>> NHNN vẫn khuyến khích cho vay nhà ở xã hội

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM

Thứ nhất, Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Quy định này có thể đã không đúng khi không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần phát triển nhà ở xã hội.

Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lại xác định trách nhiệm của Nhà nước “đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án”, nhất là thực hiện “đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn” vì ngân sách nhà nước cấp tỉnh có hạn.

Thứ hai, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bỏ quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ”.

Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ không còn được bổ sung nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để góp phần cùng Nhà nước phát triển nhà ở xã hội, mà thực chất là cả người mua nhà ở thương mại khi trả tiền mua nhà là đã cùng chung tay đóng góp hỗ trợ cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội tạo lập được nhà ở xã hội, vì nghĩa vụ (trên đây) của chủ đầu tư đã được tính vào giá bán nhà ở thương mại. 

Nhưng nếu chỉ “trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn” thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa. Hiệp hội đề xuất nên bổ sung thêm quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn” để phát triển nhà ở xã hội.

>> Gỡ vướng thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

Cần khơi thông thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

Thứ ba, nếu bỏ quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” thì khó có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội và sẽ làm cho “giấc mơ” của đông đảo người dân là người thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang muốn được mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời.  

Thứ tư, khoản 1 Điều 78 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có “bất cập” khi bổ sung quy định “Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước để bán…”, mà trong các bản Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước đây đều chỉ quy định “Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước để cho thuê, cho thuê mua…”.

Hiệp hội nhận thấy, ngân sách nhà nước có hạn nên Nhà nước chỉ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua. Theo đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ “đóng góp tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ.