>>Sạc xe & bán lẻ: Mô hình tiện lợi thời xe điện

GSM tuyên bố hợp tác cùng Be Group

GSM tuyên bố hợp tác cùng Be Group

Tuần trước, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư cùng Be Group. Mục đích của thương vụ này là để đưa xe hơi và xe máy điện, lần đầu tiên, vào hoạt động dịch vụ vận tải ở Việt Nam.

Với thỏa thuận này, trong giai đoạn đầu, GSM sẽ phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi để tài xế của Be có thể mua hoặc thuê xe hơi, xe máy điện VinFast thông qua GSM với mức chi phí hấp dẫn.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ, GSM và Be sẽ cùng hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe. Khách đặt xe qua Be, ngoài hai phương án beCar và beTaxi hiện tại, thì cũng có thể chọn dịch vụ taxi điện từ GSM.

Theo chia sẻ từ đại diện hai công ty, thương vụ này là một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược xanh hóa giao thông công cộng tại Việt Nam của GSM, đồng thời giúp hiện thực hóa tham vọng phủ xanh đường phố và để khách hàng cùng tài xế của Be trải nghiệm hình thức vận chuyển an toàn, không khói xăng, không tiếng ồn với mức chi phí hợp lý.

Đứng đằng sau GSM là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người đồng thời là chủ tịch Tập đoàn Vingroup, sở hữu thương hiệu Vinfast. Hiện nay GSM đang hoạt động trong hai lĩnh vực là taxi điện và cho thuê xe hơi, xe máy điện Vinfast, với quy mô đầu tư 10.000 xe hơi và 100.000 xe máy điện. Dự kiến hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4 tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc trong năm 2023.

Nếu theo dõi thị trường cho thuê xe sẽ thấy con đường của GSM khá tương đồng với Hertz, một hãng thuê xe lớn của Mỹ. Và thương vụ với Be lại càng củng cố thêm điều này.

 >>Các nước đang quy định ra sao về lắp đặt trạm sạc xe điện tại khu dân cư?

Hertz là một hãng thuê xe kỳ cựu của Mỹ. Cuối năm 2021, họ đặt mua đến 100.000 xe hơi điện của Tesla với giá trị 4,2 tỷ USD. Đây là đơn hàng mua xe điện lớn nhất trong lịch sử. Điều ngạc nhiên hơn nữa là quyết định mua xe điện của Hertz diễn ra ngay sau khi công ty này vừa thoát khỏi vực thẳm phá sản.

Dĩ nhiên, Hertz không mua 100.000 xe điện Tesla để chơi. Họ nhắm đến việc sẽ cho thuê lại khối lượng xe này. Đây là một phương án khả thi, vì thuê một chiếc xe điện sẽ dễ dàng với nhiều người hơn là mua. Đồng thời xe điện cũng là thứ khá mới mẻ, sẽ có nhiều người muốn trải nghiệm thử.

Không chỉ vậy, Hertz còn bắt tay với Uber, để tài xế Uber có thể thuê đội xe điện của Hertz. Vụ làm ăn này là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng đội xe điện cho thuê lớn hàng đầu thế giới của Hertz, cũng như phục vụ vụ tiêu trở thành nền tảng không xả thải hàng đầu trong ngành của Uber.

Lúc bắt đầu, hai bên hợp tác ở thị trường Bắc Mỹ và đạt được nhiều tiến triển tốt. Bằng thương vụ này, gần 50.000 tài xế Uber đã thuê được xe điện Tesla để chạy, đạt hơn 24 triệu cuốc xe thuần điện và chạy hơn 260 triệu dặm.

Từ thành công ở Bắc Mỹ, cả hai mở rộng mối quan hệ đối tác sang Châu Âu từ tháng 1/2023. Địa điểm đầu tiên của đợt mở rộng này là London, dự kiến sau đó là các thủ đô khác như Paris hoặc Amsterdam. Mục tiêu của thương vụ là cho thuê được 25.000 xe điện đến năm 2025.

Nếu đem đi so sánh các bên, thì GSM có vai trò giống Hertz, là bên sở hữu đội xe điện hùng hậu. Còn Be thì giống Uber, một nền tảng công nghệ gọi xe. Do đó, với sự thành công trong cú bắt tay giữa Hertz và Uber, thì người ta hoàn toàn có thể trông đợi những tiềm năng từ thương vụ của GSM và Be.