Đó là thực trạng tại TP HCM trước làn sóng hồi hương của người lao động sau những ngày giãn cách kéo dài, đã khiến cho kế hoạch lao động, việc làm của doanh nghiệp tái phục hồi sản xuất càng khó khăn hơn bao giờ hết.

hình ảnh những đoàn người kéo dài rời khỏi TP HCM, hay các trung tâm công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương… trở về các tỉnh miền Tây, miền Trung… khiến bài toán phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp đã khó thì nay càng khó hơn.

Hình ảnh những đoàn người kéo dài rời khỏi TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương…

Áp lực trước làn sóng hồi hương

Ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp trong những ngày qua, hình ảnh những đoàn người kéo dài rời khỏi TP HCM, hay các trung tâm công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương… trở về các tỉnh miền Tây, miền Trung… khiến bài toán phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp đã khó thì nay càng khó hơn.

Thực tế cho thấy, cũng vì giãn cách kéo dài khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với khoảng 30 - 50% lao động. Tại TP HCM, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng chục nghìn lao động đã về quê và hơn 10.000 người khác đang nhiễm Covid-19 (chưa khỏi), đang khiến cho các doanh nghiệp, nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch.  

TP HCM đã đông đúc trở lại sau thời gian dài giãn cách, là một chỉ dấu cho thấy cuộc sống dần bình thường trở lại và nền kinh tế đã bắt đầu mở cửa. Thế nhưng, những tín hiệu tích cực đó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn. Mà ngược lại, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tìm lao động ở đâu để vận hành hoạt động trở lại? Đáng nói, vấn đề này không chỉ khó khăn, áp lực với các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhiều lao động mà còn là bài toán khó với cả những doanh nghiệp vốn sử dụng ít nhân công như hệ thống các nhà hàng, khách sạn….

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Sáng lập và điều hành Nhà hàng Khoái, TP HCM, sau khi TP HCM thực hiện giãn cách kéo dài, nhiều nhân viên đã về quê và không hẹn ngày trở lại. "Giả sử bây giờ các nhân viên cũ quay trở lại thì chắc họ sẽ phải tiêm ngừa, nhưng ở TP HCM mà phủ chưa hết mũi 1 và mũi 2 thì không biết ở quê được bao nhiêu %? Liệu các bạn đã được tiêm hay chưa, khi nào được tiêm? Vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn" - bà Diệp đặt câu hỏi.

Bà Diệp cho biết thêm, hiện tại nhà hàng chỉ có 5 – 6 nhân công đang làm việc cho nhà hàng, và những nhân viên này phải làm việc căng thẳng từ sáng tới chiều.

Nhà hàng Khoái, TP HCM, chia sẻ: Sau khi TP HCM thực hiện giãn cách kéo dài, nhiều nhân viên đã về quê và không hẹn ngày trở lại.

Doanh nghiệp không thể gọi nhân viên quay trở lại sau khi TP HCM thực hiện giãn cách kéo dài. (Ảnh Nhà hàng Khoái).

Cần chính sách hỗ trợ hút lao động

Tương tự, chia sẻ về sự thiếu hụt nguồn lao động trong ngành dệt may, ông Phạm Văn Việt -  Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP HCM, cho biết: hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã kín đơn hàng đến quý 4 năm nay và sang đầu năm sau, nhưng lo ngại nhất lúc này là thiếu công nhân.

Thời điểm này, dù đã nỗ lực đăng tuyển lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp may mặc tại TP HCM vẫn không thể tuyển mới công nhân. Trong khi, với lượng công nhân cũ thì chưa thể trở lại nhà máy vì nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Việt, “hiện doanh nghiệp đang cố gắng phối hợp với TP để đón người lao động vào lại, nhưng để kêu gọi được người lao động thì phải trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP phải có chính sách để hỗ trợ thì mới thu hút lại được lực lượng lao động còn không có thì rất khó” – ông Việt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, phân tích: người lao động ngành dệt may gần như hầu hết ở những tỉnh xa, và nằm chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, miền Tây. Bây giờ có muốn thì cũng không thể nào tổ chức được những đoàn tiêm vaccine lưu động để tiêm và đưa họ vào TP phục vụ sản xuất.

