>>>Forbes Under 30 Asia 2022: Nhà thiết kế chế tạo vải từ vỏ hải sản và bã cà phê

Đây cũng là một trong những điển hình thành công trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, tận dụng những nguyên liệu bỏ đi, không dùng đến của ngành này để làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất khác. Bà Trần Hoàng Phú Xuân - nhà sáng lập, CEO công ty CP Kết nối thời trang Faslink bắt đầu câu chuyện chia sẻ về hoạt động kinh doanh tuần hoàn.

Những chiếc áo polo, áo sơ mi, tất được làm từ bã cà phê do Faslink sản xuất không có gì khác biệt về hình thức cũng như giá thành so với các sản phẩm cùng loại. Sản phẩm được chào bán trên thị trường Việt Nam khi các dòng sản phẩm này được “định vị” bằng những tên tuổi lớn. Vậy mà, ở năm 2020 - năm đầu tiên thương mại hoá sản phẩm áo polo làm từ bã cà phê cũng là thời điểm dịch COVID - 19 bùng phát, Faslink đã bán được 3 triệu sản phẩm. Trước đó, những chiếc sơ mi từ bã cà phê năm đầu tiên được bán tại thị trường Việt Nam cán đích khoảng 200.000 chiếc và số lượng này đã tăng lên nhiều vào những năm sau đó.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân - nhà sáng lập Faslink dành thời gian nghiên cứu tái sinh bã cà phê thành sợi vải thân thiện môi trường

Bà Trần Hoàng Phú Xuân - nhà sáng lập Faslink dành thời gian nghiên cứu tái sinh bã cà phê thành sợi vải thân thiện môi trường

Những chiếc áo làm từ bã cà phê có gì đặc biệt mà có thể cạnh tranh và tiêu thụ tốt trên thị trường đến vậy?

Trả lời câu hỏi này, bà Trần Hoàng Phú Xuân cho biết: các nguyên liệu sợi của Faslink được tạo nên từ các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường sống, an toàn cho sức khỏe người dùng, dễ dàng chế tác trong may mặc và có thể tự phân hủy theo thời gian. Đó là quá trình tái sinh nguyên liệu bỏ đi thành sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Tuy nhiên, quá trình này không phải là tái sinh thuần tuý mà Faslink đã ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý tơ sợi nhằm đáp ứng được tiêu chí: mềm mịn, bền đẹp và thời trang. Trong đó, sợi cà phê, qua quá trình xử lý bằng công nghệ còn bảo toàn nhiều tính năng vượt trội, đặc biệt là tính năng khử mùi.

Chia sẻ thêm về nguyên tắc tạo tính năng khử khuẩn, khử mùi trên sản phẩm may mặc, theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, trong ngành thường áp dụng theo 2 cách. Thứ nhất là ép hoá chất và cách làm này phổ biến từ những năm 1940. Do vải phải tiếp xúc hoá chất nên để lại một số vấn đề như gây dị ứng cho người sử dụng nếu họ có cơ địa mẫn cảm với hóa chất, gây ô nhiễm môi trường và tính năng kháng khuẩn sẽ phai dần và không còn sau khoảng 15 lần sử dụng, giặt giũ.

Thứ hai, từ cuối thập niên 80, 90 tại một số phòng lab, hub nghiên cứu công nghệ, vật liệu mới của dệt may thế giới đã thử nghiệm thành công việc tạo ra các loại sợi có tính năng bền vững từ các nguyên liệu như bã cà phê. Những sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu này cho phép mình mặc và giặt nhiều lần mà vẫn bảo tồn được những tính năng khử khuẩn, kháng khuẩn vẫn được bảo tồn.

Là người làm nghề, bà Trần Hoàng Phú Xuân bị “mê” bởi những điều mới mẻ, hấp dẫn này. Faslink đã làm việc với các phòng nghiên cứu trên thế giới, các nhà máy dệt… để thử nghiệm, chứng nhận độc lập cho sản phẩm của mình và thương mại hoá. Mục tiêu và định hướng mà Faslink hướng đến là người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận, ai cũng có thể mua, cũng có thể dùng với giá cả hợp lý. Bà  Trần Hoàng Phú Xuân cho rằng, với thị trường đã có nhiều sản phẩm may mặc quen thuộc, để dòng sản phẩm mới với nhiều khác biệt đưa ra thị trường sẽ gặp nhiều rào cản và thông thường doanh nghiệp phải mất từ 2-3 năm mới khắc phục được.

Những sản phẩm của Faslink được làm từ vải sợi xanh có nguồn gốc bã cà phê

Những sản phẩm của Faslink được làm từ vải sợi xanh có nguồn gốc bã cà phê

>>>[GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30] Khánh Trần: Chàng trai 9X bỏ lương triệu đô đi làm giày từ bã cà phê

Dòng sản phẩm thời trang sử dụng nguyên liệu sợi làm từ bã cà phê lại có một số thuận lợi. Được thương mại hoá thành công và giới thiệu trong thời điểm tưởng như là bất lợi, dịch bệnh COVID - 19 bùng phát nhưng trong “cái rủi có cái may”.

“Trước dịch chúng ta đã bắt đầu nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn và dịch bệnh như sự thúc đẩy để kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ hơn. Khái niệm này đã được nhắc đến nhiều hơn trên thế giới và ở Việt Nam. Đặc biệt, nhiều quốc gia trên thế giới đã luật hoá khái niệm này càng thôi thúc chúng tôi phải làm sản phẩm của mình theo kinh tế tuần hoàn bởi kinh tế tuần hoàn mang đến nhiều giá trị cho sự phát triển bền vững. Hơn thế nữa, điều này làm cho việc tiếp nhận sản phẩm may mặc được làm từ bã cà phê của thị trường nhanh hơn rất nhiều” - bà Trần Hoàng Phú Xuân cho biết.

Trong hành trình nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn, Faslink không chỉ dừng lại ở việc tái sinh bã cà phê thành sợi vải thân thiện môi trường mà còn tiên phong đầu tư mạnh cho R&D và giới thiệu nhiều loại sợi vải theo tiêu chí xanh từ thân và lá sen, lá bạc hà, chai nhựa PET… có tính ứng dụng cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Những thành công bước đầu này của Faslink được ghi nhận khi mới đây, tại hội nghị chuyên đề về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG Symposium) trong khuôn khổ năm APEC 2022 được tổ chức tại Thái Lan, bà Trần Hoàng Phú Xuân là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự hội nghị. Câu chuyện về hành trình thương mại hoá các loại sợi vải đáp ứng tiêu chí xanh và hướng tới sự phát triển bền vững của ngành thời trang Việt Nam tiếp tục được lan toả.

Khái niệm “xanh hoá” gắn liền với nền kinh tế tuần hoàn và phát triển về bền vững. Ở Faslink, khái niệm này được hiểu một cách đơn giản và dễ hiểu hơn. Đó là tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và cân bằng xã hội.