Những ngày qua, dư luận cho rằng tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở nhiều nơi một phần là do các bệnh viện sợ mắc lỗi nên lúng túng, chậm trễ đấu thầu, nhiều bác sĩ than thở, chuyên môn chỉ giỏi khám chữa bệnh mà còn bắt đi mua hàng nghìn loại thuốc, vật tư y tế, bảo sao không sai?

Một bác sĩ giấu tên tâm sự: "Mỗi lần bị đưa tên vào hội đồng thầu, mua sắm là ăn không ngon, ngủ không yên. Chuyên môn là bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ giỏi chẩn đoán, kê đơn điều trị bệnh cho bệnh nhân. Phải học hành chật vật 6-10 năm mới có thể trị được bệnh. Ấy vậy mà khi vào Hội đồng đấu thầu chỉ đi học 3 ngày là lấy chứng chỉ "qua lớp đào tạo về đấu thầu", rồi tham gia đấu thầu thuốc thì tinh thông sao được. 

Hơn nữa, thuốc, vật tư y tế là một "ma trận" với hàng nghìn, hàng chục nghìn loại. Chưa kể các văn bản pháp luật về đấu thầu, mua sắm "chất chồng" như núi. Làm sao bác sĩ "học thuộc" để hiểu và thực hiện cho đúng được?". 

>>Đã đến lúc “đại phẫu” ngành Y tế

jhihii

Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư hiện nay ở nhiều cơ sở y tế được cho là do chậm trễ đấu thầu. Ảnh minh họa

Nhiều quy định còn bất cập

Bác sỹ Trần Văn Phúc, BV ĐK SaintPaul cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh thành chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Trong bối cảnh hành lang pháp lý, cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác mua sắm chưa bao phủ hết các tình huống, các vụ bắt bớ vì vi phạm quy định về đấu thầu đã khiến những người chuyên trách mua sắm vật tư, trang thiết bị "vừa làm, vừa sợ".

“Người làm sai rõ ràng phải chịu tội, nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để những người đương nhiệm được đảm bảo an toàn khi làm việc và cống hiến. Hoạch định chính sách y tế cần nhìn vào số đông người bệnh”, BS. Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, trong đấu thầu tập trung đang bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp. Một trong những bất cập là giá xây dựng kế hoạch đấu thầu. Đây chính là nguyên nhân gây tình trạng thiếu thuốc, thiếu hoá chất và vật tư tiêu hao, thiếu trang thiết bị y tế, máy móc hỏng chỉ đắp chiếu chứ không thể sửa chữa.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các bệnh viện sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng thực tế, có thể giá các nguồn từ nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, phân phối tăng... vậy nên cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch.

Còn theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương, với 4 cơ chế mua thuốc hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Thứ nhất là đàm phán cấp quốc gia do Hội đồng đám phán cấp quốc gia làm nhưng không hiệu quả.

Thứ hai là do Trung tâm đấu thầu mua sắm quốc gia thực hiện, tuy nhiên, hiện “vẫn đang trong quá trình đàm phán, đấu thầu” .

Thứ ba, là cơ chế đấu thầu tập trung do địa phương nhưng nhiều địa phương hiện cũng “không dám” đấu thầu.

Cuối cùng, cơ chế cho bệnh viện tự đấu thầu mua thuốc nhưng “nhiều nơi anh em thật sự không dám đấu thầu, nhất là với yêu cầu đấu thầu thuốc năm sau phải rẻ hơn năm trước, rất bất cập. Hoặc theo quy định khi đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua. Nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm thì các bệnh viện khó mà lường trước việc bệnh nhân dùng hết thuốc hay không...

>>“Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

hhihi

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khiến công tác đấu thầu mua sắm thuốc men, vật tư y tế bị đình trệ. Ảnh minh họa

Cần hành lang pháp lý đầy đủ

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, "vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm, là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy…Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua.

Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn như Nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu…

“Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, ông Quang cho hay.

Liên quan đến nội dung này, tại phiên họp thảo luận sáng 13/6 về dự án Luật khám chữa bệnh (sửa đổi), GS. Nguyễn Anh Trí đã đề cập “hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm, …đang bị đứt gãy nghiêm trọng, vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ; và vì việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở y tế, Bộ y tế đang bị đình đốn bởi vì họ còn bận phải làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ hơn như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra…

Và thế là hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân…. Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được”.

Theo GS. Nguyễn Anh Trí, 1 trong những giải pháp cần làm là “phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý - bao gồm các luật như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch, và cả những luật khác có liên quan như Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công…; kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện… Cần có một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để cán bộ y tế thực hiện”.