>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): 7 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi

Theo đó, trước rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đã “trói buộc”, cản trở, đặc biệt là đối với hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong những năm qua, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư đang kỳ vọng Luật Dầu khí (sửa đổi) thực sự khắc phục được bất cập, tạo bước đột phá, góp phần thu hút đầu tư, phát huy được nguồn lực nội tại, thúc đẩy, phát triển ngành Dầu khí, khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần thêm nhiều yếu tố cải thiện môi trường đầu tư - Ảnh minh họa

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), cần thêm nhiều yếu tố cải thiện môi trường đầu tư - Ảnh minh họa

Thế nhưng, trên thực tế, Dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu, còn những chính sách ưu đãi khác chưa được đa dạng hóa để thu hút đầu tư.

Cụ thể, đánh giá về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong Dự thảo Luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu.

Theo ông Hiếu, thực tế còn nhiều những chính sách ưu đãi khác có thể nghiên cứu để xem xét nhằm đa dạng hóa các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài như cơ chế giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; hay giảm trừ thuế dựa trên chi phí… những chính sách này vừa tạo ra ưu đãi, đồng thời thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào một số những hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn.

Một trong những bất cập liên quan đến vấn đề này, đó là trong quá trình triển khai thực hiện về căn cứ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đặc thù của dự án dầu khí thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật cần có thêm định nghĩa cụ thể về chi phí hoạt động dầu khí - là tất cả chi tiêu do nhà thầu thực hiện và gánh chịu theo chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt để tiến hành hoạt động dầu khí, được xác định và được phép thu hồi phù hợp với các quy định của hợp đồng dầu khí.

>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tăng trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường

các chuyên gia cũng cho rằng, trong Dự thảo luật cần có thêm định nghĩa cụ thể về chi phí hoạt động dầu khí - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật cần có thêm định nghĩa cụ thể về chi phí hoạt động dầu khí - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật, quy định về xử lý chi phí còn lại chưa được thu hồi của dự án dầu khí đến thời điểm kết thúc hợp đồng. Đây được xem là một trong những chi phí rủi ro của hoạt động dầu khí, tương tự chi phí tìm kiếm thăm dò của dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công.

Theo đó, dù vấn đề này đã được quy định tại Quy chế tài chính của Petrovietnam, thế nhưng, việc đưa vào Luật là cần thiết nhằm luật hóa quy định này tránh việc chồng chéo, không rõ ràng trong quá trình thực hiện, đảm bảo đồng bộ với luật ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phía Nhà thầu có cơ hội nghiên cứu trước những yêu cầu của nước chủ nhà một cách rõ ràng ngay từ đầu và rút ngắn được thời gian đàm phán, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, theo các chuyên gia, việc ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí cũng là một nội dung cần thiết để làm cơ sở cho việc đàm phán hợp đồng. Về phía nước chủ nhà cũng đồng thời tiết kiệm được thời gian thẩm định và phê duyệt, đảm bảo được tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu ký do có thể đưa về một mặt bằng chung để đánh giá và lựa chọn.

Đáng nói, Dự thảo Luật hiện đang quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng là Tiếng Việt trong trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng nhà thầu được lựa chọn là nhà thầu Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần thiết có bảng hợp đồng dầu khí bằng tiếng Anh, nếu không đây sẽ là một điểm rất khó khăn, lo ngại với nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi về vấn đề này với báo chí, ông Nguyễn Minh - đại diện Công ty Eni Việt Nam nhận định, nhà đầu tư nước ngoài muốn có hai ngôn ngữ khi ký kết hợp đồng dầu khí. Có thể hợp đồng dầu khí giữa hai Công ty Việt Nam ký kết với nhau là ngôn ngữ Việt Nam nhưng đến khi Công ty nước ngoài muốn tham gia vào, lúc đó phải chỉnh sửa lại rất khó khăn. Còn nếu Công ty nước ngoài muốn tham gia vào hợp đồng dầu khí mà hợp đồng chỉ có ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc được dịch sang tiếng Anh mà không được các bên ký thì đối tác rất lo ngại.

Đánh giá về vấn đề nêu trân, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc sử dụng hai ngôn ngữ trong hợp đồng Dầu khí còn là thông điệp thể hiện sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định chúng ta mở cửa, chứ không đơn thuần chỉ là giải quyết vấn đề tranh chấp về sau.

“Quy định này sẽ phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực hoạt động dầu khí mang tính quốc tế cao, tạo điều kiện cho các nhà thầu dầu khí tiềm năng tiếp cận với hợp đồng dầu khí trong trường hợp các nhà thầu này mong muốn nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia tại các hợp đồng dầu khí hiện hữu. Quy định về ngôn ngữ hợp đồng dầu khí bằng tiếng nước ngoài thông dụng cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí”, ông Thập bày tỏ.