Donald Trump và Kim Jong - un là hai chính trị gia khó đoán nhất thế giới hiện tại, nhìn vào nước Mỹ hơn 2 năm nay và Triều Tiên thời gian gần đây cho thấy, sự thật đôi khi không giống như những gì họ từng tuyên bố.

Bởi vậy cuộc nói chuyện giữa những nhà lãnh đạo này giống như một trận bóng đá không có trọng tài, khán giả không được vào xem, cũng không được phát trên truyền hình.

Ví dụ, cho đến nay, sau gần 1 năm Kim - Trump gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore - họ đã nói với nhau những gì? Báo giới khó biết chính xác trừ khi khối tài liệu ấy được giải mật sau nhiều năm nữa.

Hàng chục ngàn bài viết ngắn dài về Thượng đỉnh Mỹ - Triều, vì thế chỉ có thể áp dụng nguyên tắc suy luận và suy luận logic để đoán kết quả. Bài viết này cũng không ngoại lệ.

Nhưng nguyên tắc suy luận dựa trên “Tiên đề” để rút ra “Kết luận” là phương pháp khoa học được áp dụng từ thời cổ đại. Bản thân “Kết luận” cũng là một phán đoán, độ chính xác của phán đoán phụ thuộc tính chính xác của “Tiên đề” và tính đúng đắn của lập luận.

Cuộc đấu trí của hai chính trị gia khó lường, kết quả sẽ thế nào?

Cuộc đấu trí của hai chính trị gia khó lường, kết quả sẽ thế nào?

Hỏi: Tâm thế của Mỹ và Triều Tiên như thế nào?

Đáp: Cả hai đều có kỳ vọng, vì lý do hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng, rất tiếc là khó đạt được cũng vì những đòi hỏi trái ngược đó.

Cụ thể: Mỹ muốn Triều Tiên giải giáp hạt nhân rồi sẽ xóa bỏ cấm vận, trong khi Bình Nhưỡng muốn xóa bỏ cấm vận rồi mới từng bước giải giáp hạt nhân!

Hỏi: Niềm tin có là vấn đề lớn?

Đáp:  Mỹ không thể xóa cấm vận dù một phần, vì khi Triều Tiên không giữ lời thì không thể (hoặc rất khó) áp đặt cấm vận lại, do phải có 5 nước trong Hội đồng bảo an LHQ đồng thuận.

Còn Kim Jong - un không thể từ bỏ vũ khí răn đe của mình khi mà an ninh quốc gia chưa được đảm bảo! Hơn nữa đây là lá chắn duy nhất để bảo vệ chế độ; thứ còn lại và mạnh nhất để Bình Nhưỡng mặc cả với Washington. Như vậy niềm tin vào nhau là một cản trở.

Hỏi: Kim Jong - un “đơn thương độc mã” đến gặp Trump?

Đáp: Ông Kim còn bị sức ép (cũng có thể hiểu là hậu thuẫn) của Trung Quốc. Họ vẫn muốn Hội nghị có buớc tiến, nhưng càng chậm càng tốt!

Hãy giả sử viễn cảnh, nếu Nam Bắc Triều thống nhất, thế giới sẽ thấy một cường quốc toàn diện, giàu kinh tế mạnh quân sự, chắc chắn làm thay đổi cán cân quyền lực tại Đông Bắc Á và châu Á…

Hỏi: Ai muốn, và ai không muốn điều này?

Đáp: Nhiều nước lớn, có dính líu đến lợi ích tại Biển Đông, và châu Á - Thái Bình Dương đương nhiên không muốn tự dưng xuất hiện thêm một cường quốc có xu hướng ngả về bên kia đại dương, nhất là những nước đang cạnh tranh chiến lược với Mỹ.

Hỏi: Vậy, Kim và Trump sẽ đi đến đâu?

Đáp: Mặc dù có những khó khăn trên, nhưng hội nghị sẽ đạt được một tuyên bố chung, gồm các điểm rất ràng buộc:

1/ Triều Tiên chấm dứt thủ thử vũ khí hạt nhân; không triển khai vũ khí hạt nhân; không phổ biến vũ khí hạt nhân; đổi lại Mỹ giảm thiểu tập trận với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản.

2/ Triều Tiên tạo điều kiện cho Mỹ trong công tác tìm kiếm binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh; đổi lại Mỹ sẽ hỗ trợ nhất định cho Triều Tiên trong phát triển kinh tế: xúc tác các khu công nghiệp với Nam Hàn; có viện trợ bằng tiền mặt, kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực…cho Triều Tiên.

Hỏi: Sẽ có Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3?

Đáp: Hai bên sẽ có Hội nghị lần 3 và nhiều hơn nữa. Trước hết, vào thời gian thích hợp, lần thứ 3 có thể diễn ra tại Mỹ, dưới hình thức một chuyến thăm chính thức của ông Kim. Vì Trump đã phát đi hết thông điệp đến Bình Nhưỡng sau 2 lần tại Singapore và Việt Nam. Thời gian khoảng đầu năm 2020.

Hỏi: Tuyên bố chung có vẻ khiêm tốn, liệu có ý nghĩa gì?

Đáp: Mặc dù không có nhiều nội dung đột phá, song có rất nhiều ý nghĩa với các bên, cụ thể:

Với Trump, nó là chiến tích hiển hách mà nhiều đời Tổng thống Mỹ không làm được. Tuyên bố chung giúp Tổng thống đương nhiệm giảm rắc rối trước sức ép lớn dần từ đảng Dân chủ và giúp Trump thắng cử nhiệm kỳ 2!

Tuyên bố chung giúp Triều Tiên vừa bảo đảm an ninh, vừa duy trì thể chế; vừa phát triển kinh tế trước mắt, vừa không làm lo lắng sức ép từ các nước lớn có lợi ích mâu thuấn với Mỹ.

Hỏi: Vậy, Việt Nam - nước chủ nhà sẽ được gì và nên làm gì?

Đáp: Việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều trước hết cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao môi trường hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, đủ năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế của Việt Nam.

Thông qua đó có thể xúc tiến mạnh mẽ quan hệ thương mại với Mỹ, tranh thủ mở thêm đường cho nông sản Việt vào Mỹ, tương tự như trường hợp mới nhất là trái xoài.

Việt Nam cần tận dụng thời cơ này để quảng bá, giới thiệu mình đến khắp nơi trên thế giới, ngành Du lịch lãnh ấn tiên phong - vừa tạo hình ảnh, vừa thu lợi từ các hoạt động kéo theo.

Hỏi: Doanh nghiệp Việt có cơ hội hay không?

Đáp: Hoàn toàn có, thậm chí rất lớn. Hợp tác kinh tế với Mỹ là đương nhiên, còn hợp tác kinh tế với Triều Tiên là một ẩn số thú vị, nhưng thứ đem lại niềm tin lớn nhất là thị trường còn khá trống rỗng tại nước này.