>> GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: Băn khoăn quy mô đấu thầu dự án

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM

Điều 85, Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã “thể chế hoá” chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và “luật hoá” khoản 3 Điều 54 Hiến pháp 2013 quy định về việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cần xây dựng nội hàm các điều trên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ nhất, xem xét lại khái niệm “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” tại đoạn mở đầu Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với khái niệm “dự án đầu tư”, “dự án đầu tư công”, “dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư” quy định tại Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2014, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 và có tính kế thừa Điều 62 Luật Đất đai 2013.

Thứ hai, bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Khoản 1 Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “1. Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh”. Trong lúc, Điều 31 Luật Đầu tư 2020 quy định các dự án thuộc “Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau: 1. Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh”.

Thứ ba, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết thực hiện điểm c khoản 2 Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các loại “dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư” để phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của từng vùng, miền, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Thứ tư, đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất “dự án xây dựng cơ sở tôn giáo”, mà nên để cho tổ chức tôn giáo thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc nhận tặng cho quyền sử dụng đất để “xây dựng cơ sở tôn giáo”.

>> Rà soát Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Minh bạch trong thu hồi đất

Cần thống nhất các quy định liên quan đến thu hồi đất tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và Luật Đầu tư

Thứ năm, đề nghị quy định rõ Nhà nước thu hồi đất “dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng nhằm mục đích kinh doanh” tại điểm d khoản 2 Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc trường hợp tạo quỹ đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bởi thực tế hiện nay đã có những dự án hoa viên nghĩa trang với nhiều tiện ích, dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh. Do đó, Hiệp hội đề nghị quy định rõ Nhà nước thu hồi đất “dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng nhằm mục đích kinh doanh” tại điểm d khoản 2 Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc trường hợp tạo quỹ đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Thứ sáu, đề nghị bỏ quy định thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở do điểm h, điểm i khoản 2 Điều 86 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn, mà trong dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn đã bao gồm nhà ở thương mại.

Thứ bảy, đề nghị xem xét lại khái niệm “dự án thu hồi đất để tạo quỹ đất” tại Điều 120 Dự thảo để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với khái niệm “dự án đầu tư”, “dự án đầu tư công”, “dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư” quy định tại Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2014, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (Luật PPP).