Cổ phiếu DPM đầu tầu ngành phân đạm tiếp tục hút dòng tiền

Cổ phiếu DPM, doanh nghiệp "đầu tàu" ngành phân đạm tiếp tục hút dòng tiền

Đầu tàu phải nói đến cổ phiếu DPM - Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí với lực cầu đẩy vọt giá tăng, cán mốc 49.000 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 18/1; Tiếp đến cổ phiếu DCM - Đạm Cà Mau cũng cán mốc 30.800 đồng/cp; Cổ phiếu LAS - Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá Chất Lâm Thao; BFC-Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng tiếp tục tăng giá. Đây là nhóm cổ phiếu tiếp tục cán mốc giá mới trong những ngày đầu năm 2022.

Vậy nhóm cổ phiếu này có gì đặc biệt?

Nhiều chuyên gia nhận định nhóm cổ phiếu phân đạm  có thể đứng trước rủi ro khi giá dầu tiếp tục leo thang làm đội lên giá thành khiến các công ty phân bón đội giá chí phí, dẫn đến biên lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, trên thực tế nhóm ngành này đã có kết quả kinh doanh khá vượt trội, điển hình là DPM. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 vừa được DPM công bố cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ. 

Cụ thể, tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 5.086 tỷ đồng, tăng 163% so với quý 4/2020. Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn chỉ 76% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 2.372 tỷ đồng, gấp 6 so với số lãi gộp 387 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4/2020. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 20,1% quý 4/2020 lên 46,6% quý 4 vừa qua. Do vậy DPM đã lãi thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 1.958 tỷ đồng – gấp 43 lần cùng kỳ… Kết quả, quý 4/2021 DPM lãi trước thuế 2.009 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 1.668 tỷ đồng – gấp 16 lần so với số lãi hơn 104 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4/2020.

Lũy kế cả năm 2021 doanh thu thuần đạt 12.786 tỷ đồng, tăng 64,7% so với doanh thu 7.762 tỷ đồng đạt được năm 2021. Nhờ tiết giảm chi phí vốn và các chi phí khác, Đạm Phú Mỹ báo lãi trước thuế 3.799 tỷ đồng cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.171 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với số lãi 702 tỷ đồng đạt được năm 2020. Lượng hàng tồn kho tăng gần 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên trên 2.900 tỷ đồng chủ yếu tăng giá trị hàng hóa, giá trị nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho.

Áp thuế suất 5%: Cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu phân bón?

Báo cáo nhận định về DPM, Công ty Chứng khoán VCSC cho biết, năm  2022, DPM đặt kế hoạch doanh thu 12,786 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sản lượng bán ra các sản phẩm hầu hết đều tăng như urê (+6,8%), NPK (+8,6%), phân bón nhập khẩu (+232,9%), chỉ có ammoniac là đặt kế hoạch giảm (-71,3%). VCSC  nhận thấy DPM đặt kế hoạch khá thận trọng cho 2022,  kỳ vọng giá phân bón sẽ khó giảm trong ít nhất nửa đầu 2022 vì chi phí sản xuất cao trong bối cảnh giá khí tăng mạnh. Bên cạnh đó, nguồn cung hạn chế do tình trạng hạn chế xuất khẩu phân bón ở Trung Quốc và Nga, việc nhập khẩu phân bón vẫn còn khó khăn do vấn đề thiếu container và tắc nghẽn đường vận tải quốc tế… Theo đó nhu cầu phân bón tiếp tục duy trì. Điều này sẽ là động lực tăng trưởng ngắn và trung hạn cho cổ phiếu DPM.

Hiện đồ thị giá của DPM đóng cửa tăng với khối lượng giao dịch vượt trội so với phiên trước đó. Đồng thời, đồ thị giá vượt lên trên đường trung bình 20 phiên và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ còn tiếp tục biến động hẹp quanh đường trung bình 20 phiên ở những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của DPM cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, VCSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu DPM.