>> Cần thêm giải pháp bình ổn giá xăng dầu

Ẩn số nguồn cung xăng dầu

Theo chuyên gia cấp cao Đoàn Tiến Quyết tại Viện Dầu khí Việt Nam, tổng hợp thông tin từ các tổ chức uy tín thế giới hay cơ quan an ninh năng lượng Mỹ đều nhận định rằng, cung cầu thị trường trong giai đoạn tháng 3 và một số tháng tiếp theo sẽ thắt chặt, hoặc thiếu hụt nguồn cung. Vì thế, giá dầu thô thế giới, cũng như giá dầu Brent sẽ dao động trong mức từ 95 - 98 USD/thùng. Còn theo dự báo giá dầu thô của Viện Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn tháng ba sẽ ở mức trung bình khoảng 104 USD/thùng và mức giá này có thể sẽ duy trì trong một vài tháng tiếp theo.

Dự báo trong năm nay, giá dầu có thể lên - xuống tùy thuộc vào tình hình cung - cầu, nhưng chủ yếu vẫn là tình hình địa chính trị và chiến sự, cũng như những biện pháp trừng phạt của phương Tây tác động tới Nga

Dự báo trong năm nay, giá dầu có thể lên - xuống tùy thuộc vào tình hình cung - cầu, nhưng chủ yếu vẫn là tình hình địa chính trị và chiến sự, cũng như những biện pháp trừng phạt của phương Tây tác động tới Nga

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đánh giá, giá dầu và thị trường dầu trên thế giới từ cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã có những biến động rõ rệt. Do hầu hết các nước, các trung tâm kinh tế đều qua một thời gian chống dịch và bắt đầu lộ trình mở cửa, nên nhu cầu tiêu thụ xăng dầu dần tăng cao.

Ngoài ra, còn có yếu tố tác động rất lớn từ phía Tây bán cầu, với sự thiếu hụt của nguồn năng lượng nói chung bao gồm điện, than, khí; đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông ở các nước khắc nghiệt. Nhưng đỉnh điểm phải nhắc đến là chiến sự giữa Nga và Ukraine trong những ngày gần đây, đóng góp nguyên nhân cơ bản và là yếu tố chính tác động lên giá dầu. Dự báo trong năm nay, giá dầu có thể lên - xuống tùy thuộc vào tình hình cung - cầu, nhưng chủ yếu vẫn là tình hình địa chính trị và chiến sự, cũng như những biện pháp trừng phạt của phương Tây tác động tới Nga, từ đó ảnh hưởng đến giá dầu.

“Các nhà nghiên cứu cũng như thị trường cũng rất băn khoăn lo lắng, những biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga có động chạm đến xuất khẩu dầu của Nga hay không. Dù Mỹ đã có những tuyên bố hạn chế tổ chức mua dầu của Nga, do đó chúng ta cần quan sát một cách rất kỹ, là những diễn biến này sẽ tác động hết sức tiêu cực đến giá dầu và các mức giá có thể vượt xa năm 2008, khi giá dầu đạt đến mốc 147 USD/thùng. Đây vừa là dấu hỏi và cũng vừa là ẩn số trong thời gian tới”, ông Bùi Ngọc Bảo băn khoăn.

Vị Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết thêm, Việt Nam đã bắt đầu mở cửa sau dịch, do đó, nhu cầu tiêu thụ dầu dần dần trở lại ở mức trước dịch và sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vừa qua, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có chỉ đạo để đảm bảo được những phần thiếu hụt của nhà máy lọc dầu trong nước, bằng cách tìm kiếm hàng nhập khẩu để bổ sung và cũng có dự kiến tới 20% nhu cầu tăng thêm dự phòng cho phát triển của kinh tế. Đặc biệt là chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho 10 doanh nghiệp đầu mối lớn để nhập thêm 20% cho dự kiến này, nên trong quý hai tới, về cơ bản chúng ta sẽ đảm bảo được nguồn cung xăng dầu đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của xã hội.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết đã rà soát lại các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu ký kết ngay từ đầu năm 2022, tức là từ trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, bên cạnh đó, Tập đoàn cũng tiếp tục ký kết các hợp đồng mới để phù hợp với chỉ tiêu sản lượng mà Bộ Công Thương đã quy định phải cung cầu.

>> “Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Giảm thuế bảo vệ môi trường chỉ là tình thế

Tăng cường các giải pháp

Trước tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng, thiếu xăng dầu cục bộ và giá xăng dầu liên tục tăng cao như thời gian vừa qua, nhiều giải pháp khắc phục đã được đưa ra như nhập khẩu xăng dầu, tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh, hay đề xuất giảm thuế,... Song, liệu đây có phải là những giải pháp căn cơ để giúp cho thị trường xăng dầu Việt Nam hạ nhiệt hay không và cần có thêm những giải pháp gì?

iến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính để nghiên cứu giảm thuế suất MFN (thuế tối huệ quốc) trước mắt trong năm 2022 đưa về mức thuế bằng mức ASEAN để chúng ta có thể mở rộng tìm kiếm nguồn cung hơn

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị nghiên cứu giảm thuế suất MFN (thuế tối huệ quốc) trước mắt trong năm 2022 đưa về mức thuế bằng mức ASEAN, để chúng ta có thể mở rộng tìm kiếm nguồn cung hơn.

