>>>Phát triển logictics miền Trung (Bài 3): Liên kết tạo sức mạnh

Tại Diễn đàn “Phát triển dịch vụ Logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”, ông Nguyễn Công Bằng Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã triển khai lập 5 Quy hoạch ngành về đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải và hàng không. Đến nay 4/5 Quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là tiền đề hết sức quan trọng để định hướng kết nối khung kết cấu hạ tầng giao thông vận tải quốc gia nói chung và hành lang Đông – Tây gắn với cảng biển Đà Nẵng nói riêng.

Diễn đàn “Phát triển dịch vụ Logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”,

Diễn đàn “Phát triển dịch vụ Logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây” tại Đà Nẵng ngày 4/8.

Kết nối với các đầu mối vận tải lớn "gặp khó"

Trong đó, về đường bộ, theo Quyết định số 1454/QĐ, trục dọc cao tốc Bắc – Nam phía Đông trong khu vực đã đưa vào khai thác 193 km (La Sơn - Túy Loan và Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và đang tiếp tục được triển khai đầu tư theo các Nghị Quyết của Quốc Hội với mục tiêu đến 2025 cơ bản thông toàn tuyến sẽ thay thế QL 1 thành trục chính kết nối các tỉnh ở khu vực miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo trục ngang, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo  với chiều dài 70km cũng được quy hoạch đầu tư giai đoạn trước 2030, sẽ thay thế QL9 hiện hữu hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối trực tiếp từ CKQT Lao Bảo đến các cảng biển trong khu vực, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa của hành lang kinh tế Đông – Tây trên lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Bằng Bằng cho biết, các tuyến Quốc lộ kết nối với các CKQT khác trên hành lang (CKQT La Lay; CKQT Nam Giang) như QL14B, QL14D, QL14E v.v… cũng sẽ từng bước được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu kết nối hàng hóa của khu vực phía Nam Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với cảng biển Việt Nam.

Về đường sắt, theo Quy hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được ưu tiên đầu tư 02 đoạn Hà Nội – Vinh (281km) và Nha Trang – TP Hồ Chí Minh (370km) giai đoạn trước 2030, đoạn Vinh – Nha Trang (894km) sẽ triển khai đầu tư giai đoạn sau 2030, bên cạnh việc đưa tuyến đường sắt tốc độ cao vào khai thác, tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu sẽ được chuyển đổi sang vận chuyển hàng hóa cùng với nhánh đường sắt chuyên dùng kết nối các khu bến cảng biển lớn trong khu vực gồm cảng Chân Mây, Liên Chiểu, Dung Quất... sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics.

Ngoài ra tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước dài 550km sẽ giúp Đà Nẵng tiếp cận nhanh hơn và tốt hơn với thị trường hàng hóa nhiều tiềm năng là khu vực Tây Nguyên.

Về đường thủy nội địa, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải nhấn mạnh, do đặc thù của khu vực miền Trung hệ thống sông có độ dốc lớn, không liên thông do đó chủ yếu chỉ phục vụ kết nối với các tuyến vận tải ven biển trên hành lang hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang hỗ trợ cho hoạt động vận tải trên trục Bắc – Nam và kết nối các cảng biển trong khu vực.

Về hàng hải, hệ thống cảng biển kết nối với luồng hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông – Tây trải dài từ Hà Tĩnh đến tận Quảng Nam thuộc nhóm cảng biển số 2 và số 3 của hệ thống cảng biển với chức năng chính là phục vụ phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong khu vực đồng thời kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan bao gồm: Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Nam.

Ông Nguyễn Công Bằng Bằng đánh giá: "Cơ bản quy hoạch các cảng biển trong khu vực đều có khu bến container phục vụ tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây".

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho biết, thực tế hiện nay hàng container quá cảnh trên hành lang chủ yếu của Lào và kết nối với các tuyến hàng hải quốc tế thông qua cảng biển Đà Nẵng.

Về hàng không, hệ thống cảng hàng không trong khu vực cũng được phân bổ tương đối đồng đều giữa các địa phương, tuy nhiên hầu hết các cảng hàng không trong khu vực chủ yếu định hướng phát triển hoạt động vận tải hàng hóa. Chỉ có Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai quy hoạch trở thành cặp cảng hàng không đầu mối của khu vực miền Trung nhằm khai thác hỗ trợ nhau phục vụ nhu cầu vận tải hàng không của khu vực và góp phần phục vụ hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối bằng hàng không.

Như vậy, có thể thấy khung kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trên hành lang kinh tế Đông – Tây đã được hoặc định trong các quy hoạch ngành quốc gia và đang được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai đầu tư.

Với TP Đà Nẵng với vị trí chiến lược trên giao điểm giữa hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khai thác hiệu quả đặc biệt là cảng biển và cảng hàng không đã từng bước khẳng định vai trò của mình là đầu mối vận tải và trung tâm logistics của khu vực.

Tuy nhiên để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng nhận định thành phố phải đối mặt với những thách thức. Cụ thể, kết cấu hạ tầng kết nối với các đầu mối vận tải lớn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và khu bến Tiên Sa đều đang quá tải và nằm sâu trong trung tâm thành phố.

kết cấu hạ tầng kết nối với các đầu mối vận tải lớn gặp nhiều khó khăn,

Kết cấu hạ tầng kết nối với các đầu mối vận tải lớn như hàng không, biển...gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, dư địa về quỹ đất để phát triển của thành phố hạn chế, đặc biệt là quỹ đất để hình thành các trung tâm logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng. Phân công chức năng của các địa phương trong khu vực miền Trung trên hành lang kinh tế Đông – Tây chưa rõ ràng và còn nhiều chồng lấn. Đặc biệt là thách thức trong sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong việc thu hút nguồn hàng tại địa phương cũng như trên hành lang kinh tế Đông  - Tây ngày một quyết liệt với sự quan tâm đầu tư hạ tầng cũng như các chính sách ưu đãi.

>>>Phát triển logictics miền Trung (Bài 2): Xác định mục tiêu

>>>Phát triển logicitcs miền Trung (Bài 1): Nhận diện khó khăn

Xây dựng cơ chế đột phá

Từ thực tế này, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải đề xuất, trong giai đoạn tới, nhằm phát huy hơn nữa kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, quốc tế sẽ được triển khai đầu tư trên hành lang kinh tế Đông – Tây, Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành phố trên hành lang cần quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, giảm thiểu chi phí vận tải và logistics.

Cụ thể, một là, cần bám sát quá trình triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ nhằm định hướng không gian phát triển cũng như phân công chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương trên cơ sở phù hợp với điều kiện và lợi thế cạnh tranh.

Hai là, cần tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương cũng như xúc tiến kêu gọi thực hiện đầu tư và sớm đưa vào khai thác hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm trên hành lang như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo kết nối cảng hàng không quốc tế Lao Bảo; tuyến QL14D, QL14E kết nối cảng hàng không quốc tế Nam Giang, khu bến Liên Chiểu.

Ba là, cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên hành lang kinh tế Đông – Tây.

Bốn là, cần hình thành cơ chế phối hợp liên Vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong đó Đà Nẵng đảm nhận vai trò đầu tàu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics đòi hỏi chất lượng cao.