>> Doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải nhìn từ kinh nghiệm của Hà Lan

Mục tiêu xử lý nước thải đã đặt ra là tăng từ 15% hiện tại lên 70% trong vòng 10 năm tới cần một nguồn đầu tư rất lớn, từ 10-20 tỷ USD.

p/Việc thu gom, xử lý nước thải đã và đang trở thành những áp lực ngày một lớn.

Việc thu gom, xử lý nước thải đã và đang trở thành những áp lực ngày một lớn.

Áp lực từ sự phát triển

Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, năm 2021 tổng khối lượng chất thải rắn tại 45/63 tỉnh thành phố hơn 55,5 ngàn tấn/ngày, lượng chất thải rắn tăng mỗi năm khoảng 10-16% và khoảng hơn 70% chất thải rác sinh hoạt thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Trong khi hiện nay, đầu tư phát triển hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (trong đó vốn vay ODA là chính), nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn khiêm tốn. Nghiên cứu của World Bank cũng cho thấy, đối với chi phí xử lý rác thải rắn ở Việt Nam, hiện 75% là do Chính phủ tài trợ chi phí vận hành.

Về nước thải, tính đến cuối năm 2021, mỗi ngày Việt Nam có 65 ngàn mét khối nước thải công nghiệp. Trong đó, gần 10% tổng số 290 khu công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gần 90% trong gần 700 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Cùng với đó, mỗi ngày Việt Nam có khoảng 3.650 triệu mét khối nước thải sinh hoạt, cả nước có 69 công trình xử lý nước thải sinh hoạt. Trong đó, có 53/69 dự án được triển khai từ nguồn vốn vay ODA, 2 dự án theo hình thức hợp tác công tư PPP, 5 dự án theo hình thức BT.

Song song với việc thu hút, khuyến khích các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhằm đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa thì hiện trạng đã nêu cũng cho thấy, việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn cũng đã và đang trở thành những áp lực ngày một lớn.

Cần đáp ứng nhu cầu thực tế

Theo ông Đoàn Tiến Giang - Chuyên gia về Hợp tác công - tư (PPP) thuộc Dự án AEO, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID), hợp tác công - tư là một trong những giải pháp phổ biến mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để giải quyết vấn đề nước thải và chất thải rắn.

Ông Giang cho rằng, khu vực tư nhân có thể tham gia vào tất cả các bước trong chuỗi giá trị của lĩnh vực xử lý chất thải rắn, từ việc thu gom, phân loại, lấp hoặc ủ phân hay cao hơn là tái chế, sản xuất năng lượng tái tạo.

Từ đó, ông Giang khuyến nghị, với các dự án thiết kế - xây dựng, nếu ngắn hạn nên áp dụng hợp đồng dịch vụ, nếu dự án trung hạn nên chọn hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Với các dự án mới, có thể áp dụng mô hình hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL), hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT) áp dụng với các dự án trung hạn. Còn với các dự án dài hạn nên áp dụng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO) và xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO).

“Nên xem xét mức vốn đầu tư tư nhân tỷ lệ thuận theo thời hạn dự án. Theo đó, việc xem xét hình thức hợp tác sẽ theo thời gian và vốn đầu tư có thể xem xét theo thứ tự BLT/BTL; BOT/BTO; BOO”, ông Giang chia sẻ.

Thực tế, trên thế giới không ít dự án xử lý nước thải, chất thải rắn rất thành công từ sự linh hoạt trong phương thức hợp tác công – tư (PPP), có thể kể đến như dự án xử lý chất thải ở Central Berkshire, UK.

Theo đó, Nhà đầu tư tư nhân có nghĩa vụ thiết kế, xây dựng, cấp vốn, vận hành và bảo dưỡng các cơ sở tiếp nhận, xử lý, vận chuyển, và thải bỏ chất thải rắn ở Reading và Bracknell. Mục tiêu của các cơ sở này là tăng tỷ lệ tái chế chất thải hộ gia đình lên 50% và đạt tỷ lệ chống chôn lấp tới 75% vào năm 2031. Khu vực công sẽ đảm bảo tỷ lệ rác tối thiểu, nhà đầu tư được hưởng lợi từ thuế chống chôn lấp.

Tuy nhiên, từ năm 2009 lượng rác thải giảm do nhiều yếu tố như biến động địa lý (thay đổi dân số, đặc điểm dân cư), giảm lượng tiêu dùng nên giảm lượng rác thải hoặc thay đổi lối sống, do đó các bên phải đàm phán thay đổi điều khoản thanh toán trong hợp đồng PPP, Chính phủ yêu cầu giảm khoản thanh toán cho nhà đầu tư nên đã xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, cuối cùng các bên đã đạt được thoả thuận liên quan.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho rằng, để thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải rắn, Nhà nước cần xây dựng chiến lược, quy hoạch hợp lý về phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở và hình thành một khung pháp lý rõ ràng cho PPP; trong đó có các cơ chế, chính sách về tín dụng, phí dịch vụ, đất đai,... để thu hút đầu tư của tư nhân.

Với lĩnh vực xử lý nước thải, Việt Nam có khoảng hơn 40 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang được vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926 nghìn m3/ngày đêm, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đối với lượng nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt mới chỉ đạt khoảng 13%...