>>Doanh nghiệp dệt may cần làm gì trong năm 2023?

Ngấm đòn lạm phát

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố mới đây, kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đang bị ảnh hưởng của xu thế lạm phát trên toàn cầu. Trong đó các thị trường lớn đều gặp khó khăn, khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó. Điều này đã được dự báo trước từ đầu quý 4 năm 2022, khi đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như; dệt may, da giày, thủy sản… giảm mạnh. Cụ thể 02 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.

 Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam”

Sản phẩm giầy dép của Việt Nam xuất khẩu đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, đặc biệt đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam” uy tín.

Phân tích các nguyên nhân khó khăn của ngành dệt may, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho biết do thị trường quốc tế ảnh hưởng do xung đột giữa Nga - Ukraine. Thị trường trong nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cùng lúc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhiều phía như: đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn “leo thang”. Trong khi 3 năm qua, các doanh nghiệp đa phần bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19 nên sức chống chịu giảm dần.

Ngoài ra, xu hướng của một số nhà nhập khẩu là đơn đặt hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, đơn giá bị ép khiến giá xuất giảm... 

Còn về ngành da giầy theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), từ quý 4/2022 những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành. Đại diện Lefaso cho rằng, dự kiến phải đến hết quý 2/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn, điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như lao động của ngành da giầy. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành. Do đó để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2023, đại điện Lefaso khuyến nghị các doanh nghiệp hội viên nên mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Với ngành thủy sản ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam chia sẻ, trong năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục bị suy thoái và lạm phát ngấm sâu vào từng thị trường và ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng, trong đó có thủy sản.

>>Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ giảm?

>>"Cánh cửa" EVFTA chưa rộng mở với ngành xuất khẩu thủy sản

Ngoài những khó khăn từ tình hình lạm phát gia tăng toàn cầu làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản, thì ngành thủy sản sẽ phải đối mặt thêm một số khó khăn như thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác cho sản xuất xuất khẩu, khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất tăng cao,… Nếu phục hồi được từ quý II năm 2023 thì dự báo năm 2023 xuất khẩu thủy sản có thể giảm nhẹ còn khoảng xấp xỉ 10 tỷ USD.

Xoay trục

Chia sẻ về giải pháp phục hồi, theo ông Việt TGĐ May 10, mặc dù còn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn lạc quan về những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2023 nhờ duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có FTA. Đáng chú ý, năm 2023 một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0%, đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

Cần tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao)

Ngành thủy sản cần tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao)

Tuy nhiên theo ông Trương Đình Hòe, để tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định FTA như thuế xuất nhập khẩu, các cơ hội khác và tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, trước hết các doanh nghiệp cần nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA; Tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như tại các nước đối tác trong FTA.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao), doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, trách nhiệm xã hội và các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp kiến nghị mức lãi suất cho vay sản xuất đang quá cao, nếu cộng với tăng biên độ thêm từ 2,5% lên 4 - 5%/năm, sẽ đẩy lãi suất lên đến xấp xỉ khoảng 15%/năm. Hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm/năm, sở dĩ lãi suất cho vay tăng cao do ngân hàng tăng lãi suất huy động trong thời gian qua.

Điều này sẽ là nguyên nhân khiến nhiều chủ doanh nghiệp liêu xiêu vì lãi vay cao hơn lợi nhuận, vượt xa kinh phí dự trù hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó các doanh nghiệp đề xuất ngoài những cố gắng vực dậy của doanh nghiệp để đứng vững trong bối cảnh lạm phát, thì Chính phủ cần có động thái tác động hỗ trợ rót vốn xuống các ngành sản xuất. Cụ thể là giảm mức lãi suất vay xuống từ 6-7% trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ điều chỉnh sau. Thực hiện được điều này doanh nghiệp sẽ có vốn để tiếp tục đầu tư và tái sản xuất.