Đây là khẳng định của ông Bùi Duy Quang, P.Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội tại buổi Họp báo Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam năm 2022

Ông Bùi Duy Quang, P.Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội phát biểu tại buổi Họp báo Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam năm 2022

>>> Vì sao Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam được tổ chức thường niên?

Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, do UBND Thành phố chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố (HPA) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức từ ngày 23/11 - 27/11/2022 tại Quảng trường Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall - Khu Đô thị Vinhomes Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).

Trao đổi với DĐDN trước Lễ khai mạc 19h00 - 21h00, ngày 23/11 (Thứ tư), ông Bùi Duy Quang, P.Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội nhìn nhận, Hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước quảng bá sản phẩm đặc sản, nâng cao nhận diện thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, kết nối giao thương tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiệp, khách du lịch trong ngoài nước hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.

“Qua các kỳ tổ chức, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng lên về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch có uy tín cao, có tính lan tỏa, được Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố đánh giá cao” ông Quang cho hay.

Theo đại diện Ban tổ chức, tiếp nối thành công của các kỳ tổ chức hội chợ những năm vừa qua, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2022 tiếp tục được tổ chức, là một trong những giải pháp cần thiết, hiệu quả cho các doanh nghiệp hiện nay, với những điểm mới, Hội chợ năm 2022 có quy mô 260 gian hàng với hơn 350 đơn vị, doanh nghiệp của 54 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia và quy tụ sản phẩm của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, hội chợ còn có Khu trưng bày các sản phẩm quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, văn hóa, du lịch các nước; Khu trưng bày, trình diễn ẩm thực 3 miền; Khu thưởng trà; Khu trưng bày sản phẩm OCOP...

Sản phẩm trưng bày tại hội chợ được Ban Tổ chức lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp (quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đặc sản địa phương; các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…).

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch covid 19 đã được kiểm soát tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, năm 2022 Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn hơn so với các năm trước, nhiều tiểu cảnh đặc trưng các vùng miền trên cả nước được dàn dựng, trang trí đặc biệt, các gian hàng được thiết kế theo module đặc biệt, vừa hiện đại vừa truyền thống theo không gian mở ngoài trời, là điểm khác biệt so với mọi năm.

Không gian hội chợ sẽ được phân bổ thành các không gian như: Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung...Nhiều Khu không gian của các tỉnh, thành phố trên cả nước có thiết kế đặc biệt, tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền như: An Giang, Bình Định, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Hà Giang ...tạo thành những ngày hội đặc sản, du lịch, văn hóa của các vùng miền trong cả nước.

“Những ngày tham gia Hội chợ là những ngày hội đặc sản của cả nước tập trung về Thủ đô. Đây cũng là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của Hà Nội” ông Quang nhìn nhận.

Với quy mô: 4000 - 4500m2, Hội chợ được thiết kế, trang trí, dàn dựng tổng thể thể hiện hình ảnh các vùng miền, khu vực: Tây bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên... được phân bổ thành các không gian: Không gian các gian hàng đặc sản của các tỉnh, thành phố trong cả nước; Không gian sản phẩm đặc sản, OCOP Hà Nội; Không gian sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý; sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để cung cấp cho các chuỗi phân phối tại nước ngoài; Không gian sản phẩm đặc sản quốc tế của Đại sứ quán, tổ chức quốc tế một số nước tại Hà Nội; Không gian ẩm thực đặc sản 3 miền; Không gian tiểu cảnh trang trí sân khấu, cổng chào; Không gian trình diễn sản phẩm; quảng bá du lịch, văn hóa… Không gian giao dịch kết nối giữa đơn vị sản xuất với hệ thống phân phối (Siêu thị, TTTM, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, sàn TMĐT...)

Cũng theo ông Quang, nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa các nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp; phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương cũng như tăng cường tính liên kết vùng. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối; giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.

Theo đó, trong khuôn khổ Hội chợ HPA sẽ tổ chức "Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại", cụ thể: Ngày 23/11/2022 (Thứ tư), từ 8h00 - 12h00: Giao thương, kết nối doanh nghiệp (Trưng bày, quảng bá sản phẩm và giao dịch kết nối giữa nhà cung cấp với NPP/sàn giao dịch TM Điện tử.). Từ 13h30 - 17h00 diễn ra Hội nghị tại Hội trường Tầng 6- Khách sạn Hacinco, số 110 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội. Quy mô: 250-300 đại biểu bao gồm: Thành phố Hà Nội; hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước; các Hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp.