>>> Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?

Tuy nhiên, uống rượu, bia như thế nào để an toàn cho sức khỏe và không vi phạm pháp luật là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Làm sao để uống rượu bia an toàn và không vi phạm pháp luật? Ảnh: Vũ Phường

Làm sao để uống rượu bia an toàn và không vi phạm pháp luật? Ảnh: Vũ Phường

Biết là hại nhưng… vẫn uống

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Theo đó, bình quân 1 người Việt Nam trên 15 tuổi uống khoảng 170 lít bia/năm. 

Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, lượng rượu, bia tiêu thụ cao hơn nhiều lần so với ngày thường, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia; thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia chống độc, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho rằng, rượu là đồ uống gồm nước và cồn; trong đó, cồn chiếm từ 1% đến 50% tính theo thể tích, nên còn được gọi là rượu từ 1 độ đến 50 độ. Ngoài các thành phần chính, trên rượu còn chứa một lượng nhỏ các chất riêng biệt của mỗi nhà sản xuất nhằm tạo nên hương vị riêng cho rượu. Như vậy, thành phần chính gây ra hậu quả tai hại của rượu là cồn Ethylic.

Mức độ hấp thụ rượu vào cơ thể tuỳ thuộc vào từng loại rượu, nồng độ rượu, lượng thức ăn trong dạ dày, thể trạng người uống...

Khi lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường sẽ khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng, khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn… thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan…

Nguyên nhân nữa gây ngộ độc rượu là do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).

Một bệnh nhân bị ngộ độc cồn methanol nặng cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai. Ảnh Khánh Huyền

Một bệnh nhân bị ngộ độc cồn methanol nặng cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai. Ảnh Khánh Huyền

Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương 1 lon bia 300ml có 2-12 độ cồn hoặc 1 ly rượu vang 125ml có 9-18 độ cồn hay 1 ly rượu mạnh 40ml 40 độ.

Do đó, nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày được coi là lạm dụng rượu. 

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, về mặt cơ thể, rượu bia có thể gây viêm loét dạ dày, tiêu chảy, gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm tuỵ, đái tháo đường, bệnh tim mạch, giảm tiểu cầu. Rượu, bia tác động lên hệ thần kinh trung ương gây viêm dây thần kinh, tổn thương tiểu não, thất điều, loạn vận ngôn.

Uống càng nhiều rượu, bia sẽ tăng nguy cơ ung thư miệng, lưỡi, yết hầu, thực quản, gan tuỵ. Rượu làm ức chế tổng hợp testosterone gây nữ hoá, giảm tình dục ở nam giới.

Về mặt gia đình và cộng đồng, nếu uống quá nhiều rượu sẽ không làm chủ được hành vi gây nên bạo hành trong gia đình, làm cho nhiều người bị lo âu trầm cảm theo. Năng suất lao động thấp, thời gian lao động giảm, bị mất việc, thiệt hại về kinh tế. Sau khi uống rượu điều khiển xe dễ gây tai nạn giao thông, gây mất trật tự công cộng.

Cũng theo BS Nguyên, trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc methanol tăng lên rất nhiều, hầu như tuần nào cũng có người nhập viện do uống phải độc chất này.

>>> Gần Tết, đừng để “ma men” ra đường

>>> Xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia: Có phạt được không?

Chuyên gia khuyến cáo

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:

1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

4. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Đặc biệt, để không vi phạm pháp luật, người dân, doanh nghiệp cần tuân thủ một số quy định trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia như sau:

Cấm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Không được mở mới điểm bán rượu, bia trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế và trường học.

Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cấm quảng cáo rượu, bia trên TV và radio trong thời gian từ 18:00 đến 21:00 giờ hàng ngày, và trước, trong hoặc sau các chương trình dành cho thiếu nhi, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Trong trường hợp vì một lý do nào đó bắt buộc phải uống rượu thì chỉ được uống ít rượu (01 ly bia hoặc 01 chén nhỏ rượu) và trong khi uống nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm, hạn chế uống nước để giảm hấp thu rượu.

Để có một cái Tết trọn vẹn, an toàn, mỗi người hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội về sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, nên trang bị cho mình những kiến thức về tác hại của rượu, bia để chủ động tránh xa những rủi ro không đáng có trong dịp Tết này.