Trả lời cho câu hỏi này, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, trước hết phải đảm bảo nguồn cung, để cho các doanh nghiệp tìm kiếm và có kế hoạch nhập khẩu gia tăng thêm, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới là giải pháp hết sức cần thiết. Nó dựa trên dự báo về nhu cầu, dự báo về tình hình xăng dầu của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như của các doanh nghiệp. Tiếp theo nữa là, đối với mặt hàng bình ổn giá, khi giá quốc tế lên cao, thì phải có việc tính toán đến điều chỉnh sắc thuế để đảm bảo cho giá bán xăng dầu ảnh hưởng ít nhất. Tuy nhiên, với mức giá diễn biến trong thời gian vừa qua, cần có những chính sách mạnh hơn nữa để đảm bảo được giá xăng dầu được kìm hãm ở cách thức tốt nhất. Đặc biệt, cần phải có những giải pháp uyển chuyển và kịp thời trong bối cảnh giá cả xăng dầu điều chỉnh hằng ngày.

Ngoài ra, để đảm bảo những yếu tố về nguồn, về giá, thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải tổ chức những biện pháp để quản lý thị trường, giám sát những doanh nghiệp bán giá theo đúng các quy định về niêm yết, rồi bán theo đúng giờ đóng mở cửa,... Đồng bộ tất cả những cái đó là giải pháp hết sức căn cơ.

Một trong những yếu tố không tránh khỏi đó là việc hoạt động mang tính chất tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm xăng dầu của người tiêu dùng, của thị trường cũng phải được đặt ra trong bối cảnh thay đổi hết sức bất lợi này.

“Trong thời gian vừa qua, khi giá quốc tế biến động mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã sử dụng một phần rất lớn quỹ bình ổn để kiềm giá xăng dầu, nhưng quỹ bình ổn chủ yếu là giúp cho mức độ giá xăng dầu không gia tăng đột biến ở một thời điểm nhất định, chứ không phải là quỹ có thể bình ổn được giá xăng dầu. Chúng ta cũng đã xác định, xăng dầu của Việt Nam sắp tiệm cận với cơ chế thị trường và đây cũng là giải pháp duy nhất đối với nền kinh tế của Việt Nam, bởi vì không thể có một nguồn nào bù lỗ cho xăng dầu.

Như năm 2008, giá dầu lên tới 147 USD/thùng, năm đó chúng ta cũng đã phải bù lỗ tới hơn 23.000 tỷ đồng, tại thời điểm đó là rất lớn và chúng ta đã nhìn thấy có những bài học, nên không thể có những giải pháp bù lỗ đối với xăng dầu một cách dài hạn”, vị Chủ tịch Hiệp hội phân tích.

Theo ông, để đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường, tốt nhất là duy trì sản xuất trong nước một cách hết sức ổn định, như vậy cũng đã đáp ứng được 70 - 75% nhu cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối cần phải có kế hoạch dài hạn trong việc nhập khẩu và cần lưu ý rằng việc nhập khẩu hiện nay hoàn toàn không phải dễ dàng. Lý do là Nga là một nước xuất khẩu dầu rất lớn trên thế giới, nhất là nguồn dầu Diezen, mà trong bối cảnh vừa rồi, hệ thống ngân hàng của Nga đã bị cấm vận, vô hình chung sẽ tác động đến những dòng chảy tự nhiên của nhiên liệu, năng lượng.

Còn về giá, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thiết phải nghiên cứu một số những cơ chế liên quan đến thuế, thuế này cũng sẽ có liên quan đến nguồn cung. Đó là chúng ta có rất nhiều Hiệp định thương mại, bao gồm ưu tiên cho nguồn dầu của các nước ASEAN với một mức thuế nhập khẩu ưu đãi, nhưng cái này sẽ vô hình chung làm hạn chế các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tìm kiếm các nguồn khác. Bởi lẽ, nguồn cung cấp dầu của ASEAN rất hạn chế, do đó giá có xu hướng bị đẩy lên.

“Chúng tôi đã có kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính để nghiên cứu giảm thuế suất MFN (thuế tối huệ quốc) trước mắt trong năm 2022 đưa về mức thuế bằng mức ASEAN để chúng ta có thể mở rộng tìm kiếm nguồn cung hơn.

Bên cạnh đó, đối với xăng dầu khi giá cao, thì hiệp hội cũng đã có những kiến nghị đối với Bộ Tài Chính là, trên cơ sở sắc thuế nhập khẩu của chúng ta như xăng 8% nhập khẩu, 10% tiêu thụ đặc biệt thì nên đưa về số tuyệt đối giống như các nước khác, giống như thuế môi trường. Bởi lẽ, khi chúng ta duy trì tỷ lệ phần trăm đối với thuế, thì giá dầu càng cao, phần ngân sách gánh trong giá bán càng tăng lên tương ứng.

Đáng chú ý, khi giá dầu lên cao, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của chúng ta hầu như không có chi phí về bảo hiểm giá, cũng như quỹ dự phòng rủi ro cho doanh nghiệp, đây là lý do mà rất nhiều doanh nghiệp khi bán lỗ thì không có nguồn nào bù đắp, trong khi tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào khoản vay của ngân hàng. Thực tế với tình hình xăng dầu như hiện nay, các ngân hàng cũng rất “ngại ngùng” cho những doanh nghiệp có hoạt động phát sinh các khoản lỗ đối với kinh doanh xăng dầu vay, thì đây cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước phải hết sức chú ý”, ông Bùi Ngọc Bảo đề xuất.