Tính trong cả nước, Hải Phòng nằm trong số ít các địa phương được bao bọc bởi 16 dòng sông lớn uốn lượn, quanh co khắp địa bàn, hình thành nên một Hải Phòng đặc thù, với tư thế kết tụ các tiểu vùng thành chuỗi phát triển năng động. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Hải Phòng đã từng đi đầu trong canh tân, đổi mới với việc cởi trói, phá rào quan liêu bao cấp rồi khai sông lấp biển. Thế nhưng, điểm nghẽn về hạ tầng đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của Hải Phòng.

Nói về sự phát triển của TP Hải Phòng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Hãy cùng nhau làm nên một chiến thắng Bạch Đằng mới trong kinh tế như cha ông chúng ta làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội trong lịch sử. Hải Phòng phải có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu của châu Á và thế giới. Và thực hiện được mong muốn của Bác Hồ “Thành phố gương mẫu của nước ta là TP Hải Phòng”.

Trong 5 năm qua, TP Hải Phòng đã huy động 44.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông

Trong 5 năm qua, TP Hải Phòng đã huy động 44.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông

Những chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chính là động lực để TP Hải Phòng quyết tâm hoàn thành sứ mệnh đưa Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của khu vực. Thực tế, chỉ 5 năm trước, TP Hải Phòng đứng trước nhiều thử thách, khó khăn khi cả “chất và lượng” về sự tăng trưởng và quy mô kinh tế đều chưa tương xứng một thành phố cảng biển quốc tế hàng đầu, đô thị lớn thứ 3 cả nước. Thu ngân sách thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhưng 5 năm trở lại đây, Hải Phòng đã thực sự bứt phá. Điểm nghẽn “hạ tầng” đã được TP Hải Phòng dần dần tháo gỡ, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2015-2020, TP Hải Phòng đã huy động 44.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015. Ngoài những công trình mang tính quốc gia như: cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long…, trong 5 năm qua, người Hải Phòng đã xây dựng 46 cây cầu. Con số này đã phá kỷ lục của Việt Nam cả về tốc độ, mật độ làm cầu.

Những cây cầu toả ra khắp các cửa ngõ đã mở ra một không gian rộng lớn với vị trí trung tâm tụ hội, nối kết từ Hải Phòng. Đồng thời là cú hích để mở mang đô thị, kéo gần khoảng cách giữa những khu vực đô thị mới và cũ như: cầu Rào 2, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Niệm 2… Đặc biệt, tuyến cầu đường vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện đã nâng tầm phát triển hướng về phía biển, xứng danh là cửa ngõ và trung tâm dịch vụ logistics lớn nhất miền Bắc Việt Nam.

TP Hải Phòng đang gấp rút hoàn thành những cây cầu kết nối Hải Phòng với các địa phương lân cận

TP Hải Phòng đang gấp rút hoàn thành những cây cầu kết nối Hải Phòng với các địa phương lân cận

Không chỉ kết nối các tiểu vùng trong lòng thành phố, những cây cầu an sinh như: cầu Hoá, cầu Hàn được xây dựng đã kịp thời thay thế cầu phao cũ kỹ, lạc hậu, khơi thông, giải toả được những ách tắc, bí nghẽ cả giao thông lẫn kinh tế giữa Hải Phòng và các địa phương lân cận. Rồi những cây cầu mới đang được xây dựng như cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), qua sông Văn Úc; cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) qua sông Kinh Thầy… chính là nhịp nối quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho các địa phương giao lưu, phát triển. Đặc biệt, gắn kết sự phát triển kinh tế giữa các vùng miền với nhau.

Hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Bởi giao thông được mệnh danh là mạch máu của nền kinh tế. Giao thông phát triển tới đâu thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển theo. Giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế. Nhận thấy hạ tầng giao thông như một chiếc chìa khoá toàn năng mở mọi nút thắt cho phát triển kinh tế, TP Hải Phòng đã dự kiến xây 100 cây cầu nữa với số tiền 38.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm tới. Sự đột phá về hạ tầng giao thông cũng chính là một bài toán chiến lược để Hải Phòng đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khi còn là Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã từng nói: Nhìn lại giai đoạn 2015-2020, hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Đó là thông qua hệ thống các doanh nghiệp từ trong nước, ngoài nước về đầu tư cho Hải Phòng. Trong tổng nguồn lực đầu tư trong 5 năm của TP Hải Phòng là 577.000 tỷ đồng thì nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp chiếm trên 90%. Đây là đúng chủ trương, cương lĩnh của Đảng, tạo ra môi trường để cho người dân đầu tư phát triển. Và cũng là yếu tố quyết định để cho sự chuyển động, tăng trưởng mạnh mẽ của Hải Phòng trong các giai đoạn vừa qua.

Bà Nguyễn Thu Trang – Công ty XNK Thu Trang (một Việt Kiều sinh sống tại Đức đang đầu tư tại Hải Phòng) cho rằng, phải nhìn nhận từ thức tế rằng, vào thời điểm khoảng 10 năm trước, cơ sở hạ tầng của Hải Phòng không đồng bộ, kinh tế phát triển èo uột, chủ yếu dựa vào cảng biển, Nhưng 5 năm trở lại gần đây hạ tầng giao thông của Hải Phòng đã bứt phá ngoạm mục. Từ đó các nhà tư nước ngoài đã thay đổi cách nhìn về Hải Phòng. Đặc biệt nhìn thấy sự rõ rệt nhất là việc thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ như: LG, Bridgestone, Geleximco, Sun Group, Vin Group… đã giúp kinh tế của Hải Phòng phát triển.

Nhờ những bước chuyển về cả hạ tầng và thu hút đầu tư, giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội. GRDP bình quân 5 năm tăng 13,94%/năm, gấp 1,3 lần mục tiêu, gấp 2 lần giai đoạn trước. TP Hải Phòng hiện có 12 KCN. Lũy kế hết năm 2020, TP Hải Phòng đã thu hút được 567 dự án trong và ngoài nước. Trong đó có 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ USD và 167 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 146.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, quý I/2021 khi dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Hải Phòng vẫn thu hút 6 dự án cấp mới, 9 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đạt gần 1 tỷ USD và trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI.

Những công trình, dự án trọng điểm được đầu tư, mở rộng, nâng cấp đã mang đến cho Hải Phòng diện mạo mới, sức vóc mới. Cũng từ đó, nền kinh tế Hải Phòng như “Rồng vàng” cất cánh, bứt phá trong hiện tại và tương lai.