Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm trao đổi với Tổng thống Trump

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm trao đổi với Tổng thống Trump

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/6 cho biết ông sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này.

"Đã có một cuộc điện đàm rất tốt với chủ tịch Tập. Chúng tôi sẽ có cuộc gặp mở rộng vào tuần tới ở hội nghị G20 tại Nhật Bản. Các đội ngũ liên quan của chúng tôi sẽ bắt đầu đối thoại trước cuộc gặp", ông Trump thông báo trên Twitter.

Ngay sau đó, truyền thông Trung Quốc cũng xác nhận chính thức rằng ông Tập đã đồng ý gặp ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào ngày 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hy vọng Mỹ sẽ đối xử công bằng với các công ty Trung Quốc.

G-20 trông giống như cầu nối cuối cùng sau nhiều tháng ngày căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Trump rõ ràng muốn ngồi xuống bàn đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng cách đưa ra hàng loạt tuyên bố đe dọa về một mức thuế mới trong nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, thương mại giờ đây đã trở thành một vấn đề liên quan đến "chủ quyền". Do đó, sự leo thang căng thẳng đã khiến cho thỏa thuận với Mỹ càng trở nên khó xảy ra cho đến những ngày gần đây. Mặc dù tuyên bố các cuộc đối thoại sẽ được diễn ra nhanh chóng, nhiều chuyên gia cho rằng, mọi căng thẳng vẫn chưa có chiều hướng suy giảm.

Theo Liang Ming, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại, Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để Washington thể hiện nhiều nỗ lực hơn trong việc duy trì cuộc đàm phán. Cụ thể, ông Ming đề xuất, Mỹ cần phải hủy bỏ tất cả các mức thuế bổ sung; giảm đáng kể các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao, và chấp nhận một bản thỏa thuận có nhiều điều khoản cân bằng giữa hai bên.

"Bắc Kinh đã từng công khai các điều kiện cụ thể và Mỹ phải điều chỉnh những hành động sai trái của mình trong quá khứ. Hơn nữa, Washington phải thể hiện sự chân thành của mình. Đặc biệt, cách diễn đạt và ngôn ngữ trong bản thỏa thuận không nên có nhiều từ có tính chất mạnh mẽ như "phải", "chắc chắn", "nên", v.v., ông nói. Nói cách khác, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận các điều khoản quá bắt buộc trong một thỏa thuận thương mại", ông Liang phân tích.

Tuy nhiên, về cơ bản, điều này sẽ không dễ dàng được phái đoàn Mỹ chấp nhận. Một phần là do những quan chức có quan điểm cứng rắn tại Mỹ hầu hết đang nằm trong phái đoàn đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc. Bên cạnh đó, những phát ngôn khiêu khích của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hay Cố vấn Quốc gia John Bolton cũng chính là những rào cản phía Mỹ cần loại bỏ để đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.

Mỹ cần nhượng bộ trong một vài điều khoản. Và điều đó thực sự đã diễn ra. Hai bên đã tiến đến rất gần. Nhưng chính những cố vấn của Tổng thống đã cản trở điều này và cho rằng đó là việc làm không cần thiết. Để hiện thực hóa cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập, Tổng thống Mỹ nên cân nhắc nhiều hơn về phái đoàn đến G20 lần này.

Mặc dù vậy, về phía các doanh nghiệp Mỹ hiện đang bắt đầu hiểu rằng, thỏa thuận hoặc không thỏa thuận, xích mích giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tiếp tục. Bắc Kinh rõ ràng đã mất sức hút trong mắt của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Cụ thể như trong tháng này, Google đang chuyển sản xuất máy điều nhiệt và máy chủ từ Trung Quốc sang Đài Loan và Malaysia.

Trước đó, các nhà sản xuất hàng hóa có lợi nhuận thấp đã rời Trung Quốc trong hơn một thập kỷ vì chi phí và các lý do khác, nhưng cuộc chiến thương mại ngày càng tồi tệ đã đẩy nhanh quá trình này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia vẫn còn ở llaij Trung Quốc để theo dõi tình hình.

Vì vậy, nhiều con mắt đang nhìn vào G-20. Nếu cho đến cuối tháng sáu, không có tiến triển trong việc xây dựng một thỏa thuận thương mại, dự kiến sẽ có một sự dịch chuyển lớn của chuỗi cung ứng di chuyển nhanh chóng đến các khu vực khác trên thế giới bao gồm cả Mỹ Latin.