy, gián tiếp giảm tiêu thụ gỗ do ½ sản lượng khai thác gỗ được sử dụng trong công nghiệp giấy và giảm phác thải C02, chi phí vận tải, sử dụng nhiên liệu.

doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hơn để sản xuất sạch hơn

Các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hơn để sản xuất sạch hơn

Tương tự như vậy, việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây theo tính toán góp phần giảm 1 tỷ tấn CO2 trong giai đoạn 2021 - 2024. Ngoài bài toán kinh tế và giảm tác động đến môi trường, xã hội, ông Nguyễn Tiến Huy cho rằng, khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp thực hành ESG trong từng sản phẩm hay hành vi của người tiêu dùng hiện nay thay đổi, ưa chuộng sử dụng sản phẩm hàng hoá xanh hơn. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải hoạch định chính sách “chuyển đổi kép” để phát triển kinh doanh bền vững và mang lại giá trị cho doanh nghiệp.

Đánh giá doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng hơn để sản xuất sạch hơn, ông Nguyễn Tiến Huy cho biết thêm: với doanh nghiệp lớn, tập đoàn toàn cầu đều có chiến lược áp dụng chuyển đổi số lâu dài vào môi trường kinh doanh và cung ứng sản phẩm xanh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân cũng rất năng động trong nắm bắt xu thế. Doanh nghiệp chủ động nắm bắt sớm, tích hợp công nghệ vào sản xuất sẽ phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đề cập đến những thuận lợi của doanh nghiệp trong “chuyển đổi kép”, ông Nguyễn Tiến Huy cho rằng, thụ hưởng thành quả phát triển của công nghệ 4.0, là người đi sau, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ được trải nghiệm, được đánh giá tốt như cách triển khai của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn về khó khăn, ngoài khuôn khổ pháp lý và thể chế, do quy mô nhỏ nên doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đầu tư công nghệ số, công nghệ xanh cần hệ sinh thái phát triển được sự dẫn dắt bởi cơ quan chức năng và doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar:

Việt Nam đã đưa ra một chiến lược và tầm nhìn rất rõ ràng mà Ericsson hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ thông qua các kế hoạch và năng lực 4G hiện tại cũng như 5G trong tương lai của chúng tôi tại Việt Nam. Là một phần hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Việt Nam vào năm 2023, Ericsson tái khẳng định cam kết hợp tác chiến lược với Việt Nam nhằm khai phóng toàn bộ tiềm năng và giá trị của 5G đối với xã hội, doanh nghiệp, công nghiệp, nền kinh tế và môi trường.

Cùng với việc tiêu thụ ít năng lượng hơn 4G, công nghệ 5G sẽ cho phép các ngành công nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số và giảm yêu cầu năng lượng cũng như lượng carbon thải ra. Chúng tôi kỳ vọng rằng, ngành CNTT-TT, được hỗ trợ bởi các khả năng của 5G, sẽ góp phần đáng kể vào việc giữ cho việc nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C vào năm 2050 so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tại Ericsson, chúng tôi đặt mục tiêu đạt được mức phát thải carbon net zero vào năm 2040 trên toàn bộ chuỗi cung ứng của mình và trong môi trường sản xuất của chúng tôi vào năm 2030. Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam với tham vọng đạt được phát thải carbon net zero vào năm 2050, với 75% năng lượng dự kiến đến từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2045. Ericsson cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này thông qua quan hệ đối tác của chúng tôi với các nhà mạng của Việt Nam, cũng như thông qua sự hợp tác chiến lược của chúng tôi với EVN, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất tại Việt Nam. 5G sẽ giúp hỗ trợ tích hợp liền mạch các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió, thủy điện và mặt trời vào lưới điện hiện tại.