Một bài toán nan giải đặt ra đối với hầu hết doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giữ được bộ máy nhân sự khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị suy giảm nặng nề trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, hệ lụy của việc cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, khiến doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi hoạt động sản xuất phục hồi.

Vì vậy, việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, giữ được bộ máy nhân sự nhằm sẵn sàng cho sự tăng tốc phục hồi sau dịch bệnh là một trong những ưu tiên hàng đầu, được nhiều doanh nghiệp chú trọng trong thời điểm hiện nay.

Đây cũng là quan điểm của ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn.

Theo vị này, càng trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp càng cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo công ăn, việc làm cho người lao động, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp trụ vững trước gian khó, cũng như phục hồi phát triển sau này.

"Trong đợt dịch này, chúng tôi chỉ tạm dừng hoạt động của 2 công ty chuyên về xuất nhập khẩu và chuyển công nhân về làm việc tại trang trại, tập trung sản xuất. Công ty cố gắng không sa thải nhân viên trong thời điểm này, đồng thời đưa ra các chương trình thưởng KPI để 100% cán bộ, công nhân viên yên tâm làm việc", ông Hùng chia sẻ.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT -  Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, doanh nghiệp chuyên về kinh doanh xuất khẩu nông sản thông tin, Công ty đã sớm ứng dụng công nghệ số vào quản trị, sản xuất và giao dịch với khách hàng nên trong dịch Covid-19, các nhân viên có thể làm việc từ xa mà không gặp trở ngại.

Điều này góp phần giúp tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua của Công ty đạt 120-130%.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods thì cho biết, doanh nghiệp đã tối ưu hoá giải pháp nhân sự bằng phương án kiêm nhiệm vị trí để giữ các nhân sự giỏi, tăng số ngày phép cho nhân viên làm việc online, áp dụng nghỉ luân phiên... để vừa giảm bớt gánh nặng chi phí, vừa đảm bảo thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng cho người lao động…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc duy trì được việc làm cho người lao động là thách thức lớn trong điều kiện sản xuất - kinh doanh sụt giảm, các loại chi phí, trong đó có lương cho người lao động, tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Viet Thang Jeans cho biết, với đặc thù ngành dệt may sử dụng lượng lao động lớn, khi dịch bệnh xảy ra đã chịu tác động nặng nề, nên việc đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Với thực trạng dây chuyền sản xuất chạy trong 10 ngày mỗi tháng và mỗi ngày chỉ làm 6-7 giờ, thu nhập của người lao động cố gắng đảm bảo giữ được khoảng 60% so với bình thường.

“Hiện nay, Viet Thang Jeans nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, không cắt giảm lao động, tuy nhiên áp dụng cơ chế làm việc luân phiên một ca nghỉ, một ca làm. Công ty chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động nhằm duy trì công việc cho người lao động. Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Viettravel chia sẻ, doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ của Chính phủ đối với chính sách hỗ trợ lao động mất việc sớm thực thi, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp sống sót qua dịch bệnh.

“Chúng tôi thực sự mong sớm có hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và Bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ. Đây là nguồn lực quý giá giúp doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ cho người lao động, giữ vững bộ máy hoạt động để sớm khôi phục hoạt động sau dịch”, ông Kỳ nhấn mạnh.