ông Phạm Văn Việt -p/Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP HCM, cho biết: hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã kín đơn hàng đến quý 4 năm nay và sang đầu năm sau, nhưng lo ngại nhất lúc này là thiếu công nhân.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP HCM: hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã kín đơn hàng đến quý 4 năm nay và sang đầu năm sau, nhưng lo ngại nhất lúc này là thiếu công nhân.

Chưa kể, áp lực về bài toán lao động càng tăng bội phần khi những ngày qua có cả trăm nghìn người lao động tự phát rời khỏi TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương về các tỉnh miền Tây. 

Nhận định về những thách thức khi đón người lao động quay trở lại TP HCM, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cho rằng: Dòng người hồi hương tự phát, những chuyến xe đưa người lao động về quê trong những ngày qua và nay vẫn còn rải rác, đã cho thấy rất rõ những khó khăn và thách thức của doanh nghiệp đang còn trực chờ ở phía trước. "Một hiện tượng xã hội đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn rằng, rồi đây áp lực thiếu hút lao động nghiêm trọng ở TP HCM hay các trung tâm công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương… không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” – bà Chi nói.

Cũng theo bà Chi, theo số liệu được Sở LĐTB&XH TP HCM công bố, 5 tháng qua, số lượng lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp của TP là trên 100.000 người. Số công nhân dừng hoạt động khoảng 500.000 người. Những người này đã có thời gian dài bám trụ tại TP nhưng hiện nhu cầu bà con xin về quê rất nhiều. “Nếu câu chuyện thiếu lao động trong ngành lương thực thực phẩm rơi vào khoảng 20% thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội may mặc TP HCM thì ngành này đang thiếu khoảng 20.000 lao động thì chắc chắn không còn là câu chuyện đơn giản nữa” - bà nói.

Lý giải và phân tích cụ thể hơn, bà Chi cho rằng hiện tượng dòng người hồi hương trong thời gian vừa qua được chia thành 2 hướng là miền Tây và các tỉnh miền Trung sẽ xảy ra 2 tình huống. Tình huống 1, dòng người về hướng miền Trung có khả năng cao sẽ ở lại ăn Tết hoặc ở lại lâu dài do nhiều địa phương đã có các KCN, KKT và họ sẵn sàng ở lại làm việc để gần gia đình và an toàn hơn trong lúc này.

Về phía địa phương, các tỉnh sẽ tận dụng cơ hội vàng, giảm được áp lực vì: gần như tất cả công nhân trở về đã tiêm được 1 mũi, và chỉ cần tiêm thêm mũi 2 ở tại KCN địa phương làm việc, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thay vì phải gọi lao động từ các địa phương khác. Địa phương được lợi về phủ sóng tiêm vaccine, được luôn công nhân. Rõ ràng câu chuyện đó đang là bài toán chiến lược của các địa phương đang đi tìm lời giải từ nhiều năm qua.

Tình huống 2, dòng người hồi hương hướng về các tỉnh miền Tây có vẻ không đáng lo ngại chuyện người lao động sẽ ở luôn. Tuy nhiên, tình huống người lao động sẽ ở lại hết Tết, sau đó mới quay trở lại là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp may mặc ở các tỉnh miền Tây không nhiều, song, lợi thế của các tỉnh này về  lĩnh vực thuỷ sản, nông sản cũng không phải ít. Đây cũng là những áp lực không hề nhỏ cho việc giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động để phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp TP HCM hiện nay.

Do đó, theo bà Chi, với các tình huống trên, cộng thêm yếu tố tâm lý thì đây là một bài toán rất khó. Về phía người lao động, bà Chi nhận định rằng họ đã rất khác so với trước đây. Vì vậy, chúng ta không thể dùng lương, dùng các phúc lợi nữa mà cần phải linh hoạt các tình huống, đưa ra các giải pháp đảm bảo sự an toàn để người lao động ổn định về tâm lý, thì mới hy vọng mời được người lao động quay trở lại để phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế.