>>Ùn tắc nông sản biên giới: Đẩy mạnh kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

Theo thông tin ghi nhận, Mio thành lập từ năm 2020, là một sàn thương mại về mua bán hàng hóa nông sản cho các thành phố cấp 2 và cấp 3 của Việt Nam. 8 triệu USD vốn đầu tư lần này là từ nhà đầu tư Jungle Ventures tại vòng gọi vốn Series A. Tổng cộng kể từ khi thành lập Mio đã huy động được 9,1 triệu USD.

Theo mô hình của Mio, các đối tác của họ là người bán, có nhiệm vụ nhận đơn đặt hàng thông qua mạng xã hội, sau đó tổng hợp, đặt và quản lý đơn đặt hàng thông qua Mio Partner. Khi đó, các đối tác có thể kiếm được 400 USD hoặc 10% mỗi đơn hàng cũng như một số khoản thưởng bổ sung khác.

Đại diện Mio chia sẻ startup này đã ghi nhận một số thành công bước đầu rất triển vọng. Trong 12 tháng qua, tổng giá trị giao dịch của Mio tăng hơn 50 lần, cung cấp hơn 10.000 sản phẩm tươi sống mỗi ngày. Hiện tại Mio có mặt ở những tỉnh thành lớn phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và đang dự kiến mở rộng ra khu vực phía Bắc.

Trong thời gian tới, Mio có kế hoạch kinh doanh thêm mặt hàng tiêu dùng nhanh và thiết bị gia dụng, cũng như đầu tư thêm trung tâm phân phối mới và những công nghệ mới để giảm thời gian giao hàng, hạ giá thành cũng như đưa dịch vụ  đến nhiều nơi hơn.

Tương tự như Mio ở Việt Nam, một số nước trong khu vực cũng có những công ty khởi nghiệp sáng tạo, những công nghệ buôn bán nông sản cũng đang rất được quan tâm.

 >>Nhận diện, giải pháp cho xuất khẩu nông sản

Đơn cử như cái tên TaniHub đến từ Indonesia. Đây là một nền tảng bán hàng nông sản giúp nông dân tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Hồi tháng 5/2021, TaniHub đã huy động thành công 65,5 triệu USD vốn đầu tư. Dữ liệu từ TaniHub cho biết họ đã liên kết với hơn 45.000 nông dân và có 350.000 người mua.

Để có thể tối ưu hóa quy trình hoạt động, TaniHub có 3 đơn vị nhỏ. Thứ nhất là TaniHub, chức năng như một sàn TMĐT. Ở đó người nông dân có thể đăng bán hàng hóa còn khách hàng tìm kiếm và đặt hàng. Thứ hai là TaniSupply, chức năng tiếp vận, thực hiện vận chuyển các đơn đặt hàng. Họ sẽ phân loại, rửa sạch và đóng gói nông sản đến tay người mua trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Thứ ba là TaniFund, chức năng cho nông dân vay vốn để phát triển.

Không chỉ gói gọn trong Indonesia, mà từ 2 năm trước TaniHub đã xuất khẩu nông sản đi Ả Rập, Singapore và Hàn Quốc. Ngay cả trong đại dịch thì TaniHub cho biết doanh thu năm 2021 của họ vẫn có thể tăng đến 600% so với cùng kỳ năm 2020 vì nhu cầu mua online tăng vọt.

Còn ở Trung Quốc, thương mại điện tử đã giúp người nông dân thoát nghèo. Ở đây người ta quen thuộc với khái niệm “làng taobao” để chỉ những ngôi làng có ít nhất 100 hộ kinh doanh trực tiếp trên Taobao.

Những ngôi làng này đã hoạt động từ 10 năm trước. Tính đến năm 2019, Trung Quốc có 4.310 ngôi làng Taobao ở 25 tỉnh thành. Các làng Taobao này tạo ra doanh thu đến 700 tỷ NDT trong một năm.

Chính hình thức TMĐT này đã giúp các vùng nông thôn có mức sống tốt hơn, giảm bất bình đẳng và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ và thanh niên với hơn 6,8 triệu công việc mỗi năm, cũng như góp phần thu hút lực lượng lao động chịu trở về quê hương và khởi nghiệp.

Ngoài hình thức đăng bán hàng trên sàn TMĐT bình thường, nông dân trung Quốc cũng rất quen thuộc với hình thức livestream bán hàng nông sản. Hình thức này giúp họ bán nhanh những mặt hàng đang bị tồn đọng, hỗ trợ họ mở rộng phạm vi bán hàng và cũng giúp người mua tin tưởng hơn vào sản phẩm (vì được nhìn tận mắt).

Thành công của những TaniHub ở Indonesia hay làng Taobao ở Trung Quốc sẽ là trường hợp tham khảo và tiền đề rất lớn cho TMĐT nông sản Việt Nam nói chung và Mio nói riêng. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, ách tắc, thì phát triển TMĐT để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước là một giải pháp tiềm năng và khả quan.